Để thành phố Buôn Ma Thuột phát huy vai trò trung tâm Tây Nguyên
Cơ chế - Chính sách Thứ sáu, 03/06/2022 - 10:53
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ mới đây nêu rõ, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia. Có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không thuận tiện, kết nối các đô thị lớn vùng Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa, Đà Lạt) với các trung tâm phát triển, cảng biển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và khu vực tam giác Lào – Việt Nam – Campuchia.
Thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò đô thị trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên |
Thành phố Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên gắn với nhiều di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là vùng đất cao nguyên quy tụ 47 dân tộc anh em, với nền văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Để tạo điều kiện cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 với các nhóm giải pháp, chính sách phân cấp mạnh hơn cho thành phố và cho phép thành phố thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra.
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị khóa XII đã chỉ ra, mặc dù thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được một số mục tiêu đề ra và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên với mức tăng trưởng tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách tăng khá dẫn đến sự gia tăng quy mô nền kinh tế; trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt các tiêu chí đặt ra; lĩnh vực văn hóa và xã hội có bước phát triển khá, trong đó các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục và thể thao từng bước được nâng lên…
Song thành phố Buôn Ma Thuột vẫn chưa thực sự đóng vai trò đô thị trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thực sự trở thành một cực tăng trưởng với những tác động lan tỏa, tích cực tới các tỉnh khác trong Vùng xét trên các khía cạnh như: Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách; tốc độ xây dựng các đô thị mới, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; sự kết nối với các tỉnh khác trong địa bàn Tây Nguyên và quốc tế cũng như tác động lan tỏa đối với Vùng của lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục và thể thao…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột |
Nhằm thạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào thành phố Buôn Ma Thuột, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, dự thảo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. Trong đó, phải kể đến ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tạo động lực để thu hút các nguồn lực đầu tư vào thành phố đối với các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, logistics, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của thành phố theo các mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Kết luận số 67-KL/TW.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định, dự án đầu tư thuộc các ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản; du lịch; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những chính sách ưu đãi này sẽ tạo động lực mới cho thành phố Buôn Ma Thuột thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn thành phố trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nam Vân Phong, cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2… sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa thúc đẩy liên kết vùng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột với vai trò là trung tâm Tây Nguyên.
Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: Tạo điều kiện cho thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk huy động trước nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của Tây Nguyên và là đô thị trung tâm vùng Tây nguyên theo mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Kết luận số 67-KL/TW. |