
Người lính già và ước vọng được nhìn thấy lá cờ hòa bình
“Có những ký ức, qua bao năm tháng vẫn không hề phai nhạt. Có những mối duyên bắt đầu từ một lời thề âm thầm giữa thời đất nước chuyển mình… Và có những lá cờ mãi mãi là chứng nhân bất tử của lịch sử dân tộc”.
Trong không gian trang nghiêm của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, giữa dòng người đến thăm quan trong những ngày tháng Năm, có một đôi vợ chồng già lặng lẽ đứng rất lâu trước một hiện vật thiêng liêng: Lá cờ “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Lá cờ ấy từng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập đúng vào thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975, đánh dấu khoảnh khắc đất nước liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Ông là Nguyễn Ngọc Trường, cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ. Năm 1972, khi mới ngoài đôi mươi, ông là y tá chiến trường của Quân đoàn 3, Lữ đoàn 340. Ông từng băng rừng, vượt suối, sát cánh cùng đồng đội giữa lằn ranh sinh tử nơi miền Nam khói lửa.
Hôm nay, trên chiếc xe lăn, ông trở lại Hà Nội cùng người vợ tảo tần, bà Bùi Thị Tám, người con gái Phú Thọ từng lặng lẽ chờ ông trở về từ chiến trường năm ấy. Ngồi trước lá cờ lịch sử được trưng bày trong Bảo tàng, ông Trường rưng rưng xúc động. Cách đó không xa là chiếc xe tăng 843, biểu tượng của chiến thắng, của đoàn quân thần tốc, của những người lính như ông từng mơ một ngày đất nước hòa bình. Ánh mắt của ông chùng xuống khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống khi chỉ còn cách giờ phút độc lập vài bước chân:
Ông Nguyễn Ngọc Trường, cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ và vợ Bùi Thị Tám tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
50 năm trôi qua, ký ức vẫn nguyên vẹn trong trái tim người lính già. Lá cờ năm xưa, giờ không chỉ là hiện vật trưng bày trong tủ kính mà là một phần máu thịt của ông cùng biết bao đồng đội một thời trai trẻ, một phần hồn thiêng sông núi Việt Nam.

Những bài hát mang sắc cờ: Từ Ngày chiến thắng đến Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Tôi đã viết nhiều về chiến tranh. Tôi cũng đã sống cùng nhiều thế hệ cầm súng. Nhưng tôi là một người lính trưởng thành trong hòa bình. Trong bộ quân phục từng dãi dầu cùng tôi trên thao trường, có lúc lặng lẽ lắng nghe giai điệu hành khúc từ bản thu cũ sột soạt của “Ngày chiến thắng", bài hát bất hủ của Liên Xô cũ.
Và giờ đây, sau gần nửa thế kỷ, tôi lại một lần nữa lặng người nhưng không vì tiếng đại bác hay bài diễn văn hùng hồn, mà bởi một ca khúc rất mới, của một nhạc sĩ trẻ Việt Nam: Nguyễn Văn Chung với “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ trẻ nhưng có nhiều sáng tác nổi tiếng. Ảnh: FBNV
Một tình yêu không biên giới
Giữa tháng Tư lịch sử, hai bài hát ấy: Một ra đời đúng sau 30 năm chiến thắng của Liên Xô nhưng lại đúng vào mùa Xuân toàn thắng của chúng ta, chiến thắng 30/4/1975, một ra đời và toả sáng rạng rỡ vào 30/4/2025, sau hành trình qua nhiều vinh quang xen lẫn cay đắng đủ để chúng ta thêm thấm thía giá trị của hoà bình, độc lập, tự do. Hai ca khúc, hai thời đại, hai đất nước nhưng bỗng hòa quyện trong tôi như một bản hòa âm của hai thế hệ. Chúng cùng kể một câu chuyện: “Chúng ta được sống, là bởi có những người đã ngã xuống”.
“Ngày Chiến thắng” do David Tukhmanov sáng tác và Lev Leshchenko trình bày từng được xem là “hồi trống chiến thắng” của cả một dân tộc Xô viết bước ra từ khói lửa phát xít. Không khoa trương, không kèn trống, ca khúc bắt đầu bằng sự bâng khuâng của ký ức: “Ngày Chiến thắng đã cách xa chúng ta/Như những nét chì màu tan đi trong lửa đạn…”. Đó là nỗi đau, là giọt nước mắt đi qua máu xương, nhưng cũng là vinh quang của những người lính đã dành cả tuổi xuân cho đất nước.
“Viết tiếp câu chuyện hòa bình” lại là một tâm thế khác: tâm thế của những người được sống trong hòa bình, được hưởng thành quả của cha anh, và hiểu rằng hòa bình không tự nhiên mà có.
Câu hát “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hoà bình” vang lên không phải để kể công, mà để khắc ghi, để biết ơn, để không bao giờ lãng quên.
“Ngày Chiến thắng” của Liên Xô, ra đời đúng vào năm 1975 là hành khúc nhưng không cuồng nộ. Là âm vang chiến thắng nhưng ngập tràn nỗi nhớ. Ca từ giản dị: “Xin chào Mẹ, không phải tất cả chúng con đều được trở về…”. Chỉ một câu thôi, mà gói gọn cả khúc bi tráng của một dân tộc từng cày nát châu Âu để đập tan chủ nghĩa phát xít.
Bài hát ấy không vinh danh những tướng lĩnh kiêu hãnh. Nó cúi đầu trước những mái tóc pha sương trong nghĩa trang. Những người lính vô danh. Những bàn chân rớm máu qua nửa vòng Trái đất. Và cũng là lời hứa từ thế hệ còn sống: “Chúng con đã thần tốc tiến lên. Và bây giờ là nhiệm vụ của hòa bình”.
“Viết tiếp câu chuyện hòa bình” thì ra đời từ một vị trí khác: Giữa các tòa nhà cao tầng, giữa ánh đèn quốc kỳ trên dải phố hiện đại. Nhưng những dòng đầu tiên của nó lại không lạc khỏi mạch thiêng liêng: “Cha ông ta ngày xưa ngã xuống, để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình”.
Cũng như “Ngày Chiến thắng”, nó không ca ngợi chiến tranh, không tung hô hào khí. Mà khởi đầu bằng lòng biết ơn. Và nhấn mạnh một điều như một hồi chuông gửi tới những người trẻ thời nay: Hòa bình không phải là điều mặc định. Nó là sự đánh đổi.
Cần người viết tiếp với lòng dũng cảm và một trái tim
Tôi từng phục vụ trong quân đội, từng làm công tác đảng, công tác chính trị, từng dạy cả chiến sĩ mới ở Sư đoàn Sao vàng hát. Sau đó tôi làm báo, từng viết về biết bao người lính kinh qua chiến tranh, những người từng quên đi niềm riêng, quên cả bản thân mình vì nước non này. Tôi cũng từng viết về văn học, nghệ thuật, về quốc hội, về điều tra, rồi về kinh tế. Tôi không ngại gọi tên những nghịch lý. Nhưng cũng có lúc, chính tôi cảm thấy mình lặng đi, bởi một điều giản dị: Có quá nhiều người đang được sống, nhưng lại vô cảm trước sự hy sinh.
Bởi vậy, khi nghe “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, tôi không đơn thuần thấy xúc động. Tôi thấy được sự trở lại của một âm nhạc trách nhiệm, một giai điệu nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm, không dùng kỹ thuật để “chạm vào tai”, mà dùng sự thật để chạm tới những trái tim.
Câu hát: “Xin tri ân những người chiến sĩ, quên đi niềm riêng, quên đi cả bản thân mình…” không phải là một hình ảnh tượng trưng. Nó là thực tế tôi từng chứng kiến. Từ người lính ở nhà lao Cây Dừa, những chiến sĩ đặc công dưới cành phượng tím Nam Trung Bộ hay những người đi giải phóng Trường Sa đã gửi tuổi 20 vào sóng nước, đến bà mẹ liệt sĩ ngồi lặng bên bức ảnh con trên đảo ngọc Phú Quốc.
Họ không đòi được vinh danh. Nhưng lịch sử, nếu là một trái tim còn đập, thì phải nhớ đến họ trước tiên.
“Ngày Chiến thắng” được trình diễn mỗi năm vào ngày 9/5 tại Quảng trường Đỏ. Cờ phấp phới. Những đội hình duyệt binh. Nhưng nếu chỉ có hình ảnh thì nó sẽ là sân khấu. Chính âm nhạc mới khiến người ta khóc.
Người Nga gọi bài hát ấy là “trái tim thứ hai của người Xô viết”. Bởi nó không phải là bài hát cho người thắng mà là bài hát cho người mất mát.
Tương tự, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” đã không còn là ca khúc trình diễn. Nó đang trở thành tiếng hát tập thể ở trường học, công sở, trong đơn vị quân đội, công an, trên mạng xã hội. Những đoạn điệp khúc như:
“Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hòa bình…” không còn là mời gọi, mà là một lời nhắc trách nhiệm.
