Cô gái dân tộc Giáy làm tour du lịch trực tuyến mùa dịch

Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, để góp phần giải tỏa những lo âu, căng thẳng cho những tín đồ yêu thích du lịch nhiều hướng dẫn viên đang nỗ lực thực hiện những tour du lịch online phục vụ du khách. Trong xu hướng đó, Vũ Thị Ngọc Hướng người dân tộc Giáy được coi như là “cánh én” giữa mùa dịch hỗ trợ du khách chu du khám phá Sa Pa, Lào Cai qua các nền tảng số.

Sinh ra và lớn lên tại bản Tả Van, Sa Pa, Lào Cai một xã còn nhiều khó khăn của Sa Pa, tuy nhiên, đây là vùng đất mang nhiều nét văn hóa bản địa đặc sắc. Đặc biệt, được nghe người thân kể về những truyện cổ của người Giáy, càng đi sâu tìm hiểu văn hóa Giáy, Hướng thấy dân tộc mình có nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Thế nhưng nhiều người trẻ lại không biết nói tiếng mẹ đẻ, không biết và không hiểu phong tục truyền thống, không biết nấu các món ăn truyền thống của dân tộc mình... là niềm trăn trở đối với Hướng trong suốt năm tháng tuổi thơ.

Cô gái dân tộc Giáy làm tour du lịch trực tuyến mùa dịch
Vũ Thị Ngọc Hướng đang miệt mải làm du lịch online

Khi du lịch Sa Pa phát triển, Tả Van trở thành điểm đến được nhiều du khách yêu mến, Hướng bắt đầu tham gia làm hướng dẫn cho du khách tham quan quê hương. Năm lớp 11, sau một lần theo chân thím dẫn một tour du lịch, Hướng hứng thú và bắt đầu định hình ước mơ trở thành hướng dẫn viên. Từ đó đó, cô bắt đầu tìm hiểu về du lịch chứ không đơn thuần là nhìn những người khách lần lượt đến rồi đi.

Nhờ sự chăm chỉ, và có ý chí, Vũ Thị Ngọc Hướng đã thi đậu Đại học Hà Nội, xa nhà, xa quê hương, Hướng lại thêm yêu văn hóa của cộng đồng mình, chình vì vậy, cuối năm thứ hai đại học, cô nảy ra ý tưởng thu thập thông tin và xây dựng kênh YouTube “Hướng Giáy Sa Pa” để lan toả văn hoá người Giáy, cũng như thiết kế các tour trải nghiệm cùng người bản địa cho du khách đến Sa Pa.

Vũ Thị Ngọc Hướng chia sẻ, ban đầu, cô chỉ làm video về ẩm thực, vì ẩm thực người Giáy rất hấp dẫn, thuận lợi hơn là Hướng có “chỗ dựa” là người cha có thể nấu các món truyền thống rất ngon. Sau này tham gia nhóm cộng đồng người Giáy trên Facebook, Hướng được các bạn động viên đọc một số truyện cổ và hát những bài ca cổ của người Giáy để đăng tải lên YouTube.

Từng bước một, dù chưa thể chuyên nghiệp, nhưng kênh YouTube “Hướng Giáy Sa Pa” nhanh chóng được cộng động mạng yêu thích. Vào “Hướng Giáy Sa Pa” bất cứ ai cũng dễ dàng tìm kiếm những video đọc truyện, như “E toi - Pạc túa pít mè (bản tiếng Giáy và tiếng Việt), “Quê hương người Giáy”; video ẩm thực, như làm bánh chưng đen, bánh rợm, bánh trung thu; video âm nhạc như “Vươn dú càu - Hát về bạn cũ”, “Vươn sroong náu - Hát về hai chúng mình”… Những video này của Hướng đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực cùng những lời động viên, khuyến khích của đồng bào dân tộc Giáy ở nhiều nơi.

Có thể nói, giữa một một môi trường số sôi động náo nhiệt, với nhiều chiêu trò để thu hút người xem, thì những video bình dị về cuộc sống, văn hoá của người Giáy mà Hướng làm được nhiều ý kiến đánh giá là như một thanh âm trong trẻo, đưa người xem đi du lịch online một cách đầy đủ, hào hứng. Thông qua đó, truyền tải một nguồn năng lượng sống tích cực, góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên, văn hoá nồng nàn, sâu đậm.

