Đắk Nông: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa
Dân tộc - Văn hóa Thứ năm, 07/07/2022 - 15:58
Phát triển du lịch: Thách thức bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số |
Tiềm năng phát triển du lịch gắn với các giá trị văn hóa
Hoạt động du lịch của tỉnh Đắk Nông có nhiều điều kiện để phát triển thông qua việc đa dạng về các loại hình du lịch đang và có khả năng khai thác như: tiềm năng về du lịch tự nhiên (hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái hồ, thác nước, ..); du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, vườn quốc gia Tà Đùng... tiềm năng về phát triển du lịch gắn với các di sản văn hóa, lễ hội văn hóa, các công trình kiến trúc văn hóa.
Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào các dân tộc huyện Cư Jút |
Trên địa bàn tỉnh hiện có các khu, điểm du lịch phục vụ khách du lịch, gồm: Khu du lịch sinh thái văn hóa cụm thác Đray Sáp - Gia Long, thác Đắk G'lun, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, Khu du lịch sinh thái Phước Sơn; điểm du lịch ở dạng tiềm năng như các thác: 5 tầng, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp; Lưu Ly, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song; thác 7 tầng, thác Gấu, khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, hồ Tà Đùng và các điểm du lịch tự phát tại Tà Đùng, các di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông,... Những địa điểm du lịch giàu bản sắc văn hóa này đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách ghé thăm mỗi năm.
Những năm qua, tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh tăng khá, từ 138.000 lượt người năm 2010 lên 385.000 lượt người năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lượt khách giảm còn 225.700 lượt. Tốc độ tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2020 là 6,36 %/năm, tính trong giai đoạn 2011 - 2015 là 8,67%/năm. Nếu tính cả sự biến động của năm 2020 thì tốc độ tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 còn 2,82%/năm. Trong đó, tốc độ tăng bình quân khách du lịch nội địa hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2020 là 6,38%/năm, tính trong giai đoạn 2011 - 2015 là 8.95%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 3,05%/năm. Thị trường du lịch chủ yếu là khách nội địa, khách quốc tế chỉ chiếm khoảng từ 2-5% trong tổng cơ cấu khách.
Tổng doanh thu du lịch tăng từ 17 tỷ đồng năm 2011 lên 41,5 tỷ đồng năm 2019 và giảm còn 22,5 tỷ đồng năm 2020. Như vậy, tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2019 là 11,8%/năm, tính trong giai đoạn 2015 - 2019 là 15,84%/năm. Nếu tính cả sự biến động của năm 2020 thì tốc độ tăng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2015 - 2020 còn 3,52%/năm.
Thời gian gần đây, các cơ sở lưu trú mới xây dựng hoặc đã được đầu tư nâng cấp với hệ thống trang thiết bị từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại, có chất lượng. Có khoảng 4 khu, điểm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch, 01 số điểm selfi, homestay tại Tà Đùng và nằm rải rác tại các huyện; sản phẩm chủ yếu là tham quan cảnh quan, thác nước, sinh thái, lưu trú, ăn uống. Một số cơ sở có thêm dịch vụ tham quan vườn thú, vui chơi giải trí cho trẻ em,... Các điểm khác chủ yếu là tiềm năng, check in theo hướng trải nghiệm không gian, khám phá những giá trị của Công viên địa chất, chưa đầu tư theo hướng tổ chức dịch vụ tham quan du lịch. Các dịch vụ hỗ trợ khác như vận chuyển, vui chơi giải trí, karaoke, làm đẹp, hồi phục sức khỏe số lượng tương đối nhiều, ngày càng đầu tư nâng cấp về quy mô.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, tích cực thì du lịch của Đắk Nông vẫn còn thiếu sự phát triển đồng bộ; phần lớn các cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ, chất lượng thấp; tính liên kết sản phẩm du lịch của tình còn khá yếu, các khu, điểm du lịch đi vào hoạt động nằm cách khá xa nhau, xa các bon, buôn...; văn hóa chưa thật sự đưa vào khai thác du lịch, do vậy tính hỗ trợ, kết hợp tổ chức sinh thái, văn hóa gắn với khám phá, cộng đồng chưa cao; một số di tích lịch sử được đầu tư, tuy nhiên các hạng mục dần xuống cấp qua thời gian.
Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết, giai đoạn sắp tới, tỉnh sẽ phát triển du lịch Đắk Nông lấy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu để thúc đẩy đầu tư và bám sát mục tiêu của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu nhằm phát triển du lịch bền vững.
Chú trọng khuyến khích thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng cho một vài điểm du lịch trọng điểm, mời các chuyên gia tư vấn về địa điểm và mô hình đầu tư để duy trì vẻ đẹp tự nhiên một cách bền vững. Có chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư có uy tín và năng lực để bảo đảm dự án được triển khai theo dự kiến.
Những lễ hôi văn hóa đường phố là cơ hội để Đắk Nông tôn vinh, kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. |
Đồng thời lựa chọn và tập trung tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang nét khác biệt, riêng có của Đắk Nông. Khuyến khích phát triển các hình thức du lịch kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên với tài nguyên văn hóa. Tập trung vào một số địa điểm then chốt và có các biện pháp chủ động, tích cực để tạo ra điểm nhấn về du lịch trong giai đoạn trước mắt.
Đặc biệt, tập trung gắn kết du lịch với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với tài nguyên văn hóa. Chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn vệ sinh, môi trường trong sạch tại các điểm du lịch. Tích cực kêu gọi các tổ chức cá nhân đầu tư các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, từng bước tạo ra các sản phẩm mang đặc trưng riêng của địa phương, có đủ sức cạnh trạnh với các địa phương khác trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường, chú trọng phát triển cả thị trường nội địa và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Nông đến với du khách trong nước và quốc tế.