Đắk Nông: Từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Cơ chế - Chính sách Thứ bảy, 02/07/2022 - 21:24
Đắk Lắk: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ thông tin |
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng nâng cao
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, chính sách của Trung ương như: chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; dự án nâng cao năng lực giảm nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn đặc biệt khó khăn; các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất; các chính sách an sinh xã hội; các chương trình tín dụng vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo; các dự án, mô hình về khuyến nông, khuyến lâm; chương trình định canh, định cư; các chương trình mục tiêu quốc gia: về nước sạch và vệ sinh môi trường, đưa thông tin về cơ sở, về việc làm và dạy nghề;…..
Cây mắc ca giúp đồng bào dân tộc tại Đắk Nông phát triển kinh tế. |
Tỉnh Đắk Nông đã chủ động ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: chương trình hành động công tác dân tộc thiểu số; công tác cán bộ dân tộc thiểu số; chính sách đầu tư phát triển bền vững bon, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đề án về nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số; đề án bảo tồn và phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’Nông; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh;…
Bằng nhiều chính sách, các giải pháp, bằng sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ cộng đồng và từ bản thân các gia đình hộ nghèo, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được rất nhiều kết quả. Đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện và nâng cao, trong phát triển kinh tế, đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã có bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, trong đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ biết áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 3%, trong đó, tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên 4%/năm và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên 5%/năm.
Đồng thời, chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số được tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được mở rộng và nâng cao. Hệ thống y tế tỉnh đến cơ sở được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ cả về mạng lưới y tế, nguồn nhân lực cũng như công tác bảo đảm và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thiết chế văn hóa cơ sở và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát triển. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số những năm qua luôn ổn định và giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế như cơ sở hạ tầng một số nơi xuống cấp nhưng chưa có đủ nguồn lực để cải tạo, sửa chữa; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn; tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra; trang thiết bị y tế một số vùng đồng bào dân tộc còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về ý nghĩa của các chủ trương, đường lối của Đảng, chương trình, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; nâng cao ý thức tự lực, tự cường trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận trong đồng bào vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động vươn lên; dẫn đến người dân chưa nắm bắt được yêu cầu, chưa hiểu rõ mục đích và nội dung chính sách, nên một số nơi gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.
Đáng lưu ý, số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, số hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai còn chậm, nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Cùng với đó, một số vấn đề còn tồn đọng như thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết hiệu quả; tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm; tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là tình trạng phá rừng làm nương rẫy trái phép; đào tạo nghề nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào thoát nghèo.
Một số giải pháp về chính sách dân tộc thiểu số
Theo Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông, địa phương đã có các giải pháp về chính sách dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số: Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư phát triển các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bản; đảm bảo điện thắp sáng, các công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ; gắn với sắp xếp, ổn định dân cư thuận lợi cho phát triển; bên cạnh đó, phải có kế hoạch, giải pháp hạn chế tình trạng di cư tự do.
Cộng đồng người M’nông (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) tích cực đóng góp vào công tác bảo vệ rừng. |
Tập trung phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo đồng bào vùng dân tộc thiểu số: Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát. Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Triển khai có hiệu quả các chính sách chuyển đổi nghề, tạo việc làm để ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình đào tạo nghề và xuất khẩu lao động là người dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt công tác khuyến nông, lâm, ngư nghiệp và hỗ trợ dịch vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số: Làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo là người dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số: Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số gắn với di tích lịch sử ở từng vùng, từng địa phương; đầu tư, sửa chữa các di tích tương xứng với giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc. Khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống để phục vụ nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo công ăn việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị: Tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở địa bàn dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng dân tộc thiểu số theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; vận động quần chúng nhân dân vùng dân tộc thiểu số chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.