Cô gái dân tộc Giáy làm tour du lịch trực tuyến mùa dịch
Các tour du lịch trực tuyến của Hướng được nhiều người đón nhận

Với đam mê làm du lịch, ngay sau khi tốt nghiệp trường đại học vào tháng 6/2021, Vũ Thị Ngọc Hướng trở về Tả Van làm hướng dẫn viên du lịch tự do. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhận thấy nhiều du khách muốn khám phá Sa Pa nhưng không thể trực tiếp đến du lịch, Hướng nảy sinh ý tưởng làm tour trực tuyến qua các phần mềm như Zoom, Google Meet.

Sau một thời gian nghiên cứu, tour trực tuyến đầu tiên của Hương có 5 khách tham gia, dù ít khách, nhưng những tour sau đó số khách đăng ký đã nhiều hơn. “Ứng dụng trực tuyến này cho phép mình đón tối đa 100 du khách một tour nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất, mình chỉ nhận tối đa 50 du khách. Khi khách quá đông mình không thể tương tác tốt với từng vị khách được”- Hướng bày tỏ.

Sức hút của tour du lịch trực tuyến của Hướng là luôn tìm những điểm đến, trải nghiệm không quá phổ biến với khách du lịch như tham quan Séo Mý Tỷ, trải nghiệm văn hóa người Giáy, ăn bánh chưng đen, ăn mận kiểu người Giáy... Ngoài ra, những điểm du lịch nổi tiếng cũng được cô gái này làm mới hơn khi giới thiệu sâu hơn về bản sắc, về câu chuyện liên quan đến những điểm đến đó.

Theo chia sẻ của Hướng, trước khi tour lên sóng cô sẽ dành một ngày đi thực tế, tìm hiểu thông tin để lên kịch bản dẫn, đem đến cho khách du lịch những kiến thức và trải nghiệm hấp dẫn, chân thực và mới mẻ. Như, trong một lần dẫn tour trực tuyến ở bãi đá cổ, thay vì giới thiệu điểm đến theo các bài viết trên mạng, Hướng đã tới đây khảo sát 3 lần, tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện của từng bức vẽ trên tảng đá thông qua những người lớn trong làng, vì hơn ai hết họ luôn thấu hiểu vùng đất của mình. Ngoài ra, để tăng thêm tính tương tác và thu thập ý kiến góp ý, trong quá trình dẫn cô sẽ hỏi cảm nhận của khách và khuyến khích mọi người đặt câu hỏi để cô giải đáp.

Thời gian đầu làm tour miễn phí nhưng sau này Hướng bắt đầu thu phí 50.000 đồng/người đối với loại tour trải nghiệm theo lịch trình có sẵn. Hướng cũng đang lên kế hoạch mở thêm các tour trải nghiệm theo lịch trình yêu cầu, dành cho khách nhóm và khách cá nhân. Hướng cũng phát trực tiếp miễn phí tour trực tuyến trên các hội nhóm du lịch Facebook, một tháng một lần. Lần đầu phát trực tiếp, video có hơn 2.000 lượt xem, với cô là một điều đáng mừng.

Trong gian đoạn khó khăn của lĩnh vực du lịch, cũng như nhu cầu du lịch của cộng đồng đang phải tạm “đóng băng” với cách làm hợp xu hướng và hơn hết chính là bằng tình yêu dành cho du lịch, sự gắn bó sâu đậm với văn hóa bản địa, Vũ Thị Ngọc Hướng đang như một “cánh én” góp phần quảng bá văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất Tây bắc đến với du khách trong mùa dịch. Đồng thời, chính sự nỗ lực, sáng tạo trong cách làm du lịch cũng đang giúp cô gái nhỏ của đồng bào Giáy đổi đời, đặc biệt là trở thành động lực và tạo niềm tin tích cực, lan tỏa tinh thần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Hoa Quỳnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.