
Đà Nẵng: Toàn cảnh bến du thuyền trăm tỷ bỏ hoang bên bờ sông Hàn
Dự án nhà hàng và bến du thuyền do Công ty Trách nhiệm hữu hạn I.V.C đầu tư xây dựng với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng, dù đã hoàn thiện, nhưng bị bỏ hoang suốt 7 năm qua. Hiện tại, nhiều hạng mục của dự án đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nặng.
Công trình nằm đối diện với toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng, phía đông giáp sông Hàn, phía tây giáp đường Bạch Đằng, phía nam nhìn ra cầu quay sông Hàn, phía bắc giáp với cảng sông Hàn - nơi neo đậu tàu du lịch.
Bến du thuyền được xây dựng trên quy mô hơn 4.000m2 với diện tích đất 2.100m2, diện tích mặt nước 1.900m2, gồm có ba tầng, thiết kế nhiều tiểu cảnh cây xanh. Bên trong bến du thuyền chia thành nhiều phòng với các công năng khác nhau, trong đó một phòng được bài trí dạng nhà hàng, quầy bar nhỏ.
Đây là một trong những công trình được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn kiến trúc nổi bật nhất TP. Đà Nẵng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vui chơi và thưởng lãm.
Hiện tại, dự án chỉ có một vài bảo vệ trông coi tài sản. Các lối vào bên trong công trình, đường lên tầng 2 nhà hàng và bến du thuyền đều được rào chắn bằng lưới B40 và thép gai. Hệ thống cổng và cửa ở tầng trệt khóa chặt. Một số nơi công trình còn dán biển cảnh báo không được tập trung tại khu vực cấm.
Bên trong tầng 1 của công trình vắng lặng, các phòng đã hoàn thiện trần nhà và ốp gỗ, nhưng chưa bài trí nội thất. Nhiều bàn ghế mua về chất thành đống, ngổn ngang, lộn xộn.
Công trình được hoàn thành vào năm 2017, tuy nhiên, vướng án và nằm trong danh sách các dự án, nhà công sản bị điều tra. Vì vậy, dự án không thể triển khai theo kế hoạch, bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Do không được bảo trì và nâng cấp trong thời gian dài, nhiều hạng mục của nhà hàng và bến du thuyền đã rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Gạch ốp tường và lát nền tại nhiều khu vực bị bong tróc. Hệ thống dây điện âm tường lộ ra ngoài, các rãnh thoát nước trở thành nơi tích tụ rác thải. Cây xanh trong khuôn viên không được chăm sóc, nhiều cây đã chết khô. Các bức tường trống chi chít hình vẽ bậy, khiến công trình bạc tỷ thêm hoang tàn.
Được biết, năm 2015, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định cho Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C thuê đất để xây dựng dự án nhà hàng và bến du thuyền tại khu vực phía nam cảng sông Hàn. Theo quyết định, thời hạn sử dụng đất kéo dài 50 năm và hình thức thuê đất là trả tiền thuê hằng năm.
Năm 2018, TP. Đà Nẵng từng xem xét thu hồi dự án và thực hiện bồi thường, nhằm chuyển đổi công năng sang mục đích phục vụ cộng đồng. Đến đầu năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo làm việc với chủ đầu tư, vận động thu hồi dự án và nghiên cứu phương án chuyển đổi công năng.
Cụ thể, bến du thuyền có thể được kết nối với di tích Thành Điện Hải và khai thác mục đích công cộng, hoặc bố trí làm trung tâm thông tin du lịch. Một phương án khác phá dỡ để tạo không gian thông thoáng về phía Tây sông Hàn. Tuy nhiên, cho đến nay, những kế hoạch này vẫn chưa được triển khai.
Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ để thành phố xem xét, quyết định về vướng mắc tại dự án Nhà hàng và bến du thuyền phía Nam cảng sông Hàn. Theo đó, UBND thành phố lưu ý cần làm rõ, cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan về chủ trương quy hoạch tại khu vực; nêu định hướng, phương án đề xuất xử lý, giá trị bồi thường dự án và đề xuất hướng giải quyết các đề nghị của nhà đầu tư.

