Đổi thay ở huyện miền núi Mường La (Sơn La)

Với nhiều nghề mới như nuôi cá tầm ở lòng hồ sông Đà, phát triển du lịch trải nghiệm… đời sống của người dân ở huyện miền núi Mường La đang đổi thay từng ngày.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực

Huyện miền núi Mường La giàu tiềm năng về đất đai, môi trường, tài nguyên, trong đó có thế mạnh là phát triển thuỷ lợi và thuỷ điện, song từ lâu, nơi đây lại được nhắc đến là huyện nghèo trên bản đồ kinh tế của tỉnh Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.

Nguyên nhân khiến Mường La có tên trong danh sách 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La là do phải đối mặt với những khó khăn như địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tập quán canh tác lạc hậu...

Đổi thay ở huyện miền núi Mường La (Sơn La)
Khu vực nuôi cá tầm lớn nhất ở huyện miền núi Mường La

Điều này khiến lãnh đạo các cấp trong nhiệm kỳ 2020-2025 phải trăn trở, quyết tâm đưa Mường La đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo.

Để thực hiện được mục tiêu, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; tập trung khai thác, phát huy tốt tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La và du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến.

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh; quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, tích cực xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư vùng tái định cư công trình thủy điện; xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, đến nay, toàn huyện có gần 5.000 ha diện tích cây ăn quả các loại, hơn 2.200 ha cây sơn tra, nhiều sản phẩm xoài, nhãn, chuối đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn và xuất khẩu. Hoạt động thương mại phát triển khá, thị trường hàng hóa, dịch vụ cơ bản đáp ứng các hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân…

Đặc biệt, nhiều hộ gia đình ở Mường La giàu lên nhờ nuôi cá tầm ở lòng hồ sông Đà. Sản phẩm cá tầm nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được Trung tâm chuyển giao công nghiệp và dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán đều được công ty gắn mã truy xuất nguồn gốc. Khách hàng có thể quét mã sản phẩm qua ứng dụng điện thoại thông minh. Theo đó, các thẻ mã số đi kèm sản phẩm cá tầm của công ty sẽ giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý kiểm soát dễ dàng, biết chính xác lô hàng đó có địa điểm nuôi ở đâu, giống cá, đơn vị nuôi, ngày bắt đầu nuôi

Để nâng cao giá trị, từ năm 2018 đến nay, huyện Mường La đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y, thủy sản, Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 200 thành viên các HTX, các hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản ở các xã ven lòng hồ.

Toàn huyện hiện có 143 ha ao nuôi thủy sản và 907 lồng cá. Cùng với đó, huyện Mường La đã hỗ trợ 600 triệu đồng cho một số HTX làm mới 120 lồng cá. Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung.

Du lịch cất cánh

Không chỉ có đất đai, Mường La còn là huyện có tiềm năng du lịch, nhất là du lịch lòng hồ. Tuyến du lịch đường thủy trên hồ hiện là một trong những thế mạnh, có thể tổ chức những tour trải nghiệm đặc thù của Mường La. Từ Thủy điện Sơn La có thể ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La, thăm quan các bản làng tái định cư; thăm hang Đán Đanh; trải nghiệm cách nuôi cá tầm trên sông...

Đổi thay ở huyện miền núi Mường La (Sơn La)
Du lịch lòng hồ để chiêm ngưỡng cảnh quan tươi đẹp, thăm quan bản làng của đồng bào dân tộc

Lần đầu tiên tham gia trải nghiệm tuyến du lịch trên hồ nhưng tôi phải khẳng định đó là một tour du lịch tuyệt vời. Giữa không gian của khu nhà nổi, chúng tôi được thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng lòng hồ, như cá nướng, cá gỏi, cá hấp, canh chua, các món gà, vịt... ăn cùng những món rau rất riêng của vùng núi Tây Bắc.

Theo anh Lò Văn Bước (người Thái đen) - chủ nhà nổi Mường Trai: Tất cả các sản phẩm phục vụ ăn uống cho du khách đều do bà con trong bản nuôi trồng, đánh bắt. Vì vậy, chất lượng luôn tươi ngon, đảm bảo.

Ngoài thưởng thức ẩm thực, nhà nổi còn phục vụ du khách tham quan, du lịch lòng hồ. Với mỗi chuyến ngắn khoảng hơn một giờ đồng hồ, du khách được tham quan khu nuôi cá tầm, hang Lán Lanh, Lán Ha...

Anh Lò Văn Bước cho biết, nhà nổi Mường Trai được xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 1/2018, với mong muốn tạo điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm thu hút du khách đến với Mường Trai. Anh Bước đã chủ động kết nối với các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và các chủ thuyền trên địa bàn để liên kết cùng hoạt động, phục vụ các dịch vụ theo nhu cầu của du khách; anh lập facebook với tên “Nhà nổi Mường Trai” để quảng bá hình ảnh về các điểm du lịch, các dịch vụ, giới thiệu thông tin và cách thức liên hệ tạo thuận lợi cho khách đặt dịch vụ theo nhu cầu.

Tuy nhiên, hiện nay mới có 2 thuyền phục vụ và một nhà hàng nổi phục vụ ăn uống tuyến này. Các điểm dừng, nghỉ, thăm thú cảnh quan hầu như chưa được khai thác, nên chưa tạo sức hút du khách.

Vì vậy, anh Bước cho biết, dự kiến sẽ mở rộng thêm một số dịch vụ, như câu cá quanh nhà nổi; một số điểm tham quan, khám phá hang động, dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng để du khách có thêm không gian trải nghiệm.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam: Mường La rất lớn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa; các lễ hội mang đậm tín ngưỡng bản địa, nét ẩm thực độc đáo; cộng với khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ... Mường La hoàn toàn có thể đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách.

Hiện nay, hệ thống giao thông từ Mường La đi Than Uyên (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai) khá thuận lợi. Đây cũng là lợi thế để các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung kết nối du lịch liên vùng; cũng như cho Mường La chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững; giúp đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 thoát nghèo như mục tiêu huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Thanh Tâm

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.