Kỳ 1: Chuyện trồng rừng của người Mông ở Nghệ An
Gương sáng Thứ bảy, 27/08/2022 - 11:02
Hỗ trợ trồng rừng bền vững tại Việt Nam Bàn sâu về đời sống của người dân miền núi Nghệ An Những thôn, bản kiểu mẫu ở miền núi Nghệ An |
Nhiều bản làng người mông ở Nghệ An đã được hình thành ở vùng đât Kỳ Sơn từ khoảng 200 năm trước. Người Mông là dân tộc tộc thiểu số đông thứ 4 ở tỉnh Nghệ An, hiện với gần 34.000 người. Trước đây, đời sống của người Mông trước đây rất khó khăn, cùng với nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến từ hệ thống chính trị và cả từ những con người Mông đổi mới, đến nay cộng đồng thiểu số này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ mảnh đất này đã có nhiều hộ gia đình an cư, lạc nghiệp, vươn lên làm giàu.
Xanh lại những cánh rừng
Nằm ngay cạnh đường từ Huồi Tụ đi xã Na Loi, Keng Đu, Huyện Kỳ Sơn, là cánh rừng pơ mu của ông Vừ Vả Chống (55 tuổi) ở bản Huồi Đun. Cánh rừng pơ mu này, là mảng xanh hiếm hoi lọt thỏm giữa những dãy núi trọc lóc. Để có được cánh rừng trị giá hàng chục tỷ đồng, đối với người đàn ông người Mông này là một kỳ tích. Ông Chống kể, ngày xưa vùng đất này bạt ngàn sa mu và pơ mu. Tuy nhiên, vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, những cánh rừng lần lượt bị đốn hạ. “Hồi nhỏ chứng kiến vậy tôi đau xót lắm, cứ ấp ủ giấc mơ phải trồng lại rừng”, ông Chống kể lại.
Khu rừng pơ mu của ông Vừ Vả Chống (55 tuổi) ở bản Huồi Đun, nằm ngay cạnh tuyến đường từ Huồi Tụ đi xã Na Loi, Keng Đu. |
Ông chống kể lại, năm 2000, sau khi xuất ngũ ông Chống xin đấu thầu 10 ha để trồng rừng. Để có được giống cây, ông rong ruổi khắp vùng Kỳ Sơn, lên tận vùng biên giới, ông phải phải bán cả đàn bò để lấy tiền tìm mua giống cây pơ mu. Khi những cây pơ mu đầu tiên cắm xuống, sau đó khá nhiều cây chết, nên việc trồng rừng của ông Chống chẳng được mấy ai hưởng ứng. Thời điểm đó còn nhiều người nói ông Chống bị điên, vì bỏ ra một khoản tiền lớn trồng cây pơ mu biết đến bao giờ mới thu lại được.
Để nuôi giấc mơ pơ mu, ông Chống đã trồng đủ loại cây từ trồng chè Tuyết Shan, bo bo để xen lẫn vào những dãy pơ mu. Ngoài ra, ông còn làm trang trại chăn nuôi với hàng chục con bò, lợn đen… Đến nay, thu nhập từ cây chè, bo bo, chăn nuôi mang lại cho ông Chống từ 100-200 trăm triệu mỗi năm. Còn cánh rừng pơ mu, sa mu có khoảng 7.000 cây, có những cây đường kính đã gần nửa mét. Ông Chống kể, lâu nay giới buôn gỗ đã nhiều lần đến hỏi mua và trả 3 triệu/cây nhưng ông nhất quyết không bán. “Mình không bán đâu, chỉ muốn phát triển du lịch sinh thái từ cánh rừng này thôi. Làm du lịch ngoài kiếm tiền thì mục đích chính là muốn nhiều người biết vốn quý của rừng”, ông Chống nói. Từ một người bị xem là người “điên” hiện nay cả xã Huồi Tụ đã có hơn 30 hộ học tập mô hình của Vừ Vả Chống và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Chỉ vào những gốc cây pơ mu hai người ôm mới xuể, ông Chống vui vẻ “10 ha ngày đó giờ đã được phủ kín bằng pơ mu. Cả một góc rừng đã xanh lại rồi…”.
Ông Vừ Vả Chống là học trò "cưng" của Cụ Vừ Pà Rê (người Mông đầu tiên trồng pơ mu ở Kỳ Sơn) ở bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn. Đến nay, khu rừng của cụ Rê đã 25 tuổi, theo người dân Tây Sơn, khi cụ Rê qua đời, 5 người con đã nối nghiệp, chăm sóc và thực hiện giấc mơ dang dở của cụ Rê, là nhân giống, phủ kín những đồi núi trọc bằng pơ mu, sa mu.
Câu chuyện trồng rừng của gia đình cụ Rê ở Tây Sơn, như một kết thúc có hậu cho cả một thời gian dài dân bản “mải mê” cạo trọc những cánh rừng để làm rẫy, trồng thuốc phiện thì Cụ Rê và 5 người con trai lại đi tìm cây pơ mu, sa mu về trồng trên những ngọn đồi trọc.
Xã Tây Sơn 100% là đồng bào Mông, ở đây trước kia bạt ngàn pơ mu, sa mu, đây cũng là địa phương hiếm hoi ở Nghệ An còn có nhiều bản vẫn còn giữ được những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu đặc trưng của người Mông. Tuy nhiên, 30 năm trước, vào năm 1992, một đơn vị khai thác lâm nghiệp được phép vào khai thác gỗ. Trong 3 năm trời, họ đã đốn hạ rất nhiều gỗ pơ mu để chở đi, từ cây hàng trăm năm tuổi đến cây mới bốn năm chục năm tuổi, khiến cánh rừng pơ mu ấy bị cạn kiệt.
