08:00 | 20/08/2021
Hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 9.541,25km². Là tỉnh tiếp giáp với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc với đường biên giới dài 455,573 km. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 129 xã, phường, thị trấn, 1.441 thôn, bản, tổ dân phố (có 1.146 thôn bản đặc biệt khó khăn). Dân số toàn tỉnh trên 60 vạn người; có 19 dân tộc cùng sinh sống (trong đó: dân tộc Mông chiếm 38,11%, dân tộc Thái chiếm 35,68%, dân tộc Kinh chiếm 17,37%, còn lại là các dân tộc khác).
Theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của UBND tỉnh Điện Biên, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 song năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh) vẫn đạt 11.765,280 tỷ đồng, tăng 1,82% so với năm 2019 (đạt 96,73% kế hoạch). 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP), theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 5.665,5 tỷ đồng, tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Do ảnh hưởng của dịch, cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc tạm dừng việc xuất nhập cảnh đối với xe khách, khách du lịch, hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng hình thức sang tải |
Phát biểu tại Hội nghị Phát triển kinh tế các tỉnh biên giới mới đây, đại diện UBND tỉnh Điện Biên cho hay, thời gian qua, trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn đã đạt được một số kết quả cơ bản đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trưởng dương, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng xác định. Hoạt động sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển; thị trường hàng hóa ổn định phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng và đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với các tỉnh Bắc Lào; Vân Nam (Trung Quốc); tỉnh Nan, Chiềng Rai (Thái Lan); đặc biệt chú trọng tăng cường hợp tác thương mại biên giới, đầu tư sản xuất công nghiệp, liên kết kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đại diện UBND tỉnh cũng cho biết, Điện Biên vẫn là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào địa bàn hạn chế. Sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp địa phương thấp.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài, diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hoạt động dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, hoạt động xuất nhập khẩu và mậu dịch biên giới.
Cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu trên tuyến biên giới giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh của Lào nhìn chung còn rất khó khăn và thiếu đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và kinh phí để tổ chức duy trì hoạt động thương mại dịch vụ hạn chế, kinh tế - xã hội hai bên tiếp giáp các cửa khẩu chậm phát triển.
Nguồn vốn để đầu tư phát triển, cải tạo và nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương, số lượng các thôn bản chưa có điện còn nhiều, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, suất đầu tư cao. Việc thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gặp nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian xử lý, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, ảnh hưởng chung đến tiến độ thi công các công trình.
Hỗ trợ nguồn lực đầu tư
Để tháo gỡ những khó khăn, tỉnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù cho các tỉnh kém phát triển như tỉnh Điện Biên, tăng cường ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hỗ trợ nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, đặc biệt là xây dựng hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu theo quy hoạch và các tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, đường giao thông đến các xã biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
Đến nay, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia của tỉnh mới đạt 91,26%. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có trên 98% số hộ dân trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA để triển khai thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm biến áp và tuyến đường dây 110kV, 220kV theo Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 đã được phê duyệt.
Sớm ưu tiên và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường dây tải điện 110kV từ thủy điện Lai Châu - huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên, tuyến đường dây 110kV Mường Chà - thủy điện Long Tạo để có thể tiếp nhận nguồn điện của các dự án thủy điện đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư theo đúng tiến độ.
Rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến việc đầu tư xây dựng các dự án phát điện, nhất là thủy điện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, rút ngắn thời gian và công tác chuẩn bị đầu tư, kịp thời khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương.
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế và đề xuất của một số nhà đầu tư (trong lĩnh vực điện gió, điện rác) tỉnh Điện Biên đề nghị Bộ Công Thương quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII;
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Điện Biên, có ý kiến với Bộ Ngoại giao, hỗ trợ tỉnh Điện Biên hoàn tất các thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nâng cấp lối mở A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc) thành cửa khẩu song phương, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch và thương mại biên giới.
Tăng cường hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tăng nguồn kinh phí để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với các tỉnh biên giới nói chung trong đó có tỉnh Điện Biên.
Thông qua báo cáo của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, từ kiến nghị của các địa phương, Bộ đã nắm tổng quan về tình hình phát triển khu vực biên giới, qua đó thống nhất các giải pháp trọng tâm để báo cáo, đề xuất với Chính phủ nhằm kịp thời ban hành một số cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Đồng thời, Bộ cũng đưa ra các nhóm giải pháp như các tỉnh biên giới cần rà soát, đề xuất các nội dung về đầu tư phát triển khu vực biên giới; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch vốn đầu tư công; chủ động nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nguồn lực đầu tư phát triển khu vực biên giới; tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư; kiểm soát chặt chẽ thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/dien-bien-day-nhanh-tien-do-xay-dung-ha-tang-thuong-mai-bien-gioi-thuc-day-xuat-nhap-khau-162597.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.