Lạng Sơn: Tạo động lực phát triển mới cho kinh tế cửa khẩu

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn ưu tiên bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa khẩu.

Đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu; tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; chủ động, tăng cường công tác đối ngoại.

Lạng Sơn: Tạo động lực phát triển mới cho kinh tế cửa khẩu
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn (Ảnh: Cấn Dũng)

Đặc biệt, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Trong đó, xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt khoảng 6.650 triệu USD, trong đó xuất khẩu 3.890 triệu USD, nhập khẩu 2.760 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân từ 8 - 9%/năm.

Để đạt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, thu hút, huy động khoảng 14.000 tỷ đồng nguồn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu và các khu cửa khẩu khác.

Cụ thể, tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa.

Xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, kết nối cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 4A, 4B, 3B, 31.

Bên cạnh đó, sớm hình thành các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, khu trung chuyển hàng hóa (143,7ha): Tăng cường công tác chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án theo đúng tiến độ được giao, phấn đấu đến hết quý III/2022 thi công xây dựng hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án (khoảng 58 ha) và đến năm 2025, hoàn thành đưa vào hoạt động toàn bộ dự án.

Đối với Khu chế xuất I (khoảng 126,38 ha): Tăng cường công tác chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phấn đấu thực hiện dự án theo đúng tiến độ được giao, hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong năm 2022. Về khu phi thuế quan (giai đoạn 1): Hoàn thành đấu giá quyền sử dụng các khu đất đã tạo được mặt bằng sẵn để thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn kinh phí tiếp tục thực hiện việc giải phóng, tạo mặt bằng sạch tại các khu vực khác để thu hút đầu tư.

Đáng chú ý, phối hợp Bộ Công Thương sớm hoàn thành Đề án tổng thể về xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường trình Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu, xây dựng hình thành các Khu thương mại - công nghiệp thuộc các khu vực cửa khẩu: Cốc Nam, Chi Ma, Bình Nghi.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại biên giới bao gồm: Chợ biên giới, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm logistics, kho hàng hóa, trung tâm hội chợ, triển lãm... theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển từng khu vực biên giới.

Tạo môi trường thuận lợi trong thông quan xuất nhập khẩu

Để phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn còn tập trung thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có của trung ương và của tỉnh; rà soát các chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình và điều kiện của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong khu kinh tế cửa khẩu, biên giới về các vấn đề về chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tập trung vào các hoạt động sản xuất, gia công chế biến....

Lạng Sơn: Tạo động lực phát triển mới cho kinh tế cửa khẩu
Lạng Sơn sẽ xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu” (Ảnh: Cấn Dũng)

Trên cơ sở hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu từ nhiều năm nay, tập trung nghiên cứu chính sách phát triển và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh; đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới, ưu đãi về thu hút nguồn vốn đầu tư, xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới; ưu đãi đối với các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại biên giới, hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Đặc biệt, nhằm tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên các lĩnh vực như: đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu; phát triển đồng bộ dịch vụ logistics để rút ngắn thời gian kiểm hoá, kiểm soát, bốc xếp, trung chuyển hàng hoá qua biên giới nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.

Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phương thức huy động vốn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); tăng cường tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài và đổi mới hình thức vận động tài trợ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), thúc đẩy giải ngân vốn ODA, thu hút, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Khu kinh tế cửa khẩu; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Tăng cường kết hợp giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch nhằm quảng bá và thu hút đầu tư, thu hút du khách, phát triển thương mại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thu hút các mặt hàng có giá trị cao xuất nhập khẩu qua địa bàn như: Thủy hải sản, khoáng sản, hạt điều, hạt tiêu, đỗ gỗ mỹ nghệ, sữa tươi,...; phối hợp các cơ quan trung ương trong việc mở rộng danh mục mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó ưu tiên mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Ngoài ra, duy trì thường xuyên hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế...

Quỳnh Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.