Tôi không quen Nguyễn Văn Chung. Tôi cũng từng dè chừng các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ viết nhạc “yêu đương”, “viral” cho nhanh. Nhưng với bài hát này, tôi thấy được một người cầm bút như một người lính.
Anh không viết để bán. Anh viết để gửi. Gửi đến cha anh, gửi đến thế hệ đang lớn, gửi đến những đứa trẻ chưa từng nghe tiếng còi báo động. Trên trang Facebook cá nhân, Chung tâm sự những lời từ trái tim một người viết nhạc: anh coi việc ca khúc được biểu diễn trong đại lễ là vinh dự chưa từng có trong đời sáng tác. Lần đầu tiên, bài hát của anh được vang lên giữa một “Concert Quốc gia” mà hàng triệu người cùng nghe và hòa giọng. Chung gọi đó là niềm hạnh phúc lớn nhất sự nghiệp, là “một cột mốc thiêng liêng”, và xúc động nhắc đến người mẹ đã khuất: “Ước gì có má bên cạnh…”.
Khi có tranh luận về ca sĩ trình diễn chính thức, anh nhấn mạnh: “Đây không phải sân khấu tranh tài. Đây là nhiệm vụ quốc gia.” Anh tôn trọng cả ca sĩ trình diễn trong đại lễ (Võ Hạ Trâm, Đông Hùng) và ca sĩ sở hữu độc quyền biểu diễn (Nguyễn Duyên Quỳnh), cho rằng tất cả đều quan trọng như nhau, vì đều phục vụ cho đất nước.
Tôi mong anh viết tiếp. Nhưng không chỉ là tiếp những câu chuyện cũ. Mà hãy viết cả về những “chiến sĩ trên trận tuyến mới”, các doanh nhân, công nhân, kỹ sư công thương, người dân vùng sâu vượt nghèo, những tổng tiến công đổi mới của thời bình.
Khi những bài hát mang sắc cờ
Tôi từng đứng giữa Quảng trường Ba Đình và Quảng trường Đỏ. Một bên là bản “Tiến quân ca”, một bên là “Ngày toàn thắng”. Và rồi tôi nhận ra: có những lúc âm nhạc còn mạnh hơn cả những lá cờ. Khi một bài hát khiến người trẻ lặng đi, khiến người lớn rưng rưng, khiến một người lính không còn trẻ như tôi rút bút viết tiếp thì nó không còn là âm nhạc. Nó là một phần ký ức sống động của quốc gia.
Tôi cảm ơn Nguyễn Văn Chung không chỉ vì bài hát hay, mà vì anh dũng cảm. Dũng cảm đi ngược với xu hướng thị trường. Dũng cảm chọn chủ đề lớn. Dũng cảm viết bằng cả lòng biết ơn lẫn sự tự hào hoà chung nhịp đập của ngày hội non sông.
Tôi mong anh và cả thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp tục viết về đất nước, không phải bằng quá khứ, mà bằng khát vọng hành động. Hãy tiếp tục viết những bài hát về xây dựng, về con người mới, về mặt trận kinh tế, như một bản anh hùng ca mới của dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Hòa bình chỉ trường tồn khi chúng ta viết tiếp bằng công việc của mình bằng cả trái tim. Các cuộc chiến tranh đã lùi xa. Nhưng “cuộc chiến để giữ lấy hòa bình” chưa bao giờ dừng lại. Nó nằm trong từng quyết sách đúng lúc. Trong từng bàn tay kiến thiết. Trong từng trái tim còn nhớ ai đã ngã xuống để mình được yên giấc.
Hòa bình, do đó, không thể là sự im lặng. Nó phải được viết tiếp. Hát tiếp.
Và sống tiếp. Trong từng con người. Bằng cả mỗi trái tim.

Viết tiếp câu chuyện hòa bình với bản lĩnh vượt khó của ngành Công Thương
Giai đoạn 2021–2024, ngành Công Thương Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh vượt khó, đóng vai trò trụ cột trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ngành Dầu khí đạt doanh thu kỷ lục, mở rộng mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo. Ngành điện giữ vững an ninh năng lượng, hoàn thành thi công thần tốc đường dây 500kV.
Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Nguyễn Trường Sơn
Hóa chất chuẩn bị khung pháp lý mới với Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), logistics bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, hỗ trợ xuất siêu gần 25 tỷ USD năm 2024.
Xuất nhập khẩu liên tiếp lập kỷ lục, đạt gần 800 tỷ USD năm 2024. Thương mại điện tử tăng trưởng thần tốc, quy mô vượt 25 tỷ USD, đóng góp 2/3 kinh tế số quốc gia.
Những thành tựu đó là nền tảng vững chắc để ngành Công Thương bước vào năm 2025 với tâm thế chủ động, tự tin, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ 2021–2025, đưa đất nước tiến bước mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và hành trình viết tiếp câu chuyện hòa bình bằng âm nhạc
Những ngày tháng Tư lịch sử, khi lòng người hướng về 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, một giai điệu vang lên, tựa như làn sóng âm thanh đầy tự hào lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Từ trái tim của một nhạc sĩ trẻ sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” đã trở thành tiếng lòng chung của triệu triệu người Việt, cùng hân hoan chờ đón đại lễ thiêng liêng của dân tộc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” – góp tiếng nói nghệ thuật đầy xúc cảm, lan tỏa thông điệp tri ân quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình và phát triển bền vững cho đất nước.
Khi những giai điệu đầu tiên của “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” ngân lên giữa quảng trường rộng lớn, là khoảnh khắc cả dân tộc cùng ngẩng cao đầu tự hào, cùng gói ghém quá khứ và khát vọng vào từng lời ca tiếng hát.
Mỗi câu hát, mỗi ánh mắt, mỗi lá cờ vẫy tay trong nắng sớm… đều như những nhịp đập thổn thức, cùng chung một trái tim Việt Nam. Rằng câu chuyện hòa bình - một lần nữa - đang được viết tiếp.

Vượt gian khó, những người Công Thương viết tiếp câu chuyện hòa bình
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những người Công Thương vẫn bền bỉ viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng trí tuệ, nghị lực và khát vọng kinh tế thời bình.
Có chúng tôi, những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng trái tim, bàn tay, khối óc để cho đất nước mãi tiến về phía trước bằng sức mạnh kinh tế thời bình trong bản hùng ca 50 năm hoà bình, thống nhất, hội nhập và phát triển.
Hồi ức của lửa và thép
30/4/1975 – đất nước non sông liền một dải. Tiếng súng vừa im trên thành phố, đoàn xe chở than đá, xăng dầu, vải vóc, sắt thép, lương thực đã rầm rập vào miền Nam. Những người Công Thương không cởi bỏ quân phục, họ chỉ thay súng bằng vô lăng xe tải, búa, thước cặp, máy in hóa đơn, máy phát điện... Lặng lẽ, bền bỉ và quyết liệt như chính dân tộc này.
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ngành Công Thương không chỉ vận chuyển hàng hoá, xăng dầu, mà còn tổ chức sản xuất ngay trong rừng, dưới bom đạn, ở các trạm hậu cần. Những chiếc lò luyện gang dã chiến, những cửa hàng thương nghiệp mọc lên từ hầm đất. Những người lính từ mặt trận khi trở về đã tiếp tục xung phong vào Binh đoàn 318 để phát triển dầu khí, hay trở thành những cán bộ quản lý thị trường, công nhân các nhà máy dệt, luyện kim, hóa chất... Họ là những chiến binh, nhưng cũng là những người kiến thiết.
Có hàng nghìn, hàng vạn người lính đã không trở về với hào quang vũ khí, mà khoác lên mình bộ đồng phục công nhân, kỹ sư, cán bộ thị trường trở thành nốt nhạc bền bỉ trong bản giao hưởng mùa Xuân 50 năm đất nước vươn mình. Binh đoàn 318 chuyển thành binh đoàn dầu khí bền bỉ khai thác vàng đen cho Tổ quốc.
5 năm, một đại thử thách
Thế giới 5 năm qua là một chuỗi những trận động đất: COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát, suy thoái, khủng hoảng năng lượng, khó khăn logistics, đứt gẫy chuỗi cung ứng và cả chiến tranh thương mại. Trong khi nhiều nền kinh tế lớn vỡ vụn chuỗi cung ứng, hàng triệu doanh nghiệp phá sản, Việt Nam vẫn xuất khẩu tăng trưởng liên tục, công nghiệp chế biến không đứt nhịp, năng lượng không thiếu điện diện rộng, thị trường nội địa được giữ vững...
