Bắc Giang hỗ trợ tối đa hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cơ chế - Chính sách Thứ hai, 24/07/2023 - 17:16
Phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số giúp giữ gìn văn hóa đất nước Bắc Giang: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Giải pháp phù hợp với thực tế
Bắc Giang là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao; 209 xã, phường thị trấn, trong đó có 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 66 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo.
Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bắc Giang đã có sự thay đổi rõ nét |
Số liệu thống kê cho thấy: Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1%, có những xã giảm nghèo đến hơn 10%.
Với tinh thần "Không để ai ở lại phía sau", thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, bám sát các nghị quyết, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương cho phù hợp với thực tế của địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, giảm hơn 3% tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm, tỉnh Bắc Giang đã dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 10 dự án; trong đó có hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ 884 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, hộ người dân tộc Kinh nghèo sống tại vùng đặc biệt khó khăn cải tạo nhà ở...
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, thực hiện dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, riêng trong năm 2022, các địa phương tỉnh Bắc Giang thực hiện hỗ trợ 285 hộ cải tạo, xây mới nhà ở với tổng số tiền hơn 11,3 tỷ đồng.
Ghi nhận tại huyện Sơn Động, để hỗ trợ 79 hộ dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo tại 16 xã, thôn đặc biệt khó khăn làm nhà ở, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện vận động các nhà hảo tâm ủng hộ mỗi gia đình từ 20-30 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ các hộ lập hồ sơ từ sớm, kịp thời giải ngân vốn vay cho các hộ có nhu cầu.
Ông Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang - cho biết: Các chính sách được triển khai như làn gió mới đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo động lực để các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên so với các địa bàn khác, đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa.
Nỗ lực giảm 2,5%/năm tỷ lệ hộ nghèo
Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang 3 năm 2024-2026 vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành, đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân 2,5%/năm.
Hoàn thành 30km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 2 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 91 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 1 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số…
Để hoàn thành mục tiêu, theo kế hoạch, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít và ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn…
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cấp, ngành tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần theo Chương trình, kế hoạch. Cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình bám sát sự chỉ đạo, điều hành của ngành dọc cấp trên; thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, nắm chắc tình hình thực tiễn, kịp thời tham mưu giải quyết vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm trong tổ chức thực hiện.
Năm 2023, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm... |