Chống tham nhũng và phát triển kinh tế: Song hành, không ngáng chân nhau
Xin kính chào quý vị khán thính giả đã đến với chương trình Podcast của Báo Công Thương, với những bài viết, bài báo được chúng tôi tổng hợp, tìm hiểu và được thể hiện lại qua giọng đọc của BTV Thanh Thảo.
Thưa quý vị! Bài báo với nhan đề “Chống tham nhũng và phát triển kinh tế: Song hành, không ngáng chân nhau” được đăng tải trên Báo điện tử Công Thương tại trang web congthuong.vn sẽ được chúng tôi chia sẻ trong mục Podcast - Bút chiến 35 ngày hôm nay. Kính mời quý vị cùng lắng nghe.
https://congthuong.vn/chong-tham-nhung-va-phat-trien-kinh-te-song-hanh-khong-ngang-chan-nhau-341334.html
Chống tham nhũng và phát triển kinh tế: Song hành, không ngáng chân nhau
Bài viết: Phòng, chống tham nhũng phải phục vụ phát triển KT-XH, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế xã hội.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế-xã hội.
Đó là yêu cầu mà đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặt ra tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo ngày 14/8/2024.
Chống tham nhũng, tiêu cực song hành cùng phát triển kinh tế-xã hội đã là thực tiễn diễn ra tại Việt Nam trong suốt 40 năm đổi mới, đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ XIII (đầu năm 2021) đến nay.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 8/2024 đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương (gồm cả 2 phó thủ tướng và nguyên phó thủ tướng, 3 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 7 bí thư và nguyên bí thư tỉnh ủy, thành ủy).
Đã có 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng) bị xử lý hình sự; 32 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị, 1 ủy viên Ban Bí thư và 10 ủy viên Trung ương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án cùng 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 475 vụ án cùng 1.094 bị can về các tội tham nhũng.
Việc quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực đã không tác động xấu tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này được minh chứng qua các con số thống kê.
Trong các năm 2021-2023, bất chấp đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột vũ trang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm tích cực so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Năm 2021, GDP nước ta đạt mức tăng trưởng 2,58%.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% (mức cao nhất trong 10 năm qua). Năm 2023, GDP năm 2023 đạt mức tăng 5,05%. GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%...
Đảng và Nhà nước ta kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bởi đây chính là yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quan điểm của Đảng ta, tham nhũng, tiêu cực và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Tham nhũng làm thất thoát nhiều nguồn lực vào tay cá nhân, nhóm lợi ích mà lẽ ra là để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích chung; làm méo mó thị trường và biến dạng thể chế, chính sách kinh tế, nguyên tắc pháp luật, bóp méo cơ cấu chi tiêu của Chính phủ, làm suy yếu hiệu quả của các chương trình phúc lợi…
Điều nguy hại hơn cả và không thể đo đếm được cụ thể là tình trạng tham nhũng, tiêu cực làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm suy yếu sự gắn bó mật thiết giữa người dân với chế độ.
Trước đây và cả hiện nay vẫn có người tìm cách biện minh cho sự tham nhũng, coi đây là một dạng “dầu bôi trơn” để bộ máy công hoạt động trơn tru hơn, cơ chế kinh tế - tài chính trở nên “uyển chuyển” hơn, các doanh nghiệp “dễ thở” hơn và cuối cùng là nền kinh tế của đất nước sẽ phát triển hơn.
Cũng có những ý kiến băn khoăn về “tác dụng ngược” của việc kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là “triệt tiêu động lực” của sự năng động, sáng tạo, khiến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nảy sinh tâm lý e dè, sợ mắc sai phạm khi thực thi nhiệm vụ nên tìm cách trì hoãn, né tránh, dẫn đến kết cục là “làm chậm” sự phát triển của đất nước.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã nghiêm khắc phê phán tư tưởng “bàn lùi,” sợ rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ “ngáng chân” sự phát triển kinh tế.
Chính việc làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đặc biệt, điều này góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh.”
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
Tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Và một mệnh đề đi kèm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đạt được yêu cầu phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, tăng tốc về đích các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.
Kính thưa quý vị, chương trình Podcast - Bút Chiến 35 của Báo Công Thương đến đây xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và lắng nghe, rất mong quý vị sẽ luôn đồng hành cùng chương trình của chúng tôi. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong những bài Podcast tiếp theo.