Hơn 23.500 hộ dân di cư ngoài kế hoạch ở Tây Nguyên

Cách nào đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào?

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn trên 23.500 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) di cư đến ngoài kế hoạch chưa bố trí đưa vào các khu quy hoạch để ổn định cuộc sống. Cụ thể tỉnh Đắk Nông còn 10.947 hộ, Đắk Lắk: 5.762 hộ, Lâm Đồng: 3.725 hộ và Kon Tum: 2.400 hộ... Vậy cách nào giải quyết được vấn đề này?. Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo làm công tác dân tộc. 
Cách nào đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào?

Cần “mạnh tay” thu hồi đất nông lâm trường sử dụng không đúng mục đích

Giải pháp nào để giải quyết tận gốc rễ vấn đề đất sản xuất và bảo đảm ổn định cuộc sống cho hơn 23.500 hộ dân di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn Tây Nguyên. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương - Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi, ông Nguyễn Xuân Đức, Vụ trưởng Vụ địa phương II (UBDT), nêu một số đề xuất: Thứ nhất, chuyển đổi đất rừng, thu gom đất của các nông lâm trường sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc không sử dụng của nông lâm trường về giao lại cho bà con. Thứ hai, chuyển đổi đất rừng ở gần với khu của dân cư, không ảnh hưởng đến vùng rừng đặc dụng. Thứ ba, chuyển đổi ngành nghề, tạo điều kiện cho người dân đi học nghề để chuyển sang phi nông nghiệp, kể cả xuất khẩu lao động.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số đơn thuần chỉ làm nông nghiệp, nên đất sản xuất là điều quan trong nhất. Đây là cái “gốc” bảo đảm sinh kế cho người dân. Do đó, cần thực hiện mạnh giải pháp thu lại đất nông lâm trường hiện sử dụng không đúng mục đích, để cấp cho đồng bào sử dụng hợp pháp. Về vấn đề này, Chính phủ và diễn đàn Quốc hội đề cập rất nhiều. Đồng bào đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải “ra tay” mạnh mẽ” - ông Đức nhấn mạnh.

Rất nhiều người có ý kiến đồng tình với đề xuất của ông Đức, đồng thời cho rằng, giải pháp căn cơ đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn Tây Nguyên là thu hồi đất nông lâm trường sử dụng chưa đúng, hoặc chưa hiệu quả. Được biết, nguồn đất này khá nhiều, nếu thu hồi triệt để, có thể cấp đủ cho bà con. Tuy nhiên, phải có sự đồng tâm nhất trí của giám đốc các nông lâm trường, các cơ quan, ban ngành hữu trách và địa phương. Để thu hồi được đất thì liên quan đến rất nhiều vấn đề, phải tập trung bóc tách rõ ràng. Đặc biệt là cần có tấm lòng thực sự vì đồng bào và hành động vì đồng bào nghèo dân tộc thiểu số.

Đề nghị cấp tiền để thực hiện các dự án đưa dân vào quy hoạch

Theo ông Trần Thanh Long, Phó trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, trong số 23.500 hộ dân trên địa bàn Tây Nguyên chưa đưa vào khu quy hoạch, thì Đắk Nông là tỉnh ‘nóng” nhất, với xấp xỉ 11 ngàn hộ. “Thực tế hiện nay, có nhiều đồng bào phá rừng tới 5 - 6 héc-ta, nhưng nhà nước chưa hợp thức hóa cấp sổ đỏ cho đồng bào. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, bà con chưa có sổ đỏ cũng là diện thiếu đất sản xuất thì hoàn toàn chưa chính xác. Theo chúng tôi phải dùng cụm từ sống chưa ổn định, chứ không phải thiếu đất sản xuất” - ông Long giải thích.

Cái khó của Đắk Nông là vấn đề đưa vào quy hoạch, đảm bảo đất sản xuất ổn định lâu dài cho đồng bào. Để giải bài toán “an cư” cho xấp xỉ 11 ngàn hộ di cư ngoài kế hoạch, cần nhất điều kiện gì? Ông Long cho rằng, gần 20 dự án ổn định cho đồng bào di cư ngoài kế hoạch lập mấy năm nay không có tiền không triển khai được. Vì vậy chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cấp kinh phí để Đắk Nông thực hiện các dự án ổn định cho dân di cư.

Thanh Hà Thúy

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.