Quảng Bình: Nâng cao vai trò đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên
Tại nhiều bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình ngày càng có nhiều Đảng viên trẻ, đây là những nhân tố tích cực, điển hình giúp đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Từ nhiều năm qua, mô hình kinh tế của gia đình chị Hồ Thị Thanh ở bản Nghĩa, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình trở thành lớp hướng dẫn làm kinh tế cho bà con quanh bản. Chị hướng dẫn bà con chăn nuôi tập trung, chỉ bảo cho mọi người cách làm rừng. Đảng viên Hồ Thị Thanh cũng trở thành người đồng hành, hướng dẫn cho nhân dân, quần chúng người Bru Vân Kiều tại bản mình có giải pháp tốt hơn trong phát triển kinh tế gia đình.
Chị Hồ Thị Thanh– Bản Nghĩa, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình: “Là người Đảng viên, mình phải tuyên truyền vận động hỗ trợ họ, mục đích là để tuyên truyền, vận động để cho quần chúng vừa là người dân ở trong thôn rồi lại nhân rộng ra các bản khác. Từ năm 2005, tôi đã có mô hình chăn nuôi lợn và để phát triển kinh tế, làm rừng, thì được bà con nhân dân một số cũng học hỏi được”
Bà Hồ Thị Thoi - Bí thư Đảng uỷ xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình: "Trước đây thì tỷ lệ hộ nghèo là 100%, đến nhiệm kỳ 2015 – 2020 là 15%, đến bây giờ, nhiệm kỳ chuẩn bị 2025 – 2030 xuống còn 53%, đây là một nỗ lực lớn của cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân để đạt được kết quả như vậy"
![]() |
Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình ngày càng có nhiều Đảng viên trẻ |
Ở Bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hồ Nam được người dân rất tín nhiệm. Những năm qua, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với bản làng, ông luôn gương mẫu tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong bản chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, và Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết, xóa đói, giảm nghèo. Hiện bà con trong bản đã biết chăn nuôi làm lúa nước, trồng rừng, bớt phụ thuộc dần vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước.
Ông Hồ Nam - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình: “Khi mà chúng tôi kết nạp những Đảng viên có năng lực thì nó thay đổi nhận thức cho các Đảng viên trong chi bộ cũng như đưa ra phát triển kinh tế cho địa bàn”.
Ông Hà Văn Ninh – Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình: “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên, trong thời gian tới thì chúng tôi tiếp tục tăng cường việc phát triển Đảng viên từ nguồn tại chỗ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng và xây dựng củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở vùng này”
Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3% dân số tỉnh Quảng Bình, bình quân 5 năm tỷ lệ kế nạp Đảng viên của tỉnh hơn 2,1%, tuy nhiên kết nạp Đảng viên trong đồng bào dân tộc đạt 3,7%. Và ở các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương này các Đảng viên trẻ không chỉ tiên phong thoát nghèo mà còn là tấm gương để đồng bào học tập. Đây là những nhân tố tích cực, điển hình giúp đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Video 25/02/2025 21:37