Người dắt buôn làng đi ra con đường sáng

Già làng A Khẻo bồi hồi: “Nhớ lại ngày ấy mà lòng quặn lại. May mà từ khi có cây cao su, có thằng A Xem, dân làng đã đi theo nó, nghe theo lời của Đảng”.
“Con đường sáng” cho nữ Tổng giám đốc gốc Phi đầu tiên của WTO

Trở về đất rừng biên giới

Trên vùng đất ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia thuộc khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một trang trại cao su xanh thẳm giữa buôn làng của người dân tộc Xơ Đăng. Đấy là tài sản của nhà ông A Xem.

Trong những tháng năm chống Mỹ trên dải đất Kon Tum, ông A Xem là xã đội trưởng, hàm trung úy; còn vợ Y Nia là đại úy, cán bộ huyện đội Sa Thầy. Sau ngày giải phóng 1975, ông khoác ba lô dắt đứa con trai đầu; còn bà thì mang gùi, cõng đứa con gái 4 tuổi trở về làng Chiên Chiết, xã Đắk Xú, một xã biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi. Đặt ba lô xuống một khu đất trống ven đồi, ông nói với bà: “Ta làm nhà ở đây”. Đã hơn 47 năm đã qua, xốc lại hành trang người lính, trên mảnh đất từng là nơi bom cày, đạn xới này, hằng ngày, ông bà cho ra những sản phẩm từ “vàng trắng”, mang lại cuộc sống mới, cuộc sống của những cựu chiến binh bước ra từ chiến tranh, tiên phong đi mở đất rừng, nơi biên giới thâm u.

Có lẽ ở ngã ba biên giới Đông Dương được gọi là vùng đất “Một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe” này, số người có thu nhập tiền tỷ như ông A Xem quả là hiếm, rất hiếm, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông chậm rãi: “Mình theo cách mạng từ nhỏ, khi ấy còn đóng khố. Cán bộ là người Kinh dắt mình đi khắp núi rừng biên giới thuộc các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy… 18 tuổi vào bộ đội, 19 tuổi mình đã được kết nạp Đảng đấy nhé ”. Ông kể, khi ấy có cán bộ người dân tộc Xơ Đăng hỏi: “Mày có muốn đi gặp Bok Hồ không”. Lúc ấy, ông cũng chẳng hiểu Bok Hồ là ai nhưng trong ông đã sáng lên một niềm tin mãnh liệt vào cách mạng, vào những người đã dạy bảo, dìu dắt mình nên ông đồng ý ngay.

Người dắt buôn làng đi ra con đường sáng
Ông A Xem (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng, khai thác mủ cao su tại trang trại của gia đình trên vùng biên giới Kon Tum

Người đảng viên hơn 45 năm tuổi Đảng này đã gần trọn cuộc đời gắn bó, bám làng, bám đất rừng biên giới, vừa công tác vừa gây dựng kinh tế gia đình. Trải qua những biến cố, thăng trầm có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng với khát vọng vượt qua nghèo khó của một đảng viên suốt cuộc đời gắn bó với buôn làng Tây Nguyên, ông đã thành công nơi đất rừng thâm u và là người đầu tiên đưa cây cao su lên vùng biên giới Kon Tum.

Nhớ lại ngày ấy trên vùng biên giới heo hút này, ông A Niêk, một già làng ở đây nghẹn ngào, xúc động: “Khi ấy, nhà cất lên chưa ấm hơi người, sốt rét, bệnh tật đã hoành hành. Một số cán bộ, công nhân được đưa vào mở đất thì chán nản, không yên tâm vì vừa xa, vừa heo hút quá…”. Không ít người không cần một sự nghĩ suy, họ chọn câu trả lời đơn giản là tìm cách đi khỏi nơi này mà họ cho là vô vọng. Nhiều lúc A Xem cũng dặn vặt lắm, đã có lúc nghe như khẩu lệnh của một thế trận đang vỡ. Ông tâm sự: “Ngày ấy, có những đêm nằm một mình giữa núi rừng biên giới, tôi không sao chợp mắt được, đất thì rộng, dân thì nghèo quá”.

Bạt đồi, mở đất dựng nghiệp

Ông A Xem bồi hồi nhớ lại: “Năm 1994, lúc ấy tôi bắt đầu muốn trồng cao su nhưng không có vốn. Mà ngày ấy ở Ngọc Hồi cũng chưa có Ngân hàng, cả huyện với diện tích trên 1.700 cây số vuông nhưng chưa có ai trồng cao su. Đất rừng thì mênh mông nhưng toàn cây cỏ, đồi cao đất dốc, thâm u hiu quạnh… Máy cày, máy ủi không có, lao động cũng không, việc nhà ai người nấy làm, cuộc sống tự cung tự cấp đã đeo bám bà con từ bao đời nay; rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề…”.

