Đồng bào dân tộc vùng cao Đồng Văn: Giảm nghèo bền vững nhờ vận dụng kiến thức bản địa vào đời sống, sản xuất
Cơ chế - Chính sách Thứ hai, 22/08/2022 - 10:55
Giảm nghèo bền vững nhờ các sinh kế phù hợp |
Phát huy kiến thức bản địa
Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang với trên 87,2% dân tộc Mông sinh sống, Đồng Văn được biết đến là vùng có văn hóa rất đa dạng, phong phú. Tính đa dạng văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện đã tạo nên bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc ở huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn; tính đa dạng văn hóa đó đã góp phần làm giàu thêm kho tàng chung của nền văn hóa ở tỉnh nhà.
Các dân tộc Đồng Văn trải qua quá trình sinh sống đã gắn bó lâu đời với núi đá, địa hình chia cắt mạnh, khi hậu khắc nghiệt; để sinh tồn và phát triển, buộc người dân nơi đây phải thích ứng với thời tiết khí hậu, diện tích đất canh tác ít (bình quân 0,4ha/hộ), đá nhiều (chiếm trên 70% tổng diện tích tự nhiên), thiếu nước sản xuất và sinh hoạt; thông qua những hoạt động sản xuất người dân bản địa đã tích lũy được các kiến thức và kinh nghiệm mưu sinh rất phong phú, đa dạng và quý giá.
Hệ thống kiến thức bản địa của các dân tộc ở Đồng Văn liên quan đến sản xuất như: Cách nhận biết về thời tiết thông qua những đặc điểm của tự nhiên; kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi, kinh nghiệm chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, kinh nghiệm lựa chọn những giống cây trồng để phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, kinh nghiệm làm các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, thêu thùa, làm hương, nghề làm khèn Mông, đúc bạc… kinh nghiệm làm nhà trình tường đất, làm hàng rào đá.
Trong đời sống sinh hoạt, người dân bản địa đã tích lũy được những kiến thức phong phú, những kiến thức đó được tổ hợp từ những kinh nghiệm được hình thành trong lao động sản xuất; mỗi dân tộc khác nhau cũng có những kiến thức khác nhau về ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc nhà ở, tập quán canh tác, phong tục văn hóa, tín ngưỡng dân gian và lễ hội…
Kiến thức trong sản xuất đặc trưng rõ nét nhất đó là người dân bản địa với phương thức sản xuất trên những hốc đá tai mèo “Thổ canh trên hốc đá”, năm 2014 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận “Tri thức canh tác trên hốc đá” của cư dân cao nguyên đá là Danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Canh tác trên hốc đá của đồng bào dân tộc ở Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh Ngọc Đức |
Trong cây trồng thì có cây tam giác mạch, lũy kế, từ năm 2010 đến nay trồng được trên 2.900ha; sản lượng 1.199,2 tấn, góp phần thực hiện thành công 6 mùa lễ hội hoa tam giác mạch của tỉnh. Cây lanh cũng vậy là loại cây dễ sống, là nguyên liệu tạo ra sản phẩm thổ cẩm, thêu dệt chất liệu bền và đẹp, khách du lịch rất ưa dùng sản phẩm này; trong khi đó đất canh tác sản xuất nông nghiệp của Đồng Văn chỉ được một vụ, còn lại là để không vì vậy tận dụng trồng cây lanh sau khi thu hoạch đây cũng là một trong những sản phẩm đem lợi nhuận kinh tế cho người dân.
Hiện nay Đồng Văn đã có Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, được nhiều công ty, nhà may thời trang trong nước, nước ngoài như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản... đều ưa chuộng, thông qua đó đã giúp cho hàng chục hộ thoát nghèo. Hoặc kiến thức về chăn nuôi: Người dân bản địa đã có truyền thống chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, nuôi ong địa phương.... nhưng tiêu biểu nhất là bò vàng vùng cao nguyên đá Đồng Văn, hiện nay huyện cũng xây dựng được “Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò vàng Hà Giang”.
Cùng với đó là giống chó Mông cộc, đây là giống chó cộc đuôi của đồng bào Mông ở Đồng Văn, là một trong tứ đại danh khuyển quý hiếm của Việt Nam bên cạnh chó Phú Quốc, chó Bắc Hà Lào Cai và Dingo Đông Dương.
Giống chó Mông cộc là loài chó bản địa lai với chó sói rừng, đã được đồng bào Mông thuần hóa. Đây là loài chó thông minh, nhanh nhẹn và có hiệu quả làm việc cao. Loài chó này cũng có những đặc điểm nổi trội và đặc biệt không có loài chó nào sánh bằng. Có trí nhớ tốt, thông minh, trung thành với chủ… các mô hình chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Kiến thức về nuôi ong lấy mật, đó là mật ong bạc hà là loại mật của ong nội (ong ta). Mật ong hạc hà là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Đồng Văn, mang lại nguồn thu nhập cho người dân và phát triển du lịch. Đồng Văn là huyện có diện tích hoa bạc hà lớn nhất vùng cao nguyên đá với 1.124ha, đây là nguồn nguyên liệu ưa thích của loài ong bản địa.
Do khí hậu phù hợp, nên mật ong ở đây có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe. Giá bán mật ong bạc hà cao hơn so với các loại mật ong thông thường đem lại kinh tế cao cho người dân, hiện nay trên địa bàn huyện đang duy trì 10.473 đàn ong mật; tốc độ tăng trưởng đàn ong bình quân đạt 31,9%/năm.
