Kết nối phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam
Dân tộc - Văn hóa Thứ sáu, 18/08/2023 - 15:31
Thanh Hóa: Triển vọng phát triển du lịch miền núi Khai mạc ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam |
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023, ngày 18/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức toạ đàm “Kết nối phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam”.
Còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch miền núi
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam -0 cho biết, vùng núi Quảng Nam là nơi sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa và tự nhiên để phát triển du lịch. Đặc biệt, miền núi phía Tây còn là nơi lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Cor, Xơ đăng, Giẻ - Triêng với các lễ hội đặc trưng, lối sống sinh hoạt hằng ngày, nhiều món ăn đặc sản, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng... Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành nên những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch lịch sử...
Toạ đàm “Kết nối phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam" |
Tuy nhiên, du lịch miền núi Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều điểm du lịch tại các huyện vùng núi cao không thể đón xe khách 45 chỗ, khoảng cách giữa các điểm du lịch còn khá xa - điều này đã trở thành rào cản không nhỏ để phát triển tour tuyến du lịch. Sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương làm cho việc kết nối, tạo sản phẩm thực sự độc đáo để du khách hào hứng với những chuyến khám phá đại ngàn vẫn chưa được như mong đợi; lao động còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng; nhiều nơi làm du lịch tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư bài bản; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan... So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi Quảng Nam chưa thực sự được đầu tư tương xứng, hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch.
Người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhưng tình hình đầu tư vào khu vực miền núi của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch vẫn còn khiêm tốn. Một số nguyên nhân có thể kể đến do: nhân lực tại các địa phương miền núi chủ yếu là lao động phổ thông không có tay nghề nên thiếu lao động chất lượng cao, nhất là các lao động trong lĩnh vực du lịch; các khu vực miền núi chịu ảnh hưởng nhiều bởi tình hình thời tiết như mưa bão, sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến các dự án du lịch; thiếu các cơ sở dịch vụ phụ trợ phục vụ cho du lịch như các điểm mua sắm, các điểm tham quan,...
Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch ở các địa phương miền núi theo các quy định hiện hành còn thấp hoặc chưa được phân bổ hợp lý. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa còn hạn chế, do điều kiện đi lại còn cách trở, không có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ văn hoá nên việc tổ chức, triển khai các hoạt động gặp rất nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa nhìn chung trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, không đảm bảo về diện tích; thiếu công trình phụ trợ cho các hoạt động văn hóa; việc khôi phục nhà làng truyền thống của các dân tộc có nhiều khó khăn.
Kiến thức và nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương miền núi về phát triển các loại hình hoạt động phục vụ cho du lịch còn hạn chế, nhất là các hoạt động văn hóa đặc sắc vùng miền, làng nghề,...
Kết nối để phát triển bền vững
Xác định liên kết là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, giúp mở rộng không gian, phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương, tại tọa đàm, các Sở, ban ngành, địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh đã cùng nhau thảo luận, tìm ra hướng đi cho du lịch miền núi Quảng Nam. Từng bước tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, không còn tình trạng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, cùng nhau kết nối để tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững.
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch ở các địa phương miền núi dựa trên các lợi thế của miền núi, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đề xuất một số giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển, đa dạng hóa các điểm, tuyến du lịch. Đồng thời, cần tăng cường thực hiện và khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng.
Huy động, tạo điều kiện và hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư tại các địa phương miền núi; hướng dẫn và cung cấp các kiến thức về du lịch, du lịch cộng đồng để người dân tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, du lịch giáo dục, du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết với địa phương trong và ngoài nước; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư…
Khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc |
Đại diện huyện Tây Giang cũng kiến nghị Trung ương cần đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cho các huyện miền núi, nhất là giao thông, trong đó có huyện Tây Giang. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ thích hợp cho những người ám hiểu về văn hoá, trao truyền văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số.
Với phía tỉnh Quảng Nam, huyện Tây Giang đề xuất tỉnh cần mở các lớp đào tạo, tập huấn về công tác văn hoá, du lịch, quản lý di tích gắn với khai thác phát triển du lịch cho người miền núi. Bên cạnh đó, có cơ chế thông thoáng, số hoá thủ tục giấy tờ nhanh gọn, khoa học, nhịp nhàng giữa các sở, ngành và địa phương trong quản lưu trú cho khách du lịch, nhất là khách quốc đến du lịch tại các huyện miền núi, nhất là các điểm du lịch nằm ở địa ban biên giới.
Cuối cùng, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người bản địa gắn với phát triển du lịch xanh và bền vững phải đạt lợi ích của cộng đồng, sự sống còn của văn hóa làng, văn hóa giữ rừng đối với các huyện miền núi có độ che phủ rừng còn cao làm nền tảng chính quyết định sự thành công hay thất bại trong định hướng phát triển chung của từng địa phương, trong đó có lĩnh vực du lịch.