Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bứt phá

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, phía Đông Bắc Tổ quốc, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm khoảng 83,16% dân số toàn tỉnh. Do đó, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung là mục tiêu của tỉnh.

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 3,61%/năm

Theo Tỉnh ủy Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt 199/200 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (trừ xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng), trong đó có 88 xã khu vực III, 08 xã khu vực II, 103 xã khu vực I và 644 thôn đặc biệt khó khăn (gồm: 84 thôn thuộc xã khu vực I, 24 thôn thuộc xã khu vực II và 536 thôn thuộc xã khu vực III).

Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực để vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bứt phá
Lạng Sơn nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng có giá trị cao

Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên: Tính đến năm 2020, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 86,1%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 99,9%; 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,31%; có 225 trường học đạt chuẩn quốc gia và 161 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,88%, bình quân giảm trên 3,61%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 44,5 triệu đồng/người/năm.

Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay đã có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, như: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới; việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu thực tế.

Tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn cao, chiếm 94,55% tổng số hộ nghèo, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đời sống đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; quy mô sản xuất, canh tác của đồng bào còn nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, dạy nghề còn hạn chế; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số DTTS dần bị mai một; một số hủ tục lạc hậu của một bộ phận người DTTS vẫn còn tồn tại; tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự vùng biên giới còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do một bộ phận đồng bào DTTS còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa thực sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và tiến bộ khoa học kỹ thuật của đồng bào DTTS còn hạn chế. Điều kiện tự nhiên một số vùng trong tỉnh không thuận lợi, có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống phân tán. Nhận thức của một bộ phận cấp ủy đảng, chính quyền về công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị cơ sở, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế.

Phấn đấu thu nhập bình quân đạt từ 2.900 - 3.000 USD/người/năm

Theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác dân tộc và thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030 vừa được ban hành ngày 29/11/2021, đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025); thu nhập bình quân đầu người đạt từ 2.900 đến 3.000 USD/người/năm.

Về kết cấu hạ tầng, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác 99,6%; xóa tình trạng nhà tạm, nhà dột nát; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80%; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn đạt 60%; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Về giáo dục, số trường học đạt chuẩn quốc gia là 300 trường; chuyển đổi 100% trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở thành trường liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; phấn đấu 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; phấn đấu 95% số xã đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Về y tế, tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; 100% số xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế…

Định hướng đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, phấn đấu 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; duy trì 100% xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế; phấn đấu 375 trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 99,6% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 99% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Đồng thời, tiếp tục thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục chất lượng cao; tiếp tục nâng cao các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa xã hội nhằm từng bước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững.

Để đạt mục tiêu, tỉnh Lạng Sơn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp; phát triển dịch vụ, du lịch; tăng cường quản lý nhà nước về công tác dân tộc và triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Quỳnh Nga

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.