Ngành Công Thương là trụ cột của thành tựu đó. Không phải bằng những lời tung hô, mà bằng các con số: Kim ngạch xuất khẩu từ 281,5 lên 405,53 tỷ USD (tăng 44%); Nhập khẩu từ 262,4 lên 380,76 tỷ USD (tăng 45,1%); Xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử 50 năm qua; Thương mại điện tử tăng hơn 110% – đạt 25 tỷ USD; Giá trị thương hiệu quốc gia vọt lên 507 tỷ USD – tăng 59%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,6% (2024); Tổng công suất điện đạt 82.400 MW.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng
Những con số ấy không vô cảm. Nó là mồ hôi, là nước mắt, là sự thức trắng hàng nghìn đêm của hàng triệu con người, từ cán bộ đàm phán thương mại, chuyên gia logistics, kỹ sư điện lực, giảng viên ngành hóa dầu đến anh lái xe container, chị công nhân dây chuyền, người bảo vệ nhà máy hóa chất giữa dịch giã...
Vẽ lại bản đồ những người lặng lẽ
Trong cuộc tổng tấn công thời bình, không có súng, không có bom, nhưng có những con người lặng thầm góp sức dựng lại hạ tầng, tái cơ cấu thị trường, bảo vệ biên cương thương mại.
Đó là anh kỹ sư bám giàn khoan ở mũi Cà Mau hay thềm lục địa phía Đông. Đó là chị nhân viên marketing thương mại điện tử ngồi văn phòng nhỏ giữa Thành phố Hồ Chí Minh, mở hàng Việt ra thế giới. Đó là những giảng viên dạy làm công nghiệp, làm điện hạt nhân ở Đại học Công nghiệp, Đại học Điện lực. Đó là các chuyên gia đàm phán, hội nhập của Bộ Công Thương đang phản biện mạnh mẽ tại WTO và nhiều chế định thương mại khác để bảo vệ quyền lợi Việt Nam trong các vụ kiện chống trợ cấp.
Đó là những chiến sĩ xúc tiến thương mại, cán bộ thương vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Mỹ hay Pháp, âm thầm mở đường cho hàng thủy sản, nông sản, điện tử...Đó là hàng vạn bước chân cán bộ quản lý thị trường giữa đêm mưa rét đi kiểm tra kho hàng lậu. Đó là các kỹ sư vận hành trung tâm điện mặt trời Ninh Thuận, điện gió Bạc Liêu, điện gió ngoài khơi...
Họ là những nốt nhạc. Bản giao hưởng đất nước 50 mùa xuân, 50 mùa hoa không thể thiếu những nốt nhạc.
Viết tiếp câu chuyện hoà bình
Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hoà bình
Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh
Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới
Lời bài hát mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang lan toả như một ngọn lửa hy vọng. Trong mỗi phân xưởng, mỗi phiên đàm phán, mỗi chuyến tàu logistics xuyên lục địa, những người làm Công Thương hôm nay cũng đang viết tiếp câu chuyện hoà bình. Họ giữ vững thị trường, bảo vệ thương hiệu Việt, làm cầu nối với thế giới, đưa hàng Việt tới những thị trường xa nhất.
Không có phát triển nào bền vững nếu không có hoà bình. Nhưng cũng không có hoà bình thực sự nếu không có thịnh vượng và công lý. Ngành Công Thương đang là một phần của sứ mệnh ấy: Đưa Việt Nam không chỉ hội nhập, mà khẳng định mình bằng giá trị, trách nhiệm và bản lĩnh.
Có chúng tôi, những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình!

Thắp sáng tình yêu nước qua 'Viết tiếp câu chuyện Hoà Bình'
"Viết tiếp câu chuyện Hoà Bình" là ca khúc sâu lắng, mang thông điệp ý nghĩa về khát vọng gìn giữ hoà bình và xây dựng tương lai tươi sáng. Với chất giọng nội lực và giàu cảm xúc, ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh đã thể hiện đầy tinh tế tinh thần tri ân các thế hệ đi trước, đồng thời truyền tải trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc tiếp nối hành trình gìn giữ những giá trị thiêng liêng của đất nước.
Ca từ dung dị, xúc động cùng giai điệu nhẹ nhàng, sâu sắc đã tạo nên một bản nhạc chạm đến trái tim người nghe. "Viết tiếp câu chuyện Hoà Bình" không chỉ là một bài hát, mà còn là lời nhắn gửi chân thành về niềm tin, tình yêu quê hương và ước mong một tương lai đoàn kết, yên bình.
Hàng nghìn người tạo hình quốc kỳ Việt Nam để hưởng ứng lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mắt đỏ hoe xúc động khi nghe ca khúc 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình" vang lên
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, cả nước hòa chung không khí xúc động hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Trong lễ diễu binh trang nghiêm và đầy tự hào, một giai điệu hào hùng mạnh mẽ vang lên, chạm đến trái tim của hàng triệu người – đó chính là "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", ca khúc mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mắt đỏ hoe xúc động khi nghe ca khúc 'Viết Tiếp Câu Chuyện Hòa Bình' vang lên. Ảnh: VTV.
Khi ca từ ngân vang giữa khoảnh khắc thiêng liêng của Tổ quốc, chính tác giả Nguyễn Văn Chung cũng không kìm được sự xúc động.
Bài hát được viết bằng ngôn ngữ mộc mạc nhưng sâu lắng, nói về quê hương, lòng biết ơn và khát vọng được sống trong hòa bình – những giá trị tưởng chừng giản dị nhưng thiêng liêng biết bao với người dân Việt Nam sau nửa thế kỷ thống nhất. Điểm nhấn của bài hát là đoạn điệp khúc: "Để cho đất nước yên vui từ đó/ Để cho đỏ thắm màu cờ tự do/ Để những tiếng cười vang khắp nơi từ ngày chiến thắng/ Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hòa bình/ Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh/ Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới".
Những ca từ ấy như một lời nhắn nhủ, một bản tuyên ngôn của tình yêu nước thế hệ mới – vừa biết ơn quá khứ, vừa hướng đến tương lai. Sau lễ diễu binh, mạng xã hội ngập tràn lời chia sẻ và cảm ơn dành cho nhạc sĩ: “Bài hát quá xúc động”, “Tri ân anh vì đã viết nên một khúc ca hòa bình thật đẹp”…
Viết tiếp câu chuyện hòa bình không chỉ là một bài hát, mà là sự tiếp nối tinh thần yêu nước – bằng âm nhạc, bằng cảm xúc, và bằng khát vọng của một dân tộc luôn vững bước về phía trước.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng vận hành sớm trong năm 2025
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì buổi họp với các đơn vị về Dự án Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Cục Điện lực, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty NSMO và các đơn vị liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho quốc gia nên nhận được sự quan tâm đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải gấp rút đưa công trình vào vận hành sớm trong năm 2025.
Đại diện Cục Điện lực cho biết, Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được bố trí bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Dự án có quy mô công suất lắp 2 tổ máy, tổng công suất 480 MW và giao cho EVN làm chủ đầu tư.
EVN thông tin, công tác thi công đã được gấp rút triển khai và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, có một số khó khăn liên quan đến quy trình vận hành điều tiết hồ Hoà Bình và liên hồ chứa.
Dự án thuỷ điện Hoà Bình mở rộng được xây dựng với mục tiêu là tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện từ đó góp phần trực tiếp giảm chi phí sản xuất điện, cung cấp thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 495 triệu kWh/năm.

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 24/12: Nga quyết giành lại Kursk; Ukraine muốn hòa bình vào 2025?
Nga ồ ạt tấn công Kursk, đe dọa tước ‘quân bài mặc cả’ của Ukraine
Theo RT, ngày 23/12, trong một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại tỉnh Kursk, Nga đã tung đòn tấn công mạnh mẽ, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Ukraine. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, quân Moscow đã vô hiệu hóa 5 lữ đoàn cơ giới, 3 lữ đoàn xung kích đường không, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến và 4 lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ của Ukraine tại nhiều địa điểm chiến lược trong khu vực này.
Lính Nga khai hỏa về phía lực lượng Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kursk. Ảnh: TASS
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã tiêu diệt hơn 300 binh sĩ, cùng với nhiều xe tăng – bao gồm cả xe tăng Abrams tối tân của Mỹ, các xe chiến đấu bộ binh như Bradley (Mỹ), Marder (Đức) và CV-90 (Thụy Điển). Thêm vào đó, 3 xe bọc thép chở quân, bao gồm cả các mẫu Stryker và M113 do Mỹ sản xuất, 1 khẩu pháo, 4 súng cối cho đến một loạt phương tiện như xe bọc thép chiến đấu và xe bọc thép cứu kéo M88 do Mỹ sản xuất cũng bị phá hủy hoàn toàn. Tổng cộng, Nga tuyên bố đã làm thiệt hại hơn 8 xe vận tải chỉ trong vài ngày giao tranh.
