22:48 | 11/08/2022
Đà Nẵng: Du khách thích thú với văn hóa cồng chiêng đồng bào Cor Quảng Ngãi |
Tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật
Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, với các nghi lễ - lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cồng chiêng được coi là vật thiêng nhất, có giá trị nhất trong mỗi gia đình dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng. Theo quan niệm của các già làng “cồng chiêng có thể giúp cho con người thông tin trực tiếp với thần linh, với các giàng”.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá cồng chiêng, trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4 - năm 2022 được tổ chức từ ngày 01.8 – 03.8 vừa qua, UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) khai mạc liên hoan nghệ thuật cồng chiêng và trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng.
![]() |
Cồng chiêng không chỉ là di sản phi vật thể quý báu mà còn là tài sản giá trị, mang màu sắc văn hóa truyền thống độc đáo và thiêng liêng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số |
Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, không chỉ là di sản phi vật thể quý báu, cồng chiêng còn là tài sản giá trị, mang màu sắc văn hóa truyền thống độc đáo và thiêng liêng trong đời sống của tộc người Ca Dong, Xê Đăng. “Đây là dịp để khảo nghiệm hiện trạng nền văn hoá cồng chiêng, hát ru từng địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng những giải pháp tích cực bảo tồn nền văn hoá đậm đà, tiên tiến trên sự kế thừa những tinh hoa cổ truyền; mục đích đạt được là phục vụ cho đồng bào, phát huy giá trị nghệ thuật cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát ru trong cuộc sống”, ông Phước nhấn mạnh.
Ngoài huyện Nam Trà My, thời gian qua, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như: huyện Đông Giang, huyện Nam Giang… đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động mang tính hội tụ, giao lưu giữa những giá trị văn hóa độc đáo nhất, đặc sắc nhất cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho hay, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng là tài sản vô giá, là vật thiêng, là phương tiện giao cảm niềm vui, nỗi buồn của con người với các đấng thần linh, với đất trời và tạo vật. Cồng chiêng là loại nhạc khí có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng do vậy cũng rất độc đáo.
![]() |
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống luôn được chú trọng |
Với huyện Nam Giang, liên hoan “Âm vang cồng chiêng” được duy trì tổ chức 2 năm một lần là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao tại địa phương. “Trong nỗ lực của địa phương, những năm gần đây công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống luôn được chú trọng, xem đó là nhiệm vụ chung để góp sức gìn giữ”, ông Sơn nói.
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng
Ngày nay, cồng chiêng đã và đang được đồng bào các dân tộc trên địa bàn gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Song, do ảnh hưởng của các mặt trái nền kinh tế thị trường, của nền văn hóa hiện đại và thiếu sự chỉ đạo, quản lý của các ngành, các cấp dẫn đến nhạc cụ, cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai mọt. Một số nơi, do việc cách tân mở rộng giai điệu, tiết tấu để làm phong phú một bài cồng chiêng đã làm mất đi cái cơ bản, giá trị từ ngàn xưa cồng chiêng truyền thống. Mặt khác, những người am hiểu về cồng chiêng đã lớn tuổi hoặc không còn sống, không đảm bảo sức khỏe truyền dạy...
Hiện các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đã có các đề án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng và đầu tư mua sắm các dàn cồng chiêng mới để cung cấp cho các nhà văn hóa cộng đồng, nhà rông sinh hoạt.
![]() |
Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam có các đề án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng |
Ông Nguyễn Thế Phước Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể là hoạt động thường xuyên của huyện, thông qua triển khai nhiều đề án liên quan. “Hiện nay chúng tôi tiếp tục cân đối ngân sách từ đầu năm để phân bổ cho các xã. Để làm được việc này đòi hỏi huyện phải có sự đầu tư kinh phí, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, bảo đảm cho nghệ nhân tập huấn, bồi dưỡng”, ông Phước cho biết thêm và nhấn mạnh rằng thời gian tới, sẽ chú trọng đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để thế hệ trẻ tiếp cận sớm, không bỏ quên văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Ngày 22 và 23.8 tới đây, huyện Bắc Trà My tổ chức lễ hội văn hóa các dân tộc với chủ đề Âm vang đại ngàn. Trong khuôn khổ chương trình lễ hội sẽ có các hoạt động sôi nổi như: triển lãm ảnh “Bắc Trà My - Điểm hẹn vùng ngọc quế”; hội chợ trưng bày sản phẩm quế Trà My và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gồm 33 gian hàng; tái hiện không gian sinh hoạt của các dân tộc tại 05 nhà truyền thống quảng trường văn hóa huyện; cuộc thi cồng chiêng “Âm vang đại ngàn” và cuộc thi “Hương sắc vùng ngọc quế”; tái hiện các trò chơi dân gian, trải nghiệm văn hóa các dân tộc; cuộc thi “Trình diễn cồng chiêng – Tiếp nối truyền thống”; thi ẩm thực địa phương; giao lưu cồng chiêng các dân tộc thiểu số. |
Đường dẫn bài viết: https://dantoctongiao.congthuong.vn/quang-nam-khong-bo-quen-van-hoa-cong-chieng-216722.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.