Giữa những ngày đầu gian nan ấy, ông huy động cả gia đình bám đất, bám rừng gồng sức bạt đồi, phát cỏ, khai phá đất hoang. Có lúc ông phải phối hợp, nhờ cậy anh em bộ đội biên phòng đứng chân quanh vùng để dọn đất, đào hố, gánh phân. Không có vốn, ông bán hết tài sản, rồi bán luôn cả đàn bò là cơ nghiệp lớn nhất của gia đình để đắp đổi lấy tiền đầu tư cây giống, phân, thuê kỹ thuật để trồng cao su.

Cây cao su được ông đưa về trồng lúc ấy, rất nhiều người dân quanh vùng ngơ ngác, có người còn cho ông là “không bình thường”, sao lại trồng cái cây mà không ai biết thế này! Lại có người hùa vào: “Mình không tin, trồng cái cây đấy không đẻ ra lúa, ra bắp đâu”. Ông đã phải mất nhiều thời gian để tuyên truyền, giới thiệu, thuyết phục cho bà con các dân tộc quanh vùng hiểu về lợi ích kinh tế của cây cao su. Nhưng nói mãi mà ít người chịu hiểu hoặc có biết thì người ta cũng le lưỡi, lắc đầu; có người còn dè bỉu, phản ứng ra mặt.

Với quyết tâm không bỏ cuộc, từ ít đến nhiều, những cây cao su đầu tiên của A Xem được gieo mầm trên đất đồi rừng biên giới Đắk Xú đã bật dậy những chồi non, vươn cao trỗi dậy từng ngày. Lúc này ở gần đấy bắt đầu có nông trường cao su Plei Kần, một doanh nghiệp nhà nước thuộc Công ty cao su Kon Tum vừa được thành lập. Ông đến gặp anh em kỹ thuật của nông trường với hy vọng được hậu thuẫn, tiếp sức. Ông Vũ Bá Văn, Bí thư chi bộ, Giám đốc Nông trường cao su Plei Kần ngày ấy cho biết: “Chúng tôi đã sát cánh với gia đình bác A Xem, giúp bác không lấy công trong việc chăm sóc vườn cây, cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ cách khai thác những sản phẩm đầu tiên”.

Từ năm 1994 đến năm 2003, tức là khoảng 10 năm, A Xem dồn hết sức người, sức của khai phá đất hoang, bạt núi, mở đường, khoanh lô, cắm tiêu… để trồng được hơn 20 ha, tính ra khoảng trên 11.000 cây. Rừng cao su bạt ngàn, xanh thẳm trải dài trên vùng đất rừng là thành quả lao động gần 30 năm qua của “người đảng viên đi trước” đã đưa cây cao su sâu rễ, bền gốc, tốt tươi, vươn cao nơi vùng đất ngã ba biên giới Ngọc Hồi hôm nay.

Ông tâm sự: “Mình là đảng viên mà lại là người dân tộc thiểu số, mình nghĩ phải làm và mình làm thật, làm cho bằng được, dù có rất nhiều người không ủng hộ. Vấn đề mình trăn trở nhất khi ấy và cả hiện nay là làm sao có nhiều hơn nữa bà con các dân tộc tại chỗ như Xơ Đăng, Giẻ Triêng và người Tày, người Mường ở các tỉnh phía Bắc đi xây dựng kinh tế mới vào đây làm ăn cũng biết trồng cao su để bà con cùng nhanh xóa nghèo, giàu lên”.

Từ quyết tâm ấy, A Xem kiên trì, ngày đêm bám làng, đến từng hộ gia đình vận động bà con dân tộc Xơ Đăng quanh vùng cùng trồng cây cao su như gia đình mình. Ông đã thuyết phục được hàng trăm hộ phá bỏ thế độc canh cây sắn, bắp không hiệu quả để đưa cây cao su lên trồng ở những nơi đất dốc, đồi cao thuộc các xã biên giới như: Đắk Xú, Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan và cho đến hôm nay, người dân quanh vùng đã trồng được hàng nghìn héc-ta cao su tiểu điền, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đang hồi sinh nhờ cây cao su được trồng trên những vùng đồi hoang hóa ngày xưa; tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ là người dân tộc thiểu số.

Niềm tin về cuộc đổi đời

Sau khi đi thăm vườn cây cao su của gia đình trên vùng biên giới, A Xem đưa chúng tôi vào ngôi nhà được xây ở ngay đầu lô cao su của mình. Vừa bước vào nhà, bà Y Nia, vợ ông đon đả mời khách rồi nhanh tay bật công tắc máy điều hòa ở phòng khách, mở tủ lấy bia lon đã được ướp lạnh đãi khách. Cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy toát lên trên gương mặt phúc hậu của người phụ nữ Xơ Đăng đã gần trọn đời gắn bó với đất rừng Đắk Xú, Ngọc Hồi.