Đến văn hóa, ẩm thực
Kiến thức bản địa đó còn thấm đẫm trong văn hóa ẩm thực của người dân vùng cao. Trong đó, món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây như: Mèn mén, thắng cố, rượu ngô, lạp sườn gác bếp, bánh giầy, gà đen, thịt lợn treo gác bếp, rau cải, ngồng cải cay muối chua, món ăn khâu nhục; cháo Ấu Tẩu…. Những món ăn ẩm thực của người dân bản địa hiên nay đang được phát huy, bảo tồn, khách du lịch rất thích những món ẩm thực nảy của người dân bịa địa, thông qua đó cũng đã tăng thu nhập cho người dân từ những món ăn dân gian của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng đã được địa phương vận dụng các cơ chế tiếp tục được bảo tồn, phát huy đã trở thành sản phẩm du lịch của huyện góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Chúng tôi đã có dịp đi thực tế tại một số ngôi nhà homestay có kiến trúc nhà truyền thống thì thường khách du lịch thích thú nghỉ ngơi lưu trú và trải nghiệm hơn những ngôi nhà hiện đại, nhất là với du khách nước ngoài.
Ông Hoàng Quốc Thân có ngôi nhà cổ tại tổ 4 (làng Quyết Tiến) thị trấn Đồng Văn, với hai nhà nghỉ homestay, một nhà có kiến trúc hiện đại, một nhà cổ truyền thống có kiến trúc bản địa. Ông Thân chia sẻ: “Khách hay tìm lưu trú nhà truyền thống hơn nhà hiện đại và mỗi năm nhà cổ của gia đình tôi cũng thu hút khoảng 4-5 nghìn khách du lịch và chủ yếu vẫn là khách từ miền Nam ra và khách du lịch nước ngoài”.
Một ngôi nhà homsetay khác cũng được nhiều du khách tìm đến là của hộ Vàng Chú Chơ, thôn Lao Xa, xã Sủng Là, với vẻ đẹp thiên nhiên hòa với văn hóa bản địa, ngôi nhà được gia chủ chăm sóc sạch sẽ, gọn gàng nằm giữa không gian ngút ngàn của thiên nhiên, hằng năm gia đình Vàng Chú Chơ đón từ 1-2 nghìn lượt khách đến nghỉ và lưu trú.
Đối với ẩm thực thì món mèn mén và món khâu nhục, tẩu chúa… là những món ăn truyền thống của người dân bản địa, không thiếu trong các dịp cưới hỏi, hay gia đình làm cỗ thì khách du lịch cũng rất thích thưởng thức những món ăn này.
Các lễ hội truyền thống thì tiêu biểu nhất là lễ hội Khèn Mông ở Đồng Văn. Chị Sủng Thị Say, Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện cho biết: Cứ đến tháng 10, tháng 11 hằng năm là lễ hội này được huyện tổ chức, lễ hội đã thu hút hằng nghìn khách du lịch đến thăm quan, thưởng thức, ngoài việc phục vụ, kích cầu phát triển du lịch thì còn có mục đích phát huy, lưu giữ những bản sắc truyền thống của dân tộc Mông và giáo dục thế hệ trẻ thêm tình yêu, giữ gìn nét văn hóa của người dân bản địa.
Lớp học dạy múa khèn đã giúp thế hệ trẻ thêm tình yêu, giữ gìn nét văn hóa của người dân bản địa. Ảnh Ngọc Đức |
Từ kiến thức, văn hóa bản địa đến giảm nghèo bền vững
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn đã vận dụng các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với những chủ trương của tỉnh, Đồng Văn đã phát huy hiệu quả kiến thức bản địa vào trong sản xuất và đời sống từ đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.
Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp gắn kết giữa kiến thức bản địa với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm Đồng Văn đã duy trì đảm bảo an ninh lương thực đạt trên 2,8 vạn tấn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất: Các cây, con có lợi thế (dược liệu, tam giác mạch, lê; bò, lợn, dê,…) đã được đầu tư phát triển mở rộng về quy mô, hình thành vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng rau chuyên canh, vùng lê hàng hóa, gia trại chăn nuôi…
Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 700 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 01ha đất canh tác đạt gần 39 triệu đồng/năm; tỷ trọng chăn nuôi/giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 6%/năm. Tổng lượng khách đến tham quan trên địa bàn chỉ tính riêng trong 6 tháng là 25.463 đoàn với 211.690 lượt khách, vượt 549,69% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 33,08% kế hoạch giao. Doanh thu từ du lịch dịch vụ đạt 234,7 tỷ đồng…
Tuy nhiên, huyện Đồng Văn hiện nay vẫn là một trong 63 huyện nghèo nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 67,96%; hộ cận nghèo chiếm 12,38%; hộ không nghèo chỉ chiếm 19,66% theo chuẩn nghèo mới áp dụng giai đoạn 2022-2025. Có thể khẳng định, nếu Đồng Văn phát huy được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là trong việc vận dụng kiến thức bản địa trong sản xuất và đời sống cùng với việc áp dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất và đời sống chắc chắn công cuộc xóa nghèo ở đây sẽ có những bước tiến vượt bậc.
Để làm được điều đó, đồng bào các dân tộc ở Đồng Văn rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp của các sở ngành và các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Làm được điều đó, chắc chắn Đồng Văn trong tương lai không xa sẽ sớm đạt mục tiêu đến năm 2025 từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo (huyện 30a); đến năm 2045 là huyện phát triển trung bình khá của tỉnh theo mục tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.