12:51 | 11/06/2022
Kể từ khi Hồ Chủ tịch khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (2/9/1945) đến nay, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến quyền con người, đặc biệt là quan điểm không để ai đói nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau. Không chỉ “ai cũng có cơm ăn, áo mặc” mà còn phải khoẻ mạnh, giàu có…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt đó là công tác xoá đói giảm nghèo được triển khai rộng, khắp trên cả nước, qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau. Dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng thời gian qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng và là hình mẫu thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.
Đó là điều mà mỗi người con dân đất Việt đáng tự hào.
Có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một trương trình đã triển khai gần 15 năm đó là chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện thuộc 20 tỉnh có số hộ nghèo trên 50% (gọi tắt là chương trình 30a) được Chính phủ Quyết nghị vào tháng 11/2008 (Nghị quyết 30a).
Nghị quyết 30a của Chính phủ nêu rõ: Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân. Phải huy động nguồn lực của Nhà nước, của xã hội và của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nhất là sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Đồng thời khẳng định: “Công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững đối với các huyện nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân…”
Do đó, bên cạnh các chính sách giảm nghèo chung trong cả nước, Trung ương tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 30a là: “Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng”.
Mục tiêu của Chương trình đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của khu vực. Giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống của dân cư ở các huyện nghèo gấp 5 – 6 lần so với hiện nay.
Lao động nông nghiệp còn khoảng 50% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa có thể trồng 2 vụ, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp; bảo đảm giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã và cơ bản có đường ô tô tới các thôn, bản đã được quy hoạch; cung cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư; bảo đảm cơ bản điều kiện học tập; chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
![]() |
Cắt băng khánh thành Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học – Trung học cơ sở Vàng Đán |
Ngay sau khi có Nghị quyết, với sự kêu gọi của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, đã có hàng chục Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau đăng ký tài chung tay đóng góp tiền bạc, công sức để hỗ trợ các huyện nghèo với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Số tiền tài trợ của các doanh nghiệp tập trung vào đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất như đường giao thông, thuỷ lợi, hệ thống điện, hạ tầng thương mại, trường học, cơ sở y tế, nhà văn hoá; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ giống vốn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến hàng hoá nông lâm, thuỷ hải sản.
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và người dân, đến nay, diện mạo ở các huyện nghèo đã thay đổi toàn diện.
Thống kê của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cho thấy, chương trình 30a đã góp phần tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo chung của cả nước. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã giảm trên 58% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn. Sau 5 năm đã có 6 triệu người thoát nghèo và 2 triệu người thoát khỏi cận nghèo.
Tỷ lệ nghèo giảm nhanh ở xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thoát nghèo. Đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất , văn hoá, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Báo cáo cập nhật Phát triển con người và Nghèo đa chiều của UNDP năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia về chỉ số nghèo đa chiều. Đặc biệt Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thành tích cao nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này.
Đánh giá về kết quả giảm nghèo của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen – Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận.
Đường dẫn bài viết: https://dantoctongiao.congthuong.vn/bai-1-chinh-sach-nhan-van-va-su-chung-tay-cua-cong-dong-doanh-nghiep-179829.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.