Kể từ khi chiến sự tại Kursk bùng nổ, Nga ước tính Ukraine đã mất hơn 43.310 binh sĩ và một khối lượng lớn trang bị quân sự. Con số này bao gồm 253 xe tăng, 194 xe chiến đấu bộ binh, 1.315 xe chiến đấu bọc thép và 1.174 phương tiện vận tải. Ukraine còn mất đi 324 khẩu pháo và 42 bệ phóng hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS), trong đó có 11 hệ thống HIMARS và 6 bệ phóng MLRS hiện đại do Mỹ cung cấp.
Hệ thống phòng không của Ukraine cũng bị tổn thất nghiêm trọng, với 13 hệ thống tên lửa bị phá hủy, cùng 7 xe vận tải và nạp đạn. Những tổn thất này khiến Kiev phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc duy trì khả năng phòng thủ trước sức ép liên tục từ Nga.
Theo nhận định từ giới quan sát, với đà tấn công dồn dập, Nga đang dần tạo ra một bước ngoặt quan trọng trên chiến trường Kursk, làm lung lay khả năng phản công của Ukraine. Những tổn thất nặng nề này có nguy cơ tước đi “quân bài mặc cả” duy nhất của Kiev trong bàn đàm phán với Moscow.
Moscow chi 1 tỷ USD xây ‘lá chắn thép’ bảo vệ không quân tại Crimea
Theo TASS, ngày 23/12, Nga đang tăng tốc triển khai hàng loạt công trình phòng thủ kiên cố tại căn cứ không quân chiến lược Belbek, nằm ở phía tây bán đảo Crimea, để bảo vệ lực lượng không quân khỏi các cuộc tập kích của Ukraine. Ảnh vệ tinh thương mại từ Planet Labs, phân tích bởi chuyên trang quân sự War Zone (Mỹ), cho thấy ít nhất 10 nhà trú ẩn máy bay kiên cố đang được thi công tại khu vực trung tâm căn cứ.
Loạt nhà trú ẩn cho máy bay tại căn cứ Belbek trong ảnh chụp ngày 23/12. Ảnh: Planet Labs
Ngoài các công trình mới, Nga cũng bổ sung lưới bảo vệ mắt cáo cho những nhà chứa máy bay hiện có trong căn cứ. Thiết kế này tương tự như các nhà chứa tại nhiều căn cứ không quân khác của Nga, nhằm giảm thiểu tổn thất từ những đợt tấn công bằng tên lửa và UAV mà Ukraine đã thực hiện thời gian qua.
Căn cứ Belbek giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì đây là nơi triển khai các máy bay và hệ thống phòng không Nga bảo vệ quân cảng Sevastopol và khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, căn cứ này thường xuyên trở thành mục tiêu của Ukraine.
Một trong những đợt tập kích gây thiệt hại nặng nhất xảy ra vào ngày 15/5, khi Ukraine sử dụng UAV và tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm, phá hủy một số thành phần quan trọng của tổ hợp phòng không S-300/S-400 tại căn cứ. Chính vì vậy, việc xây dựng các hầm trú ẩn kiên cố tại đây được đánh giá là biện pháp thiết yếu để duy trì năng lực phòng thủ của Nga.
Theo chuyên gia quân sự Joseph Trevithick, Nga không chỉ tăng cường công trình phòng thủ tại Belbek mà còn khởi công đồng loạt ít nhất 70 nhà trú ẩn tương tự trên khắp các căn cứ không quân. Điều này phản ánh nỗ lực bảo vệ các máy bay chiến đấu chủ lực như Su-27, Su-30SM, Su-34 và Su-35S, vốn trước đây thường được đỗ ngoài trời và rất dễ bị tổn thương trước những đòn tấn công tầm xa.
Việc Nga đầu tư mạnh tay cho hệ thống phòng thủ không quân không chỉ dừng lại ở Belbek. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov từng tiết lộ kế hoạch xây dựng 300 hầm trú ẩn chuẩn AU-19 dành riêng cho phi đội tiêm kích. Theo các chuyên gia, chi phí cho dự án này có thể lên đến một tỷ USD, cho thấy quy mô và mức độ quan trọng của chiến lược phòng thủ này.
Việc Nga tăng cường bảo vệ căn cứ Belbek và các cơ sở không quân khác không chỉ là động thái phòng thủ, mà còn có ý nghĩa chiến lược trong cuộc đối đầu với Ukraine. Những công trình kiên cố này không chỉ giảm thiểu tổn thất về khí tài mà còn củng cố vị thế của Moscow trên bàn cờ xung đột.
Kiev ‘dội bão’ UAV tấn công sân bay chiến lược Nga ở Rostov
Theo hãng thông tấn Ukrinform, cập nhật chiến sự ngày 23/12, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết giữa Ukraine và Nga đã xảy ra 164 cuộc giao tranh ở tiền tuyến. Trong diễn biến mới nhất, sân bay chiến lược Millerovo tại tỉnh Rostov của Nga bị tấn công dữ dội bằng UAV. Đây là một động thái táo bạo từ phía Ukraine, nhắm vào căn cứ không quân quan trọng của Nga, vốn đóng vai trò then chốt trong các hoạt động ở miền đông và miền nam Ukraine.
Theo ông Andrii Kovalenko, lãnh đạo Trung tâm Chống thông tin sai lệch thuộc Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, Millerovo không chỉ là một sân bay thông thường mà còn là căn cứ trung tâm cho lực lượng không quân Nga trên tiền tuyến. Việc tấn công Millerovo nhằm làm suy yếu năng lực hỗ trợ của không quân Nga đối với bộ binh trên các mặt trận trọng yếu.
Dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng 9 UAV đã bị bắn hạ trong khu vực. Trong khi đó, quyền tỉnh trưởng Rostov, ông Yuri Slyusar, cho biết 8 UAV bị ngăn chặn trực tiếp tại TP Millerovo. Ông cũng khẳng định không có thương vong nào xảy ra sau vụ tấn công, vốn bắt đầu lúc 9 giờ tối (giờ địa phương).
Nga tiếp tục triển khai máy bay không người lái (UAV), bom dẫn đường và các loại vũ khí tầm xa để tấn công các mặt trận phía đông và nam Ukraine. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine vẫn kiên cường giữ vững phòng tuyến, ngăn chặn thành công nhiều cuộc đột kích của Nga.
Cuộc tấn công vào sân bay Millerovo cho thấy một bước chuyển quan trọng trong chiến thuật của Ukraine. Bất chấp nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ từ phía Nga, việc nhắm vào một mục tiêu chiến lược như Millerovo không chỉ là một đòn tấn công vào hạ tầng quân sự mà còn là thông điệp rõ ràng về khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương của Ukraine.
Ukraine sẵn sàng kết thúc xung đột với Nga trong năm 2025?
Theo Washington Post, một quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ ngày 23/12 rằng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã làm thay đổi cách tiếp cận với chiến tranh Nga-Ukraine. Theo vị quan chức này, giới chức Ukraine bắt đầu tin rằng cuộc chiến với Nga sẽ được giải quyết trong năm 2025.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP
Kể từ năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết giữ vững lập trường rằng hòa bình chỉ đến khi Nga rút quân, khôi phục biên giới Ukraine năm 1991 và bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên, gần đây, nhà lãnh đạo này đã thay đổi giọng điệu. Thay vì nói về “chiến thắng”, ông nhấn mạnh mong muốn một “hòa bình công bằng” và sự đảm bảo an ninh từ phương Tây thông qua tư cách thành viên NATO. Ông cũng để ngỏ khả năng giải quyết vấn đề lãnh thổ thông qua con đường ngoại giao trong tương lai.
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định mọi giải pháp hòa bình phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng chiến dịch quân sự, thừa nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, và công nhận các mục tiêu “phi quân sự hóa” cùng “phi phát xít hóa” của chiến dịch đặc biệt. Moscow nhấn mạnh rằng không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào khi mục tiêu chưa được hoàn thành.
Theo ông Mike Waltz, cố vấn An ninh Quốc gia được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử, chiến thắng của vị Tổng thống đắc cử đã buộc phương Tây phải định hình lại cách tiếp cận với cuộc xung đột Ukraine. Từ việc cung cấp viện trợ quân sự để Kiev chống trả, trọng tâm hiện đã chuyển sang tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình toàn diện. Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố tự tin rằng có thể chấm dứt cuộc chiến chỉ trong vòng một ngày sau khi nhậm chức. Giới lãnh đạo châu Âu cũng đang dần nghiêng về quan điểm của ông Donald Trump rằng cuộc chiến phải chấm dứt.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chủ động hơn để tận dụng Hiệp định UKVFTA
Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh đã được khẳng định rõ ràng.
Để tận dụng có hiệu quả ưu đãi của UKVFTA mang lại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang chủ động tìm hiểu nội dung của hiệp định, đặc biệt là cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh trong tháng 9/2024 đạt 607,1 triệu USD, giảm 17,9% so với tháng trước đó. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Không những vậy, Hiệp định UKVFTA đã và đang trở thành cầu nối đưa hàng hoá thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, theo ghi nhận, sự hiện diện các thương hiệu hàng hoá Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12 - 19%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, các loại cơ khí, thủy sản, trong đó hưởng lợi nhiều là dệt may, da giày, nông - thuỷ sản.
