Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều địa phương đã tham gia tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Tại tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1631/UBND-TG về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo), Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 cho tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Nội vụ và các văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh.

Rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các tổ chức chưa được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, chưa được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; yêu cầu tạm dùng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo, thông tin về việc tạm dừng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung trước cửa cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở tín ngưỡng, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19" của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phát động; kịp thời động viên khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng gương mẫu, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời xử lý hoặc tham mưu đề xuất xử lý nghiêm túc, kịp thời theo quy định đối với mọi tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng có hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục rà soát, quản lý, giám sát chặt chẽ người đến về địa phương từ các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh đang có dịch; các tổ chức, cá nhân, điểm nhóm tôn giáo tại địa phương có liên quan đến các ca bệnh từ ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (tại TP. Hồ Chí Minh) để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo), Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm tục triển khai, thực hiện...

Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo
Nhiều lễ hội tôn giáo khác được tạm dừng để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và của các cấp chính quyền trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trước đó, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đã ban hành các văn bản thông báo, kêu gọi bà con tín đồ tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Căn cứ văn bản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thành phố, các cơ sở thờ tự của Giáo hội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn tăng ni, phật tử thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tạm dừng các lễ hội, các hoạt động tôn giáo tập trung đông người. Chủ động theo dõi thông tin về tình hình bệnh dịch từ Chính phủ, Bộ Y tế và UBND các cấp để tổ chức các hoạt động Phật sự phù hợp với tình hình thực tế. Tất cả các tăng ni, phật tử nhân dân không đi ra khỏi địa phương, hạn chế ra khỏi nhà. Thực hiện khai báo y tế, chủ động tự cách ly và theo dõi diễn biến sức khỏe nếu bản thân hoặc người thân khi đi qua vùng có dịch. Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh Covid-19 cho tín đồ phật tử và nhân dân.

Nhờ đó, các Hội thánh Tin Lành Hoành Nhị, Hội thánh Tin Lành TP. Nam Định và Điểm nhóm Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam (xã Lộc An)... đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các cấp và thông báo của Tổng hội về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời tăng cường thông tin để chức sắc, chức việc, tín đồ, nhận thức rõ về tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng của nạn dịch; từng cá nhân tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe bản thân, góp phần kiềm chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19. Hiện Ủy ban MTTQ tại các địa phương cũng đã và đang tham gia tích cực. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh: Quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh thời gian qua đã tham gia rất hiệu quả vào công tác tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh và những giải pháp cấp bách nhằm chung tay phòng, chống đại dịch.

Đặc biệt trong các tổ chức tôn giáo, thời gian qua lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động gặp gỡ các vị chức sắc, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh để kịp thời đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động các nhà tu hành, tín đồ thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch theo biện pháp “3 trước”, “4 tại chỗ” và “thông điệp 5K”.

“Thực tế cho thấy, các cơ sở tôn giáo, tín đồ, nhân dân toàn tỉnh đều đã dành sự ủng hộ cao cho chủ trương chung về phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều hoạt động tôn giáo quan trọng như Lễ Phục sinh, Lễ Phật đản... được thay đổi cách thức tổ chức để hạn chế nguy cơ lây lan virus, đã cho thấy hiệu quả tích cực của việc phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên và các tổ chức tôn giáo trong tỉnh” - ông Hoàng Đức Hạnh cho hay.

Đánh giá về sự tham gia tích cực, chủ động của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tích cực chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 trong nước diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm một số tôn giáo ở Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo lớn, nếu không nghiêm túc thực hiện giãn cách và áp dụng các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến mà vẫn tổ chức và tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người sẽ là một trong những nguy cơ quan trọng dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo đó, ông Thắng cho biết thêm, lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo đã cam kết với Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ chấp hành tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, và thông điệp 5K của Bộ Y tế; nhiều tổ chức giáo hội đã hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông tín đồ tham dự; tạm dừng hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; chuyển sang tổ chức sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo trực tuyến, sử dụng các trang truyền thông của giáo hội và cầu nguyện online tại gia đình; thực hiện giãn cách, không tổ chức lễ hội tập trung đông người; không mời đón giáo sĩ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là những quốc gia có dịch.

Đỗ Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.