Cụ Vừ Pà Rê, nguyên phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn (nghỉ hưu năm 1988) tiếc nuối khi cánh rừng pơ mu biến mất. Ông Vừ Rả Tênh (con trai cụ Rê) kể lại “Bố tôi bảo, đó là cánh rừng pơ mu, sa mu rất quý. Giờ họ chặt hết rồi, sau này con cháu mình sẽ không còn biết đến cây pơ mu, sa mu nữa. Rồi bố nói, bố con mình phải trồng lại rừng thôi”, ông Tênh kể lại.
Nghĩ là làm, năm 1996 cụ Rê bắt đầu vào nơi cánh rừng pơ mu đã bị đốn hạ, tìm cây con về trồng trên những quả đồi ở gần bản. Rồi cụ rủ thêm các con cùng đi. Khi đã nhặt hết cây con, cụ Rê còn tìm tòi, học cách nhân giống bằng hạt. Cứ như vậy, cụ Rê và 5 người con đem cây đi trồng ở những cánh rừng đã bị cạo trọc ở xã Tây Sơn, hết đồi này đến đồi khác. Trong vòng 3 năm cha con cụ Rê đã trồng được hơn 31 hecta pơ mu.
Trồng rừng cho đời sau
Tại Kỳ Sơn, sau gần 20 năm giao đất rừng cho dân, nhiều quả đồi ở đây vẫn trọc lóc, nhưng những quả đồi của đại gia đình cụ Vừ Pà Rê đã thành khu rừng pơ mu xanh mướt.
Cánh rừng pơ mu của gia đình cụ Vừ Pà Rê, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn đã 25 năm tuổi |
Ông Vừ Rả Tênh kể, hồi mới trồng, bố tôi bảo phải trồng dày để đề phòng cây bị chết thì còn cây khác. Nhờ được bảo vệ tốt nên tỉ lệ cây sống khoảng 80%, bây giờ một số vị trí cây khá dày nên phát triển chậm hơn.
Theo lời ông Tênh, sau khi gia đình trồng được gần 31 ha, bố tôi đã vận động người dân trong xã cùng trồng. Cụ vận độn người dân, chỗ nào rừng đã bị phá để làm rẫy thì bà con phải trồng pơ mu vào để gây rừng, giữ đất, giống cây sẽ được cụ cung cấp, vừa bán vừa cho. Nhờ có dự án 327 hỗ trợ tiền trồng rừng nên một số người dân cũng trồng theo ở các khu rừng đã bị phá.
Đến nay, xã Tây Sơn đã phục hồi lại được 68,7 ha rừng pơ mu và sa mu, trong đó bố con cụ Rê đã trồng 31 ha trong các năm 1996 -1998. Đây là những khu rừng rất có giá trị phòng hộ đầu nguồn.
Chỉ tay về phía khu rừng 5 ha do chính tay mình trồng từ năm 1998, ông Vừ Rả Tênh nói, khu này được trồng hoàn toàn từ cây giống do bố ông ươm. Pơ mu hiện đã có đường lính 40-50 cm, những cây lớn đã có thể lấy gỗ nhưng ông Tênh nói mục đích của ông và bố ông là trồng cho đời con, đời cháu. “Gỗ pơ mu rất tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng để làm đồ gia dụng. Giá bán bây giờ tầm 30 triệu đồng/m3. Sa mu thì gỗ mềm, ít giá trị hơn nhưng dùng để lợp nhà thì một trăm năm sau cũng chưa hỏng”, ông Tênh nói. Cây pơ mu đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996 để bảo vệ.
Ông Vừ Rả Tênh tâm sự, “Trước lúc mất, cha tôi đã chia đều các khu rừng cho các con và dặn dò, khu rừng phải để lại cho đời sau, phải làm khu sinh thái để mọi người đến nghỉ dưỡng và nhất là ông cứ nhắc đi nhắc lại là, phải để cho con cháu đời sau biết cây pơ mu của quê hương mình…”.
“Mùa này các cháu thanh niên lên đây đông lắm, người từ các huyện khác cũng tìm đến. Gia đình không hề thu tiền, chỉ mong các cháu đến càng đông càng tốt, lúc đó ý thức bảo vệ rừng chắc chắn sẽ được nâng lên”, ông Tênh tâm sự.
Từ trên đỉnh đồi Huồi Giảng, phóng mắt ra xa đến tận đỉnh Pu Lon, ông Tênh cho biết, cha con ông đã trồng được tổng cộng 48ha rừng pơ mu. Và, sau khi cha con ông ươm giống thành công, những khu rừng pơ mu đã thành hình hài, một số bà con trong xã cũng đã tích cực trồng rừng. Những cánh rừng ở Kỳ Sơn hôm nay, ngoài tràm, xoan đâu, lát… còn là những cánh rừng pơ mu, sa mu xanh tốt tận chân trời. Từ những người tiên phong như bố con cụ Rê, đến nay nhiều người Mông ở xã Tây Sơn đã mang những giống pơ mu, sa mu phủ kín đồi núi trọc, toàn xã hiện đã có gần 90 ha rừng pơ mu, sa mu.