Không chỉ doanh nghiệp, ngành hàng đang tận dụng tốt những ưu đãi từ UKVFTA mà các địa phương cũng đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về tình hình tận dụng Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các tỉnh, thành phố cho biết, năm 2022 có 44/63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu với Vương quốc Anh theo Hiệp định UKVFTA, tăng 13 địa phương so với năm 2021.
Nổi bật trong các tỉnh, thành phố cả nước, hoạt động xuất khẩu của Hòa Bình sang Vương quốc Anh đã có những bước phát triển tích cực. Theo nhận định của giới chuyên gia, các mặt hàng nông sản như gạo, sản phẩm trồng trọt, rau quả... có nhiều lợi thế khi UKVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, đây cũng là nhóm hàng có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình.
Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế của Hòa Bình, ngành nông nghiệp chiếm 22,12% GRDP và đã hình thành được một số mặt hàng chủ lực như cam, bưởi, mía tím, lợn bản địa, gà đồi, cá sông Đà... với sản lượng hàng năm khá lớn. Trong định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn đến năm 2030, Anh cũng được đánh giá là một trong những thị trường truyền thống.
Những năm gần đây, nhờ tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA, trái cây đặc sản của Hòa Bình như cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, thanh long và khoảng hơn 100 sản phẩm đặc sản địa phương như tinh bột nghệ, chanh đào mật ong, miến dong, trà Giảo cổ lam… được xuất khẩu sang Anh. Các sản phẩm này được xuất khẩu thông qua Công ty cổ phần R.Y.B (Hòa Bình) và ban đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, hứa hẹn những đơn hàng lớn hơn cho những năm tiếp theo.
Cũng theo nhận định của giới chuyên gia, để tận dụng có hiệu quả ưu đãi của UKVFTA mang lại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang chủ động tìm hiểu nội dung của Hiệp định, đặc biệt là cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Ngoài ra, để vượt qua được rào cản về kỹ thuật, thâm nhập tốt hơn sang Vương quốc Anh, doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa quy trình bán hàng, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu… để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp của mình.
Thời gian tới tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định UKVFTA rộng rãi hơn nữa; xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; chuẩn bị giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với sản phẩm xuất khẩu, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định UKVFTA trên các phương diện; có chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; đồng thời triển khai đồng bộ chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng chú trọng phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nghiên cứu đánh giá trên cơ sở khoa học để xác định rõ danh mục các mặt hàng xuất khẩu thực sự có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh vào Vương quốc Anh.

Chiến sự Nga-Ukraine tối 22/11: Nga đột kích Kurakhove; động thái mới của ông Zelensky về hòa bình
Nga "tả xung hữu đột” vào Kurakhove
Kênh Readovka đưa tin, các báo cáo chưa được xác minh cho biết, những trận chiến ác liệt đang diễn ra ngay tại trung tâm thành phố, gần cây cầu chiến lược nối Nova Ilyinka. Ở khu vực Đông Nam, các lực lượng xung kích của Nga đang tiến mạnh dọc theo Dolgaya Gully, mở ra con đường tấn công về phía các khu ngoại ô phía Nam thành phố.
Tại khu vực phía Nam, lực lượng Moscow đã chiếm lĩnh Dalnie, với sự tham gia của Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn súng trường cơ giới 150, trực thuộc Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 8. Một cuộc đột kích của xe bọc thép Nga trên các cánh đồng phía Bắc Ilyinka đã làm rõ hơn tình hình chiến sự Nga-Ukraine dọc theo tuyến Dalnie - Pobeda.
Chiến sự Nga-Ukraine đang diễn biến căng thẳng. Ảnh: TASS
Đồng thời, tại sườn phía Nam, một đợt tấn công thành công của Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ số 39 đã chiếm được một phần vị trí của đối phương tại khu rừng Lesnaya Dacha, phía Nam Veselyi Gai. Việc chiếm lĩnh hoàn toàn khu vực này sẽ giúp Nga phá vỡ các công sự của quân đội Ukraine gần Yelyzavetivka từ phía sau.
Cách đây vài ngày, quân đội Nga đã tiến vào Trudove và cắm cờ tại vùng ngoại ô phía Nam ngôi làng. Hiện tại, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn trong khu vực này. Phía Tây, vùng kiểm soát của Nga đã mở rộng trên các cánh đồng gần Maksymivka và dọc theo đường cao tốc O0510, nơi các lực lượng Kiev đang cố gắng phản công và liên tục pháo kích vào các tuyến phòng thủ tiền phương của Nga.
Nga không kích ồ ạt vào Dnipropetrovsk và Kryvyi Rih
Cuộc không kích của Nga hôm 21/11 (theo giờ địa phương) tại khu vực Dnipropetrovsk và Kryvyi Rih đã khiến hơn 30 người bị thương ở 2 khu vực này, Ukrinform đưa tin
Serhiy Lysak, người đứng đầu Cục Quản lý Quân sự Khu vực Dnipropetrovsk, đã viết điều này trong một bài đăng trên Telegram.
“Ba người bị thương ở Dnipro và 31 người ở Kryvyi Rih. Theo dữ liệu cập nhật, thiệt hại đã xảy ra với chín tòa nhà chung cư, ba tòa nhà hành chính, một bưu điện, một cửa hàng và một đường dây điện”, ông viết.
Lysak cho biết thêm rằng, các thành phố vẫn đang tiếp tục phục hồi sau vụ không kích của Nga. Các dịch vụ liên quan đang làm việc cả ngày để giảm thiểu hậu quả của các cuộc tấn công. Các nhà tâm lý học và nhân viên từ thiện đang giúp đỡ mọi người.
Ngoài ra, quân Nga đã pháo kích quận Nikopol bằng pháo binh và tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze. Trung tâm quận và cộng đồng Marhanets đã bị tấn công. Không có thương vong nào được báo cáo.
Theo báo cáo, sáng ngày 21/11, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, một tên lửa Kinzhal và bảy tên lửa hành trình Kh-101 vào thành phố Dnipro. Các đơn vị tên lửa phòng không đã đánh chặn và phá hủy sáu tên lửa Kh-101.
Động thái mới của Tổng thống Ukraine về vấn đề xung đột với Nga
Theo Fox News, sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Ukraine giảm bớt mục tiêu đánh bại Nga. Trong cuộc phỏng vấn với đài này vào ngày 20/11, ông Zelensky cho biết Ukraine có thể khôi phục Crimea qua ngoại giao thay vì vũ lực, một tuyên bố trái ngược với quan điểm trước đó của ông.
Sự thay đổi này phản ánh sự thay đổi chiến lược của ông Zelensky, khi ông nhận thấy thời gian để đánh bại Nga đang cạn kiệt. Tổng thống đắc cử Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột bằng một thỏa thuận hòa bình, điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn viện trợ quân sự từ Mỹ.
Thăm dò ý kiến cho thấy, hơn một nửa người dân Ukraine ủng hộ đàm phán chấm dứt chiến tranh. Kiev yêu cầu Nga rút quân khỏi các vùng lãnh thổ đã chiếm, bao gồm Crimea, để có thể nối lại hòa đàm.

Chiến sự Nga-Ukraine tối 14/11: Ông Donald Trump có động thái mới, giữ lời hứa hoà bình trong 24 giờ?
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gửi đặc phái viên để chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine
Theo nguồn tin của kênh truyền hình Fox News, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên để lãnh đạo các cuộc đàm phán giải quyết xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, ông Donald Trump đã nói rằng, ông sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai gần.
"Các bạn sẽ thấy một đặc phái viên cấp cao, một người có nhiều uy tín, người sẽ được giao nhiệm vụ tìm ra giải pháp, đạt được một giải pháp hòa bình", một nguồn tin ẩn danh nói với kênh Fox News, đồng thời nói thêm: "Các bạn sẽ thấy điều đó trong thời gian ngắn".
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump đã nhiều lần hứa sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine "trong vòng 24 giờ" nếu đắc cử. Ông không giải thích cách thức thực hiện điều này, mặc dù ông đã tuyên bố rằng ông có "mối quan hệ tuyệt vời" với ông Putin và với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình.
Ông Donald Trump sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin về chiến sự Nga-Ukraine. Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump đã nói chuyện với ông Zelensky vào tuần trước và nói với NBC News rằng, ông có thể sẽ nói chuyện với ông Putin trong tương lai gần. Nhà lãnh đạo Nga đã chúc mừng Tổng thống đắc cử về chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông vào thứ năm tuần trước, nói với các phóng viên rằng ông đã sẵn sàng nói chuyện với ông Trump.
