08:00 | 18/08/2021
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên 16.493 km2, lớn nhất cả nước; dân số đông với hơn 3,3 triệu người. Toàn tỉnh có 21 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó 6 huyện tiếp giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương) với tổng chiều dài đường biên dài nhất cả nước (468,281 km), có 27 xã (312 thôn, bản) tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào (Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn).
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển kinh tế khu vực biên giới do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã đạt được những kết quả nhất định. Kinh tế tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện.
![]() |
Nghệ An đặc biệt quan tâm đến hệ thống cảng biển trong sự phát triển kinh tế xã hội |
Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 24.870 tỷ đồng; Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 đạt 12.521 tỷ đồng. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt chiếm 30,1%, 41,3% và 28,6%.
Mặc dù cơ cấu kinh tế tuy chuyển dịch chậm, chưa vững chắc nhưng cơ bản đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 32,2 triệu đồng (toàn tỉnh đạt 44,01 triệu đồng).
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh luôn dành nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu. Song song với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp, vừa kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, vừa tiếp tục đẩy mạnh phối hợp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, đại diện của tỉnh cũng nêu một số khó khăn, bất cập trong hoạt động thương mại biên giới Việt – Lào trong thời gian qua. Đồng thời có một số đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Paksan - Thanh Thủy - Hà Nội nhằm tạo điều kiện thông thương, qua lại, phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước Việt Nam - Lào và tạo tiền đề hình thành khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Trao đổi với Chính phủ Lào sớm công bố Cửa khẩu Nậm On (tỉnh Bôlykhămxay) thành cửa khẩu chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thuận lợi.
Đồng thời, hỗ trợ, bố trí kinh phí xây dựng đê chắn sóng, thường xuyên nạo vét luồng lạch đảm bảo tàu có trọng tải lớn ra vào cảng Cửa Lò. Hỗ trợ giới thiệu, kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò.
Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp tại khu vực biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn. Bố trí ngân sách xây dựng nâng cấp các tuyến đường kết nối từ các cửa khẩu, lối mở, các xã... đến các tuyến Quốc lộ (7, 48, Hồ Chí Minh); quan tâm xem xét cấp vốn để thực hiện các Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp chợ biên giới, trước mắt ưu tiên nguồn vốn phát triển một số chợ tại địa bàn biên giới khó khăn, đông dân, hoạt động hiệu có hiệu quả và có sự tham gia của cư dân các tỉnh biên giới của Lào.
Nghệ An cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, để các địa phương có phương án phát triển cửa khẩu phù hợp. Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm đầu tư các trạm thu phát sóng viễn thông, internet cho khu vực biên giới, miền núi, đặc biệt là tại các cửa khẩu, lối mở, thị tứ... nhằm xóa các “vùng trũng” cho việc phủ sóng di động, internet phục vụ các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp.
Qua báo cáo của các địa phương, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ: Bên cạnh các mặt đạt được, tình hình phát triển kinh tế các khu vực biên giới của nước ta vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Từ kiến nghị của các địa phương, bộ đã nắm tổng quan về tình hình phát triển khu vực biên giới, qua đó thống nhất các giải pháp trọng tâm để báo cáo, đề xuất với Chính phủ nhằm kịp thời ban hành một số cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Tuy nhiên, trước mắt, để kinh tế khu vực biên giới tiếp tục phát triển, Bộ Công Thương đưa ra các nhóm giải pháp: Các tỉnh biên giới cần rà soát, đề xuất các nội dung về đầu tư phát triển khu vực biên giới; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch vốn đầu tư công; chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đa dạng hóa hình thức đầu tư, hình thức quản lý thu hút nguồn lực đầu tư phát triển khu vực biên giới; đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại biên giới, hạ tầng điện – viễn thông liên lạc.
Đồng thời, tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới tạo động lực phát triển; kiểm soát chặt chẽ thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển…
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/nghe-an-uu-tien-nguon-von-ho-tro-dau-tu-phat-trien-ha-tang-cum-cong-nghiep-tai-khu-vuc-bien-gioi-162500.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.