Phú Thọ phát huy hiệu quả các nguồn lực và bản sắc văn hóa địa phương

Phú Thọ xác định khai thác có hiệu quả các nguồn lực và bản sắc văn hóa; phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Bắc Quang - Hà Giang: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông Thừa Thiên Huế: Phát huy bản sắc văn hoá trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số

Điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế

Phú Thọ ở vị trí trung tâm của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dịch vụ và hợp tác, liên kết, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế. Là vùng Đất Tổ - cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ có lịch sử, văn hóa gắn liền với suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Hiện tỉnh có 1.372 di tích, với 308 di tích được xếp hạng và có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, kể từ khi tái lập tỉnh ngày 01/01/1997 đến nay, Phú Thọ có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 1997-2023 đạt khoảng 8%/năm; quy mô kinh tế đến năm 2023 đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người năm 2003 đạt 65,4 triệu đồng, gấp 21 lần so năm 1997. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân của Phú Thọ ước đạt 7,29%/năm; trong đó, lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh, bình quân trên 11%/năm; quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng.

Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - cho biết, trong thời gian tới, Phú Thọ xác định sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Theo đó, Phú Thọ hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc.

Phú Thọ cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái. Đặc biệt, Phú Thọ xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Với các định hướng phát triển trên, tại buổi làm việc giữa Bộ Ngoại giao với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương mới đây, ông Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy, mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Phú Thọ trong huy động các nguồn lực về đầu tư phát triển cho tỉnh. Hỗ trợ mời gọi các đối tác, các doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu và đầu tư tại Phú Thọ trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; xem xét tổ chức một số hoạt động ngoại giao kinh tế tại tỉnh để thúc đẩy kết nối, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý thuận lợi, Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế. Do đó, tỉnh mong muốn Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao quan tâm giới thiệu, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín, năng lực để mời gọi đầu tư, xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Đồng thời, tiếp tục phát huy giá trị 2 di sản văn hóa phi vật thế thế giới được UNESSCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ"; khai thác hiệu quả, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh... Phú Thọ đề nghị Bộ quan tâm, phối hợp tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế tại tỉnh, giúp tỉnh thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao, du lịch...

Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm

Thông tin về công tác đối ngoại đất nước thời gian vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thế giới đã và đang trải qua những biến động lớn, trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại Đại hội XIII, công tác đối ngoại đã đạt kết quả quan trọng và toàn diện trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

buổi làm việc giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển
Buổi làm việc giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

"Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Ngoại giao kinh tế đã nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các hiệp định thương mại tự do đã ký để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, nối lại xuất khẩu lao động..." - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh và cho rằng, công tác đối ngoại địa phương cần lấy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm.

"Tinh thần này được áp dụng chung, thống nhất từ trung ương đến các địa phương… Các địa phương cần có sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và cho biết, bộ sẽ cung cấp thông tin, hàng tháng cung cấp bản tin về tình hình kinh tế thế giới, thông tin về các địa bàn cụ thể… Mặt khác, thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ cũng sẽ thẩm định, xác minh các đối tác cụ thể theo yêu cầu của tỉnh.

"Hai bên phối hợp xúc tiến công tác đầu tư, du lịch thông qua các chuyến công tác đoàn cấp cao ra nước ngoài; hỗ trợ xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua các diễn đàn giới thiệu địa phương với các cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; kết nối mời các doanh nghiệp nước ngoài, kết hợp mời các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đến thăm tỉnh…" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị.

Năm 2023, GRDP của tỉnh Phú Thọ ước đạt trên 100 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, duy trì trong nhóm các địa phương có giá trị xuất khẩu cao, đạt trên 12,1 tỷ USD năm 2022 (gấp 2,6 lần so với năm 2020).

Nhật Khôi

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.