Hiện, vẫn không rõ ông Donald Trump sẽ thúc đẩy loại giải pháp nào để giải quyết xung đột. Trong chiến dịch tranh cử, Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance đã gợi ý rằng, Nga và Ukraine có thể ký lệnh ngừng bắn và thiết lập một khu vực phi quân sự, với việc Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Theo một báo cáo của Wall Street Journal vào tuần trước, các cố vấn của ông Donald Trump đã ủng hộ một số phiên bản của kế hoạch này và đang khuyến khích Tổng thống đắc cử trình bày kế hoạch này với ông Zelensky và ông Putin.
Nga cảnh báo NATO đang “đùa với lửa”
Theo đài RT (Nga), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/11 (theo giờ địa phương), cho rằng các quốc gia phương Tây "tiếp tục đùa với lửa". Bà đang bình luận về những nỗ lực được báo cáo của London và Paris nhằm thuyết phục Washington cho phép Kiev bắn tên lửa do phương Tây cung cấp vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Tuần trước, tờ The Telegraph đưa tin rằng Anh và Pháp đang tìm kiếm sự cho phép của Hoa Kỳ để bật đèn xanh cho các cuộc tấn công liên quan đến tên lửa hành trình Storm Shadow/Scalp trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1.
"Nếu chế độ Kiev được phép thực hiện các cuộc tấn công nói trên, chúng tôi sẽ coi đó là hành động thực tế của NATO tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga", bà Zakharova nói.
Moscow đã tuyên bố rằng họ tin rằng các vũ khí tầm xa hơn do phương Tây cung cấp không thể được các lực lượng Ukraine tự vận hành. Các hệ thống vũ khí này đòi hỏi sự hiện diện của các chuyên gia NATO cũng như dữ liệu tình báo thu được thông qua các hệ thống vệ tinh của khối, các quan chức Nga đã nói như vậy nhiều lần.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov cũng đã tuyên bố rằng, Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy là dấu hiệu cho thấy NATO đang công khai tham gia vào cuộc xung đột. "Nếu những vũ khí như vậy được sử dụng, điều đó có nghĩa là không chỉ Ukraine mà cả các quốc gia NATO đang công khai chiến tranh với Nga", ông nói với Rossiya Segodnya vào thời điểm đó.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân của quốc gia này, trong đó coi các cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là lý do chính đáng để Nga đáp trả bằng hạt nhân.
Nga tuyên bố rằng nước này không có kế hoạch tấn công NATO hay bất kỳ quốc gia thành viên nào, nhưng cũng cảnh báo rằng sự tham gia ngày càng tăng của khối này vào cuộc xung đột có nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa NATO và Moscow.
Ukraine tiếp tục phản công ở 6 khu vực tại Kursk
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã thông báo rằng, Nhóm lực lượng Sever của quân đội Nga đã gây ra tổn thất nặng nề cho một số đội hình của lực lượng Kiev và đẩy lùi nhiều cuộc phản công của Ukraine theo hướng Kursk.
Trong bản tóm tắt hàng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lữ đoàn cơ giới số 21, 22, 41, 47, 61, 115; Lữ đoàn xe tăng số 17; Lữ đoàn tấn công đường không số 80, 82, 95; Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36; Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103, 112 và 129 của Ukraine đã chịu tổn thất gần các khu định cư Daryino, Leonidovo, Malaya Loknya, Nikolayevo-Daryino, Novoivanovka.
Báo cáo cho biết thêm rằng, sáu cuộc phản công của lực lượng Ukraine cũng đã bị đẩy lùi gần các khu định cư Aleksandria, Nizhniy Klin, Novaya Sorochina và Novoivanovka.
"Lực lượng Vũ trang Ukraine mất một xe tăng, hai xe chiến đấu bộ binh Bradley, hai xe bọc thép chở quân M113, ba xe chiến đấu bọc thép Humvee và một xe cơ giới", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Ngoài ra, Bộ này còn thông báo rằng, các cuộc không kích và pháo binh của Nga đã tấn công vào những vị trí tập trung quân của các Lữ đoàn cơ giới số 21, 22, 47 và 61; Lữ đoàn xe tăng số 17; Lữ đoàn tấn công đường không số 80, 82 và 95; Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 36 cũng như các Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 103, 112, 118, 129 và Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 17.
Các cuộc tập hợp quân bị nhắm mục tiêu ở gần các khu định cư Aleksandria, Bogdanovka, Viktorovka, Guyevo, Daryino, Zamostye, Zeleny Shlyakh, Kruglenkoye, Lebedevka, Leonidovo, Loknya, Malaya Loknya, Martrynovka, Makhnovka, Mirny, Nizhni Klin, Nikolayevo-Daryino, Nikolskiy, Novaya Sorochina, Novoivanovka, Plyokhovo, Sverdlikovo, Staraya Sorochina, Sudzha và Cherkasskoye Porechnoye.

Chiến sự Nga-Ukraine tối 8/11: Nga chưa vội kết thúc chiến sự; Ông Zelensky lên tiếng về hoà bình
Ông Trump chưa thể kết thúc chiến sự Nga-Ukraine ngay lập tức?
Giới chức Nga khẳng định họ không quan tâm lắm đến việc ai sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 này. Xung đột Ukraine do vậy sẽ không dễ dàng chấm dứt sớm dưới sức ép từ chính trị gia Mỹ Donald Trump, người vừa đánh bại đối thủ Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ứng viên Tổng thống đắc cử Donald Trump đã từ lâu tuyên bố sẽ chấm dứt mau chóng xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán. Nay ông đã thắng cử trong cuộc bầu cử Mỹ 2024, một câu hỏi được đặt ra là liệu xung đột Ukraine sẽ kết thúc nhanh chóng hay không.
Giới phân tích nhận định rằng Nga có thể thu được nhiều lợi ích hơn nếu tiếp tục duy trì xung đột này.
Cựu Tổng thống Trump chỉ trích những gói viện trợ mà Tổng thống Mỹ Biden gửi cho Ukraine. Ông Trump cũng nghi vấn hiệu quả các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Nga.
Phó tướng Vance trong liên danh tranh cử với ông Trump cũng đã vạch ra kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine một khi ông Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2, trong đó có nội dung thiết lập một “khu phi quân sự” trên các vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát.
Cả hai ông Trump và Vance đều đặt dấu hỏi về cam kết của Mỹ đối với khối quân sự NATO.
Những động thái này được cho là sẽ khiến Nga tự tin hơn trong cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Mặc dù việc ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ có thể giúp ích nhất định cho Nga, giới chuyên gia vẫn tin rằng quy mô xung đột vũ trang Ukraine là quá lớn nên Moscow và Kiev sẽ khó đạt được một quá trình đàm phán đơn giản. Theo họ, xung đột ở đây về thực chất là cuộc đối đầu trên diện rộng hơn giữa Nga và phương Tây.
Trong khi đó, các điều khoản mà Tổng thống đắc cử Donald Trump nhắm tới để trung gian hòa giải cho hòa bình tại Ukraine hiện nay là khá chung chung và không rõ ràng, nên người ta cho rằng ông Trump sẽ khó lòng thay đổi được chính sách của Nga đối với Ukraine.
Tổng thống Putin: 15.000 lính Ukraine mắc kẹt, Kiev thiệt hại kỷ lục ở Kursk
Hãng thông tấn TASS đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khoảng 15.000 quân Ukraine đã bị quân đội Nga chặn lại ở hai khu vực theo hướng Kupyansk.
"Tôi không biết quân đội của chúng ta đã thông báo hay chưa, nhưng có hai khu vực theo hướng Kupyansk nơi quân đội Kiev bị chặn. Một khu vực thực tế đang bị bao vây. Khoảng 10.000 quân Ukraine bị chặn trên bờ một hồ chứa nước. Ở một khu vực khác gần Kupyansk, khoảng 5.000 quân bị chặn", Tổng thống Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận Valdai hôm thứ Năm.
"Họ đã bị bao vây và đang cố gắng tạo ra các cầu phao để di tản ít nhất một số quân lính, nhưng họ đã bị pháo binh của chúng tôi tiêu diệt ngay lập tức", ông nói thêm.
"Ngoài ra còn có hai hoặc ba khu vực mà Kiev bị chặn trong khu vực chịu trách nhiệm của nhóm chiến đấu Trung tâm", ông nói. "Chắc chắn có hai khu vực tại thời điểm này, và có thể khu vực thứ ba sẽ sớm xuất hiện".
"Quân đội Ukraine chắc chắn nhận thức được những diễn biến này, nhưng các quyết định được đưa ra ở cấp độ chính trị không nhằm mục đích mang lại lợi ích cho nhà nước Ukraine, chứ chưa nói đến người dân Ukraine", nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Mặt khác, theo Tổng thống Putin, Kiev cũng mất khoảng hơn 30.000 quân ở Vùng Kursk của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính thiệt hại của Ukraine trong cuộc tấn công vào Vùng biên giới Kursk của Nga là hơn 30.000 quân.
