Tăng cường quản lý rủi ro trọng điểm về hải quan

Ngành hải quan Việt Nam, đang nỗ lực trong việc áp dụng phương thức quản lý rủi ro trọng điểm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng, lô hàng xuất nhập khẩu có dấu hiệu rủi ro vi phạm pháp luật.

Ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta, một doanh nghiệp có mảng dịch vụ đại lý khai hải quan, cho biết: Trong xu thế cải cách, hiện đại hóa hải quan, ngành hải quan Việt Nam đã vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS 24/7, đã làm thay đổi căn bản, toàn diện qui trình thủ tục hải quan từ thủ công truyền thống, sang tự động hóa. Qua đó, đã góp phần đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, đơn giản hóa các thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người khai hải quan, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Nghĩa, hiện nay, hệ thống VNACCS/VCIS của hải quan xử lý khoảng 10 triệu tờ khai hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa mỗi năm, nếu không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro một cách triệt để, chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa.

Nhận thức quản lý rủi ro không chỉ tạo thuận lợi cho thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa…, mà còn giúp ngành hải quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế, ngành hải quan đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc, thiết bị hiện đại để quản lý rủi ro theo chiều sâu. Trong qui trình quản lý rủi ro, ngành hải quan đang tập trung vào quản lý rủi ro các đối tượng thuộc các lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm có nguy cơ rủi ro cao.

Tăng cường quản lý rủi ro trọng điểm về hải quan
Ngành hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nhận diện rủi ro. Ảnh minh họa

Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan cho biết: Nhờ quản lý rủi ro trọng điểm, ngành hải quan có thể xác định được các đối tượng, địa bàn rủi ro cao, khả năng vi phạm pháp luật của các chủ thể tham gia xuất nhập khẩu cũng như các lô hàng xuất nhập khẩu, từ đó kịp thời đưa ra các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, đồng thời vẫn tạo được thuận lợi cho xuất nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, thông qua công tác phân tích, đánh giá thông tin rủi ro, ngành hải quan đã phát hiện hàng chục doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng bách hóa, hàng tiêu dùng, cố tình vi phạm pháp luật bằng cách giấu hàng cấm trong các lô hàng nhập khẩu, hoặc nhập khẩu hàng hóa gian lận xuất xứ… Chẳng hạn, mới đây, thông qua phân tích, đánh giá các thông tin về quản lý rủi ro, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, đã tiến hành kiểm tra 8 lô hàng tiêu dùng trọng điểm nhập khẩu qua Cảng Đà Nẵng, đã phát hiện một khối lượng lớn hàng nhập khẩu có điều kiện như máy hút mùi, bếp từ đã qua sử dụng, thực phẩm chức năng… nhưng không khai báo.

Liên quan đến gian lận xuất xứ, Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan, cho biết, mới đây đơn vị này đã phát hiện 4 lô hàng nhập khẩu khai sai xuất xứ hàng hóa, hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo. Điển hình là lô hàng của Công ty TNHH Gốm Sứ Khánh Thái, nhập khẩu khai báo là bình gốm, nhưng hàng hóa không có nhãn gốc. Ngoài ra, qua soi chiếu hàng hóa quá cảnh tại TPHCM bằng máy soi container, lực lượng hải quan cũng đã phát hiện 37 container vi phạm, trong đó có lô hàng nhập khẩu có nhiều hàng hóa không khai báo; nhiều kiện hàng khai sai về số lượng, không có giấy phép nhập khẩu, không có chứng nhận kiểm dịch…

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan đang nỗ lực để quản lý rủi ro theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại vào việc thu thập, đánh giá, xử lý thông tin nhằm phát hiện và kiểm soát sớm các rủi ro vi phạm pháp luật trong chuỗi cung ứng hàng hóa để phòng ngừa, ngăn chặn. Nâng cao chất lượng lựa chọn kiểm tra bằng máy soi container từ các thông tin phân tích rủi ro, qua đó giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hải quan chính xác, tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và kiểm soát chặt chẽ các lô hàng có dấu hiệu rủi ro vi phạm pháp luật.

Theo ông Hồ Ngọc Phan, thời gian tới, Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các qui định về xác định quản lý rủi ro trọng điểm, củng cố, kiện toàn, bố trí nhân lực có năng lực tổng hợp, có kỹ năng và có đủ trình độ chuyên môn… để xác định trọng điểm rủi ro; đồng thời, tăng cường thu thập, xử lý thông tin rủi ro đối với các lô hàng hóa xuất nhập khẩu cả từ nguồn thông tin từ bên ngoài; áp dụng trí tuệ nhân tạo vào nhận dạng địa bàn rủi ro, đối tượng rủi ro cao để quản lý…

Ngọc Quỳnh

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.