Năm 2030: Hải quan Việt Nam sẽ ngang tầm thế giới

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Tổng cục hải quan đang xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, đã đặt ra mục tiêu: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh…

Trong giai đoạn 2011-2020, ngành hải quan quan đã thực hiện thành công mục tiêu chiến lược 10 năm đã đề ra, xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, đạt chuẩn quốc tế; áp dụng quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro, đẩy mạnh hậu kiểm. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ, hiện đại hóa cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đã từng bước đi vào thực chất…

Công cuộc cải cách, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011/2020, đã góp phần quan trọng tạo thuận lợi thương mại, nhất là hoạt động thương mại xuyên biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo thu ngân sách, an ninh, an toàn hàng hóa ra vào Việt Nam, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì sau 10 năm thực hiện chiến lược cải cách, hiện đại hóa giai đoạn 20011-2020, đến nay, thực tiễn cũng cho thấy, pháp luật về hải quan vẫn chưa có qui hoạch khoa học về hệ thống văn bản; tuổi đời của nhiều văn bản pháp luật còn ngắn, thay đổi nhanh, thiếu ổn định; chưa xác định rõ ràng được vai trò, trách nhiệm của hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan liên quan trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu.

Năm 2030: Hải quan Việt Nam sẽ ngang tầm thế giới
Lực lượng Hải quan Việt Nam. Ảnh minh họa

Nghiệp vụ hải quan tuy đã được hiện đại hóa, nhưng chưa bao phủ được nhiều về chiều sâu, công tác quản lý hải quan vẫn phân mảng chưa có mô hình tổng thể giữa các lĩnh vực nghiệp và và qui trình hải quan; quản lý vẫn phụ thuộc vào đặc thù mỗi địa bàn, đối tượng đa dạng, phức tạp, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng nhanh, trong khi qui trình quản lý hải quan vẫn bộc lộ bất cập, vướng mắc.

Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành hải quan nhanh, qui mô lớn, song tính ổn định vẫn chưa cao, hoạt động chậm (trừ VNACCS/VCIS), mức độ tự động hóa còn hạn chế; chưa có được một kiến trúc tổng thể cho hệ thống công nghệ thông tin toàn ngành.

Triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN vẫn chưa đạt hiệu quả cao, các thủ tục hành chính giải quyết qua mô hình một cửa này còn ít. Cơ cấu bộ máy, tổ chức của ngành hải quan còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Máy móc, trang thiết bị hiện đại dù đã được chú trọng đầu tư, nhưng còn còn thiếu…

Từ những kết quả đã đạt được, cũng như những vấn đề hạn chế bộc lộ trong giai đoạn 2011-2020, rên cơ sở rút ra những bài học kinh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã xây dựng dự thảo chiến lược phát triển ngành cho giai đoạn 2021-2030, đặt ra mục tiêu: Xây dựng hải quan Việt Nam chính qui, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý nhà nước về hải quan, thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu hàng hóa minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia.

Năm 2030: Hải quan Việt Nam sẽ ngang tầm thế giới
Giải quyết thủ tục hải quan. Ảnh NQ

Theo đó, ngành hải quan sẽ phấn đấu đến năm 2030, thực hiện 100% chứng từ hồ sơ hải quan điện tử; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm sẽ được quản lý giám sát hàng hóa theo phương thức tự động; 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan thông qua các phương tiện kỹ thuật hiện đại; 100% các cửa khẩu đường bộ sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới; 100% doanh nghiệp ưu tiên tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu kết nối dữ liệu với hải quan.

Tỷ lệ tờ khai hải quan phải kiểm tra hồ sơ sẽ không quá 30%, kiểm tra thực tế hàng hóa sẽ không quá 4,5%; phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính hải quan đạt 95%; hoàn thành xây dựng hải qua thông minh…

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, đại diện của ngành hải quan, cho biết, toàn ngành sẽ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng thể chấp, pháp luật một cách đồng bộ, hiện đại, thống nhất, minh bạch, hội nhập quốc tế. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chinh đơn giản, thuận tiện hơn, cải cách kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu theo hướng hải quan làm đầu mối.

Các nghiệp vụ hải quan như thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan sẽ áp dụng thực hiện theo chuỗi; áp dụng thống nhất chính sách thuế, quản lý thuế theo mô hình hải quan thông minh, tự động hóa cao; kiểm tra sau thông quan tập trung ở cấp tổng cục là chính, theo hướng kiểm toán sau thông quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kiểm tra sau thông quan; sử cụng các công cụ thiết bị hiện đại trong kiểm soát hải quan, kết nối dữ liệu mang tính toàn cầu; ứng dụng hoa học, công nghệ mới vào công tác quản lý rủi ro; tiếp tục kiện toàn xây dựng bộ máy tổ chức theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng số hóa; mở rộng triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; tăng cường hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phối hợp giữa hải quan với các cơ quan, ban ngành có liên quan…

Đại diện Tổng cục Hải quan, cho biết, với vai trò là “người gác cửa nền kinh tế”, lịch sử 76 năm qua (10/9/1945 - 10/9/2021), ngành hải quan Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Để tiếp tục cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Hải quan mong muốn lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp cho ngành hải quan về các vấn đề có liên quan, để ngành hải quan hoàn thiện dự thảo chiến lược giai đoạn 2021 - 2030, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt.

Ngọc Quỳnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.