"Lực lượng vũ trang Nga đã vượt biên vào Vùng Kursk, nhưng tổn thất của họ là rất lớn. Trong hơn ba tháng giao tranh, họ đã mất hơn 30.000 quân - nhiều hơn tổng số tổn thất của Kiev trong cả năm 2023", Tổng thống phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận Valdai hôm thứ Năm.
Cùng lúc đó, Ukraine mất ít xe tăng hơn - "khoảng 200 chiếc, so với 240 chiếc bị mất vào năm ngoái".
"Họ chỉ đơn giản là có ít xe tăng hơn, nên tổn thất của họ cũng giảm. Họ chỉ đơn giản là sử dụng chúng ít thường xuyên hơn", Tổng thống Putin giải thích.
Tổng thống Ukraine lên tiếng về vấn đề hoà bình với Nga
Theo Kyiv Independent ngày 7/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Budapest, Hungary, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh châu Âu phải thể hiện sự đoàn kết và áp dụng cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" để đối mặt với sự ảnh hưởng từ Nga và các đồng minh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tập trung tại Budapest trong bối cảnh ngày càng có nhiều vấn đề đặt ra về chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự ủng hộ của đồng minh dành cho Ukraine và an ninh châu Âu.
Người ta lo ngại rằng Tổng thống mới của Mỹ có thể giảm sự ủng hộ dành cho Kiev và tìm kiếm một thỏa thuận với Điện Kremlin bằng cách đánh đổi sự nhượng bộ của Ukraine.
Nhắc lại cuộc điện đàm gần đây với ông Trump, Tổng thống Zelensky thừa nhận sự không chắc chắn về các hành động trong tương lai của Mỹ nhưng bày tỏ hy vọng về một "nước Mỹ mạnh mẽ hơn" mà châu Âu cần. "Không nên có ảo tưởng rằng có thể mua được một nền hòa bình công bằng bằng cách tỏ ra yếu đuối. Hòa bình chỉ là phần thưởng cho kẻ mạnh", ông Zelensky nói. Giới chức Ukraine đã tìm cách đưa ra góc nhìn tích cực về chiến thắng của ông Trump, bày tỏ hy vọng về một sức mạnh mới trong quá trình ra quyết định của Washington.
Nhà lãnh đạo Ukraine một lần nữa kêu gọi các đối tác châu Âu ủng hộ công thức hòa bình 10 điểm của Kiev nhằm chấm dứt chiến tranh, nhấn mạnh an ninh hạt nhân, năng lượng, lương thực và thả tù nhân là những bước đi quan trọng.
"Ukraine rất biết ơn mọi sự hỗ trợ từ các đối tác và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi ý tưởng mang tính xây dựng để đạt được nền hòa bình công bằng cho đất nước chúng tôi. Nhưng chính Ukraine phải quyết định điều gì nên và không nên đưa vào chương trình nghị sự", Tổng thống Zelensky bày tỏ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump tuyên bố rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng "24 giờ". Điều này được ông ám chỉ một lần nữa trong bài phát biểu chiến thắng sau bầu cử ngày 6/11, khi nói với những người ủng hộ rằng "Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh".
Tờ Wall Street Journal nhận định kế hoạch này có thể bao gồm việc hoãn việc Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ít nhất 20 năm, “đóng băng” chiến tranh trên các mặt trận hiện tại và thiết lập một khu vực phi quân sự ở phía Đông.

Nga 'nuốt chửng' hai khu vực lớn của Ukraine; Israel và Lebanon sắp tiến tới hoà bình?
Nga chiếm thêm hai khu vực lớn ở Donetsk và Kharkov
Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong ngày 30/10, lực lượng Nga đã giải phóng hai khu vực tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Kharkov trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga thông báo vào thứ Tư.
Đơn vị "Trung tâm" của Nga đã chiếm được khu định cư Selidovo tại Donetsk, trong khi đơn vị "Tây" giải phóng khu vực Kruglyakovka ở Kharkov.
Trong khu vực Kharkov, đơn vị "Bắc" của Nga đã gây thiệt hại khoảng 70 quân nhân Ukraine và phá hủy ba khẩu pháo của địch. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công tập trung vào lực lượng của các lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ và biên phòng Ukraine gần các khu định cư như Shestakovo và Goptovka.
Đơn vị "Tây" của Nga cũng báo cáo đã gây tổn thất cho Ukraine với khoảng 410 quân nhân tại các khu vực như Petropavlovka và Berestovoye, phá hủy các kho đạn và thiết bị quân sự quan trọng.
Tại mặt trận Donetsk, đơn vị "Nam" và "Trung tâm" của Nga cũng đã tiêu diệt hơn 1.000 lính Ukraine, phá hủy nhiều xe thiết giáp, pháo và các kho đạn của Ukraine.
Nga tiến hành các cuộc tấn công vào hạ tầng sân bay, kho dầu và kho đạn dược của Ukraine. Hệ thống phòng không Nga đã phá hủy 67 UAV, một rocket HIMARS và một quả bom thông minh của Pháp trong ngày.
Từ khi bắt đầu chiến dịch, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy hàng loạt thiết bị quân sự của Ukraine, bao gồm 647 máy bay, 283 trực thăng, 34.850 UAV và 18.911 xe bọc thép, theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga.
UAV Ukraine ồ ạt tấn công, một sân bay Nga bị tê liệt
Theo Kyiv Post đưa tin, sáng 30/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công bằng UAV vào nhiều khu vực của Nga, bao gồm Kursk, Rostov, Smolensk, Bryansk, và Orel.
Tại Kursk, Thống đốc Alexei Smirnov cho biết năm UAV đã bị bắn hạ. Mảnh vỡ rơi xuống thị trấn Zheleznogorsk, gây cháy nhẹ trên mái một tòa nhà và một ít cỏ khô xung quanh nhưng không có thương vong. Kênh Telegram Baza cho hay, một UAV rơi gần bản sao tháp Eiffel trong công viên, gây cháy và thiệt hại một số tòa nhà xung quanh. Một số thiệt hại khác chưa xác nhận tại một tòa nhà dân cư và sân chơi.
Tại Rostov, Thống đốc Vasily Golubev báo cáo, 7 chiếc UAV đã bị tiêu diệt mà không gây thương tích hay thiệt hại. Smirnov cũng xác nhận, bốn UAV bị chặn ở Smolensk, ba ở Bryansk và ba ở Orel và không có thiệt hại nào đáng kể.
Bộ Quốc phòng Nga tổng kết, 23 UAV đã bị bắn hạ trong đợt tấn công này. Để đảm bảo an toàn, sân bay Sheremetyevo tại Moscow đã tạm dừng hoạt động từ 04:37 đến 05:20 sáng. Không có UAV nào ghi nhận ở Moscow.
Cùng đêm, Nga tiến hành tấn công UAV vào Kyiv, làm chín người bị thương, gây cháy tại một tòa nhà dân cư và hư hại trường mẫu giáo, theo Cục Quản lý Quân sự Thành phố Kyiv (KMVA). Cảnh báo không kích kéo dài hơn hai giờ với nhiều tiếng nổ và ánh sáng trên bầu trời.
Theo KMVA, đây là cuộc tấn công thứ 19 của Nga vào Kyiv trong tháng này, với chiến thuật tấn công từ nhiều hướng và độ cao khác nhau để áp đảo hệ thống phòng không.
Lebanon và Israel kỳ vọng đạt thỏa thuận ngừng bắn trong vài ngày tới
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati vừa bày tỏ hy vọng rằng một thỏa thuận ngừng bắn với Israel có thể được công bố trong vài ngày tới sau khi truyền thông Israel tiết lộ một bản dự thảo thỏa thuận đề xuất ngừng bắn 60 ngày.
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati trả lời phỏng vấn ở Beirut hôm 15/10. Ảnh: AFP
Theo nguồn tin từ Reuters, Israel sẽ rút quân khỏi Lebanon trong tuần đầu tiên của lệnh ngừng bắn này.
Ông Mikati cho biết, ban đầu không nghĩ thỏa thuận có thể đạt được trước bầu cử Tổng thống Mỹ vào thứ Ba. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, Amos Hochstein vào thứ Tư, ông cho biết cảm thấy lạc quan hơn. "Hochstein nói rằng chúng tôi có thể đạt thỏa thuận trước ngày 5/11", ông Mikati chia sẻ với đài Al Jadeed của Lebanon, đồng thời cho biết hai bên đang làm tất cả để có thể có một lệnh ngừng bắn trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã giao tranh trong năm qua, đặc biệt căng thẳng kể từ khi Hezbollah tấn công các mục tiêu Israel nhằm hỗ trợ Hamas tại Gaza. Xung đột tại Lebanon leo thang mạnh mẽ trong năm tuần qua với phần lớn trong tổng số 2.800 người thiệt mạng trong năm qua xảy ra trong giai đoạn này, theo Bộ Y tế Lebanon.
