Nghệ An: Bảo tồn dệt thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng
Dân tộc - Văn hóa Thứ ba, 04/10/2022 - 10:39
Nghệ An: Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm Thái Du lịch OCOP Nghệ An - “Mảnh đất màu mỡ” |
Khu vực miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Thổ... Từ xưa đến nay, dệt thổ cẩm vốn là một trong những nghề truyền thống của đồng bào. Bởi vậy, những năm qua nhiều địa phương ở các huyện miền núi Nghệ An đã quan tâm giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống được người Thái ở Tân Kỳ, Nghệ An giữ gìn theo thời gian |
Tân Kỳ là huyện miền núi ở Nghệ An vẫn còn gìn giữ nhiều nét đặc trưng bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái. Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình, một số hộ gia đình dân tộc Thái trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã tìm tòi, sáng tạo nhiều sản phẩm phục vụ khách du lịch. Bằng tình yêu, tâm huyết với nghề, nhiều nghệ nhân vẫn nỗ lực gìn giữ, duy trì và tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm.
Không chỉ có nền văn hóa lâu đời, lối sống đặc trưng riêng của dân tộc Thái, nét độc đáo trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn mang giá trị thuần khiết, hội tụ tinh hoa của người Thái nơi đây. Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm thể hiện sự khéo léo, kỳ công, tỉ mỉ chứa đựng sự kiên trì tinh tế mang vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Thái với các họa tiết, hoa văn sinh động.
Nghề dệt thổ cẩm được người Thái truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác |
Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà Lào Thị Hải - người dân tộc Thái, ở bản Phảy Thái Minh xã Tiên Kỳ huyện Tân Kỳ luôn cần mẫn với nghề truyền thống từ lâu đời của cha ông để lại. Những tấm vải thổ cẩm được bà khéo léo dệt thành những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình như váy, áo, khăn, đệm ngồi, chăn, gối, khăn trải bàn... Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm thổ cẩm của bà Tâm còn được nhiều homestay và khách du lịch biết đến với tính đa dạng và màu sắc bắt mắt, tiện dụng.
Bà Lào Thị Hải cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm chủ yếu do thế hệ trước đây truyền lại, có những thời điểm tưởng như bị mai một do sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Mấy năm trước, có nhiều lớp tập huấn về đây dạy thêm cho bà con về cắt may sao cho đẹp hơn có thẩm mỹ hơn. Qua đó, góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp về các sản phẩm thổ cẩm truyền thống đến với du khách".
Dưới bàn tay khéo léo, phụ nữ dân tộc Thái đã dệt nên nhiều hoa văn đẹp |
Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng tại Tiên Kỳ, các mặt hàng dệt thổ cẩm tại các thôn, bản ở đây từ chỗ chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc nay đã và đang phát triển mạnh, dần trở thành sản phẩm thương mại gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, huyện miền núi Tân Kỳ, có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan và nghỉ dưỡng ở các địa điểm du lịch.
Nhằm bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tân Kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An phối hợp với huyện Tân Kỳ tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể liên quan đến nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống dân tộc phục vụ phát triển du lịch cho các hộ gia đình làm du lịch công đồng ở Tân Kỳ.
Bà Lào Thị Hải ở bản Phẩy Thái Minh, xã Tiên Kỳ tỷ mỉ tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo |
Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng, xã Tiên Kỳ đã chọn 8 hộ gia đình có nhà sàn đủ điều kiện xây dựng bổ sung các hạng mục liên quan để đón khách du lịch để hỗ trợ, khuyến khích bà con tham gia vào hoạt động du lịch gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó xã luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị phi vật thể, tăng cường quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở các xóm, đối với người dân nơi đây đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như văn hóa ẩm thực, không gian sống, không gian Cồng chiêng, gìn giữ nghề dệt truyền thống, sản phẩm OCOP rượu cần … góp phần làm cho du lịch cộng đồng ở Tiên Kỳ phát triển.
Nghề dệt thổ cẩm phát triển, vừa giữ được những nét đẹp của văn hóa truyền thống vừa là nguồn thu nhập của những người phụ nữ dân tộc Thái trong phát triển kinh tế gia đình |
“Trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào người Thái và các cảnh đẹp thiên nhiên tại đây, Tiên Kỳ là xã có tiềm năng du lịch cộng đồng, chính vì vậy trong quá trình xây dựng chiến lược cũng như phát triển du lịch thì ngành du lịch tỉnh đã đưa Tiên Kỳ là một trong những điểm để xây dựng du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tạo việc làm cho bà con đồng bào miền núi”, ông Nguyễn Văn Thạch – Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết.
Tại xã Tiên Kỳ còn có đỉnh Pù Loi cao 1.100 m so với mực nước biển. Không chỉ giàu bản sắc văn hóa độc đáo, mà tại đây còn có hệ thống núi đá vôi và các hang động hùng vĩ, nên thơ như Hang Mó bản Thái Minh, bản Kẻ Ỏn... Đặc biệt nằm dưới chân núi Pù Loi có độ cao 838m, Hang Mó tại bản Phẩy Thái Minh còn giữ nguyên vẹn hiện trạng hệ sinh thái, nơi đây đã từng được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đến tham quan và khảo sát. Đến đây các du khách sẽ được thưởng thức không khí mát lạnh của mùa hè khắc nghiệt và chiêm ngưỡng nét độc đáo, kỳ thú của các khối thạch nhũ muôn hình muôn vẻ. Từ tiềm năng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án quy hoạch khu du lịch sinh thái hang Mó gắn với du lịch cộng đồng làng nghề thổ cẩm bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ.
Sản phẩm được đưa đi trưng bày hoặc bán cho người dân và khách du lịch |
Ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ khẳng định: Huyện Tân Kỳ luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng; từ đó tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận dệt thổ cẩm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện nghề dệt thổ cẩm đang phát huy hiệu quả trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc huyện Tân Kỳ nói chung, dân tộc Thái, Thổ nói riêng. Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và tâm huyết của người yêu nghề, hy vọng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Thổ huyện Tân Kỳ sẽ ngày càng phát triển để vừa bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, vừa góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân nơi này.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An chia sẻ: Việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống với sự tham gia các thành viên trong cộng đồng sẽ là những đóng góp hiệu quả thiết thực vào phát triển kinh tế. Mô hình du lịch cộng đồng cũng sẽ giúp cho người dân được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Việc khám phá sự đa dạng của các truyền thống văn hóa, lễ hội, trình diễn nghệ thuật, kỹ năng nghề thủ công truyền thống và các lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể là đòn bẩy mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. |