Đắk Nông: Cây mắc ca giúp người M'nông huyện biên giới Tuy Đức làm giàu

Cây mắc ca đang được trồng ở huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông), giúp đồng bào người M’nông làm giàu, có nguồn thu nhập ổn định.
Nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững- Bài 3: Thay đổi từ tư duy, nhận thức

Cây mắc ca dễ chăm sóc, cho thu nhập cao

Sinh ra và lớn lên ở bon Bu Prăng, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) Điểu Khánh đã quen với lối canh tác truyền thống trải qua nhiều đời của người dân tộc M'nông. Trước đây, gia đình anh sống nhờ cả vào cây lúa rẫy, cây ngô, cây đậu… lối canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp. Tình trạng mất mùa thường xuyên xảy ra. Ở vùng biên giới Tuy Đức, mỗi hộ dân thường có từ 1 - 5 ha đất nhưng chỉ canh tác cây ngắn ngày 1 vụ vào mùa mưa, thời gian còn lại trong năm đất bỏ hoang. Gia đình nào cũng đông con nên nguồn thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Cái nghèo, cái khổ đeo bám từng hộ dân trong buôn làng.

Đắk Nông: Cây mắc ca giúp người M'nông huyện biên giới Tuy Đức làm giàu
Cây mắc ca giúp người M'nông làm giàu

Không muốn sống mãi trong cảnh nghèo khó, Điểu Khánh xách ba lô đi dọc địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông thấy vườn cà phê nào đẹp, cách làm nông nghiệp hay anh ghé vào học hỏi, nhờ người ta chỉ giúp. Sau những chuyến đi, mùa mưa năm 2008, anh mạnh dạn đầu tư xuống giống 2.000 cây cà phê và trồng cây ngắn ngày để có thu nhập trước mắt và lâu dài. Năm 2010 nhận thấy cây mắc ca là cây có thể trồng xen trong rẫy cà phê mà hiệu quả kinh tế cao nên anh đã mạnh dạn mua 200 cây về trồng. Cây mắc ca vừa làm cây che bóng cho cà phê vừa không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón trong khi hiệu quả mang lại rất lớn. Với 200 cây mắc ca cho thu hoạch được hơn 1 tấn quả mỗi vụ, bán với giá 90 – 120.000 đồng/kg. Mỗi năm anh thu được 2 vụ, anh thu về khoảng 200 triệu đồng.

Với ông Điểu Toi, cây mắc ca dễ trồng, tốn ít công chăm sóc chỉ trồng xen trong cà phê nhưng giờ đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Gia đình ông Điểu Toi có 400 cây cà phê ông trồng xen 100 cây mắc ca. Mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng từ mắc ca. Ông Điểu Toi chia sẻ, mắc ca dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít giá bán cao, phù hợp với lối canh tác của người M’nông.

Đắk Nông: Cây mắc ca giúp người M'nông huyện biên giới Tuy Đức làm giàu
Cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng huyện Tuy Đức

Thương hiệu "mắc ca M’nông"

HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực được thành lập năm 2017, HTX có vùng nguyên liệu 230 ha với sự tham gia sản xuất của 140 hộ dân, trong đó có 115 hộ người M’nông. Mỗi năm HTX xuất bán khoảng 120 tấn mắc ca thô, 15 tấn mắc ca đã qua chế biến, đóng gói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX từng là nông dân trồng ca mắc ca ở xã Quảng Trực. Khi số diện tích mắc ca phát triển với số lượng lớn ông Tuấn liên kết với người M’nông tại địa phương thành lập HTX chế biến mắc ca.

Để nâng cao giá trị sản phẩm ngay từ vùng nguyên liệu, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, năm 2020 có hơn 70 ha của 42 hộ, với gần 25 tấn/năm đạt chứng nhận VietGAP. Sau khi có sản phẩm, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực đầu tư mua máy tách vỏ, máy sấy hạt, chế biến các sản phẩm mắc ca bán ra thị trường. HTX còn gián tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã vạch QR – code. Năm 2020, sản phẩm ‘mắc ca M’nông’ của HTX đã được đạt 3 sao trong chương trình OCOP cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn trao đổi, sản phẩm mắc ca chế biến sâu khi bán ra thị trường có giá cao hơn từ 100-125.000 đồng/kg so với sản phẩm thô. HTX còn chủ động mang sản phẩm đi "chào hàng", tìm kiếm thị trường và đưa sản phẩm chế biến đến tận tay người tiêu dùng. Hiện nay mắc ca của HTX đã xây dựng nhãn hiệu và được bán với giá 225.000 đồng - 250.000 đồng/1 kg. Ngoài thị trường trong nước, HTX hiên nay cũng đã tiếp cận được với thị trường nông sản tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và được tỉnh bạn đánh giá cao về các sản phẩm mắc ca.

Đắk Nông: Cây mắc ca giúp người M'nông huyện biên giới Tuy Đức làm giàu

Chế biến, xây dựng thương hiệu mắc ca để nâng cao giá trị khi bán ra thị trường

Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho hay, mắc ca M'nông là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã được chế biến từ vùng nguyên liệu tại địa phương do hầu hết người M'nông sản xuất. Mắc ca là cây trồng chủ lực của xã. Mắc ca M'nông là thương hiệu thời gian qua đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Chính quyền địa phương đang rất quan tâm đến HTX, hỗ trợ tích cực và đồng hành với HTX để đưa sản phẩm đặc trưng của xã phát triển theo hướng thương mại.

Toàn huyện Tuy Đức có khoảng 1.500 ha mắc ca. Sau 12 năm phát triển tại địa phương cây mắc ca phù hợp với điều kiện, khí hậu địa phương, nhiều giống đã cho thu hoạch 2 vụ. Tuy nhiên, mắc ca là cây trồng khá nhạy cảm với khí hậu, mỗi tiểu vùng khí hậu phù hợp với mỗi giống khác nhau, nên cần những đánh giá khoa học để khuyến cáo người dân. Đồng thời, quản lý tốt giống để tránh khi thu hoạch mới phát hiện giống kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho người dân vì loại cây trồng này phải mất 6 – 7 năm mới cho thu hoạch.

Đức An

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.