Về phía Hezbollah, lãnh đạo mới của nhóm là Naim Qassem cũng cho biết sẵn sàng ngừng bắn nếu Israel chấp nhận các điều kiện nhất định, nhưng cho biết Israel chưa đồng ý với bất kỳ đề xuất nào có thể thảo luận. Đây là phát biểu đầu tiên của ông Qassem kể từ khi được bầu làm tổng thư ký, sau khi lãnh đạo lâu năm của Hezbollah, ông Hassan Nasrallah bị Israel ám sát.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba
Ngày 30/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính mà Washington áp đặt đối với Cuba trong nhiều năm qua với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 1 phiếu trắng.
Trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từng nhiều lần yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba. Năm 2023, nghị quyết yêu cầu chấm dứt chính sách này của Mỹ cũng đã giành được ủng hộ với đa số áp đảo.
Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hơn 30 tham luận của đại diện các quốc gia và nhóm quốc tế khác nhau đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại quốc gia Caribe này, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho rằng, cuộc phong tỏa chống lại Cuba là một cuộc chiến kinh tế, tài chính và thương mại và các chính sách của Mỹ đã gây ra sự đau khổ cho người dân Cuba nhằm buộc chính phủ quốc đảo Caribe này phải thay đổi. Trong khi đó, đại diện phái đoàn Cuba tại Liên Hợp Quốc cũng đưa ra tuyên bố nêu rõ quan điểm của La Habana đối với các lệnh cấm vận của Washington.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Cuba, từ tháng 3-2023 đến 2-2024, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã gây ra thiệt hại vật chất ước tính trên 5 tỉ USD đối với nước này, nâng tổng số thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ USD trong hơn 6 thập kỷ qua.

Điểm tin nóng thế giới 22/10: Ukraine ‘choáng váng' tại Kharkov; sắp hoà bình tại Trung Đông?
Nga phá huỷ vũ khí NATO, đẩy mạnh tấn công khắp các mặt trận
Theo hãng thông tấn TASS, trong ngày 21/10, Nga đã tiến hành các đợt không kích mới nhằm vào cơ sở năng lượng, sân bay quân sự và xưởng sản xuất UAV của Ukraine trong vòng 24 giờ qua. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công này đã làm gián đoạn hoạt động của quân đội Ukraine, đồng thời phá hủy nhiều vị trí trọng yếu, bao gồm khu vực tập trung lính đánh thuê nước ngoài và kho vũ khí tại 127 địa điểm.
Tại Kharkov, nhóm tác chiến Phương Bắc của Nga đã tiêu diệt 55 binh sĩ Ukraine, phá hủy hai xe cơ giới và một lựu pháo D-30 cỡ 122mm. Lực lượng này đã tấn công vào các lữ đoàn bộ binh cơ giới và phòng thủ lãnh thổ của Ukraine gần các địa phương Maliye Prokhody, Verkhnyaya Pisarevka và Volchansk.
Cùng với đó, nhóm tác chiến Phương Tây gây thiệt hại nặng cho đối phương với 350 binh sĩ Ukraine tử trận. Nga cũng phá hủy ba kho đạn và một số khí tài, bao gồm lựu pháo M777 và M119 của Mỹ.
Trong các trận chiến căng thẳng, nhóm tác chiến Phương Nam đã đẩy lùi hai cuộc phản công và tiêu diệt 720 quân Ukraine. Các cuộc tấn công diễn ra tại nhiều địa phương như Seversk, Ivano-Daryevka và Kurakhovo khiến các đơn vị Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới, bộ binh và đổ bộ đường không chịu thiệt hại nặng. Nga cũng cho biết, đã phá hủy thêm hệ thống pháo Krab của Ba Lan và FH70 của Anh.
Nhóm tác chiến Trung Tâm đã loại khỏi vòng chiến hơn 430 binh sĩ Ukraine, phá hủy nhiều trang thiết bị, bao gồm hai xe chiến đấu Bradley và một xe bọc thép M1117 của Mỹ. Ngoài ra, lực lượng này còn đẩy lùi 14 cuộc phản công từ các đơn vị tấn công của Ukraine.
Nhóm Phương Đông cũng cải thiện vị trí phòng thủ và tiêu diệt 90 binh sĩ Ukraine gần Rovnopol và Dobrovolye. Ukraine mất thêm hai hệ thống pháo tự hành Bogdana và Krab.
Như vậy, các phương diện quân của Nga đã tiêu diệt gần 1700 sinh lực của quân Ukraine, đồng thời cũng phá huỷ nhiều khí tài quân sự mà Ukraine mới được viện trợ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga cho biết đã tiêu diệt 646 máy bay, 283 trực thăng, hơn 34.000 UAV, 18.743 xe bọc thép và gần 16.500 khẩu pháo của Ukraine.
Binh sĩ Ukraine ở vùng Kursk của Nga. Ảnh: Cepa
Israel nêu điều kiện với Mỹ về chấm dứt chiến tranh tại Lebanon
Theo Reuters, ngày 21/10, Israel đã gửi cho Mỹ một tài liệu trong đó liệt kê các điều kiện của nước này nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến tại Lebanon. Thông tin này được xác nhận bởi hai quan chức Mỹ và hai quan chức Israel.
Một trong những yêu cầu chủ chốt của Israel là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phải được phép thực hiện các biện pháp "kiểm soát chủ động" nhằm đảm bảo Hezbollah không thể tái trang bị vũ khí hoặc tái xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới giữa hai nước. Điều này cho thấy Israel muốn duy trì sự hiện diện quân sự và giám sát thường xuyên tại khu vực nhạy cảm này.
Ngoài ra, Israel còn yêu cầu quyền tự do hoạt động cho lực lượng không quân trong không phận Lebanon, đảm bảo rằng các hoạt động không kích và do thám sẽ không bị hạn chế.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng khó có khả năng Lebanon và cộng đồng quốc tế sẽ chấp nhận các điều kiện này. Các yêu cầu của Israel được cho là quá nghiêm ngặt và có thể làm phức tạp thêm nỗ lực hòa giải trong khu vực vốn đã bất ổn.
Đến thời điểm hiện tại, Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này. Cùng lúc, các đại sứ quán của Israel và Lebanon tại Washington vẫn giữ im lặng trước những câu hỏi từ giới truyền thông.
Tờ Reuters cũng cho hay, ông Amos Hochstein, đặc phái viên của Nhà Trắng dự kiến sẽ tới Beirut vào thứ Hai để thảo luận các biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột. Sứ mệnh của Hochstein được xem là nỗ lực quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng giữa các bên và tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng với điều kiện cứng rắn từ phía Israel, tiến trình này hứa hẹn gặp không ít trở ngại.
Bà Harris giành lợi thế trước ông Trump trong vấn đề kinh tế
Theo The Guardian, một cuộc khảo sát do Associated Press-NORC Center for Public Affairs Research công bố ngày 21/10 đã chỉ ra rằng Phó Tổng thống Kamala Harris được đánh giá cao hơn cựu Tổng thống Donald Trump, mặc dù chưa thể xác định liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không.
Theo khảo sát, bà Harris nhận được sự ủng hộ tích cực hơn từ các cử tri độc lập, nhóm cử tri có thể quyết định kết quả tại bảy bang chiến địa. Đáng chú ý, ông Trump không còn giữ được lợi thế mà ông từng có trong việc xử lý các vấn đề kinh tế, dù cựu Tổng thống đã xác định đây là trung tâm trong chiến dịch của mình, với các cáo buộc rằng chính sách của đảng Dân chủ đã đẩy giá cả lên cao. Đây là một trong hai thông điệp chính của ông Trump bên cạnh lời hứa về việc siết chặt kiểm soát đối với người di cư.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng ý kiến của cử tri đã đăng ký không có nhiều thay đổi so với tháng trước. Bà Harris và người đồng hành Tim Walz được nhìn nhận tích cực hơn so với ông Trump và JD Vance. Phần lớn cử tri đảng Dân chủ có cái nhìn tích cực về bà Harris và Walz, trong khi cử tri đảng Cộng hòa chủ yếu ủng hộ ông Trump và Vance. Các cử tri độc lập có quan điểm chia rẽ về bà Harris, nhưng hầu hết đều có cái nhìn tiêu cực về ông Trump và họ cũng có ý kiến tương tự về hai ứng cử viên Phó Tổng thống.
Khi nói đến các vấn đề kinh tế, 40% cử tri đã đăng ký bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của bà Harris trong việc xử lý chi phí thực phẩm và xăng dầu, so với 42% dành cho ông Trump. Sáu phần trăm cử tri tin tưởng cả hai ứng cử viên như nhau, trong khi 12% không tin tưởng vào ai. Về chi phí nhà ở, bà Harris nhận được sự ủng hộ cao hơn với 42% so với 37% dành cho ông Trump, trong khi 7% tin tưởng cả hai và 14% không tin tưởng vào ai.