Bà Y Nia rót bia mời khách và “ra lệnh” cho chúng tôi “trăm phần trăm”. Bà khoe vui: “Thằng trai đầu đang dạy cấp 3 trường huyện, con gái thứ 2 đã làm việc tại xã Đắk Xú, con gái thứ 3 tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, còn gái út cũng đã tốt nghiệp Học viện Quân y, các cháu đều đã có công việc, gia đình ổn định”. Chúng tôi chúc mừng ông bà rồi nhìn ra ngoài sân, chiếc ô tô con màu sáng còn rất mới rẽ vào cổng. Đó là con trai của bà, anh cả Thao Nuông đi làm về. Xe mới mua trên tỷ đồng, gia đình cũng vừa mua 2 xe tải để phục vụ cho sản xuất và vận chuyển cao su. Chúng tôi ước tính tài sản của gia đình ông A Xem cũng phải trên 30 tỷ đồng. Đấy là tài sản nhìn thấy được, chứ “của chìm” của gia đình là bao nhiều thì gặng mãi, ông chỉ cười…

Đứng giữa vườn cao su đang vào mùa thay lá, ông nhẩm tính: “Doanh thu mỗi tháng của gia đình tôi ở thời điểm được giá nhất khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi tháng tiền lãi khoảng gần 100 triệu đồng”.

A Xem hăm hở “kéo” tôi đến thăm một số gia đình dân tộc Xơ Đăng, đi đến đâu, vào nhà ai ông cũng được mọi người thật yêu quý, ùa ra tay bắt mặt mừng. Ông A Kling, một người có uy tín trong vùng nắm chặt lấy đôi tay chai sạn, sần sùi của A Xem rồi nhìn vào mắt tôi, ông nói: “Cái thằng A Xem có công lớn với dân làng mình nhiều lắm”.

Trong men say của rượu cần dưới ánh trăng biên giới, tôi nghe được bao điều dân làng nói về ông. Bà con dân tộc thiểu số nơi đây quý ông thật. Già làng A Khẻo bồi hồi nhớ lại: “Khi buôn làng chưa có cao su, chưa có thằng A Xem về, nhớ lại ngày ấy mà lòng quặn lại, chỉ mỗi mong ước giản dị là có đủ cơm ăn mà mỗi lúc một xa vời. Hạt lúa của làng sao như cứ biết chạy. Mới gặt lúa gùi về nhà chưa đầy tháng mà làng đã có nhiều người đói rồi, đói đến cồn cào gan ruột. Hạt lúa chạy về đâu? Nào là áo, quần, hạt muối, thậm chí bánh xà phòng, cái bánh kẹo cho trẻ con cũng từ lúa mà ra. Mà hạt lúa thì mỗi lúc một gầy. Nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất… Ông trầm tư: “Vẫn biết buôn làng mỗi ngày càng bị dắt sâu vào chỗ tối mà không ai nghĩ được lối ra. May mà từ khi có cây cao su, có thằng A Xem, dân làng vùng biên giới này đã đi theo nó, nghe theo lời của Đảng. Nhiều người cứ tưởng đó như là một giấc mơ”.

Hôm nay, đi trong miên man giữa rừng cao su đang vào mùa thay lá nơi ngã ba biên giới, nhìn những thân cây đều tăm tắp, những tảng lá non xuộm vàng trong nắng mới, tôi đưa móng tay cứa nhẹ lên vết sẹo giữa thân cây, những dòng nhựa trắng li ti lập tức úa ra…

Chia tay A Xem giữa bạt ngàn cao su xanh thẳm, trời Tây Nguyên trong xanh, nắng vàng rực rỡ, tôi ôm lấy ông vì quá đỗi cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và lòng quả cảm ở người cựu chiến binh này. Xiết chặt tay tôi, ông nói: “Mình là đảng viên, phải biết làm giàu để dân làng noi theo, nhất định người dân Xơ Đăng quê mình sẽ vượt qua nghèo khó, giàu lên”. Trong mắt ông như chứa đựng một tình yêu buôn làng sâu thẳm, ánh lên niềm tin về cuộc đổi đời sẽ nhanh đến với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất rừng biên giới./.

Lê Trâm Anh

Tin mới nhất

Thanh Hóa: Phát huy có hiệu quả vai trò "cầu nối" của người có uy tín trong đồng bào dân tộc

Thanh Hóa: Phát huy có hiệu quả vai trò "cầu nối" của người có uy tín trong đồng bào dân tộc

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc là “cầu nối” quan trọng đang được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa phát huy có hiệu quả.
Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

Những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi

Vượt qua những rào cản, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số không chỉ vươn lên làm giàu mà còn giúp đỡ, truyền cảm hứng cho chị em khác cùng tiến bộ.
Thầy giáo tuổi 80 tận tâm "gieo chữ", giữ gìn bản sắc văn hóa vùng lòng hồ Hòa Bình

Thầy giáo tuổi 80 tận tâm "gieo chữ", giữ gìn bản sắc văn hóa vùng lòng hồ Hòa Bình

Ông Bàn Văn Thân (người Dao Tiền) có gần 15 năm dạy chữ Nôm Dao cho bà con vùng lòng hồ Hòa Bình, góp phần gìn giữ chữ viết, bản sắc văn hóa người Dao Tiền
Phụ nữ dân tộc thiểu số chăm lo làm kinh tế, xây dựng sản phẩm OCOP ở Bắc Hà

Phụ nữ dân tộc thiểu số chăm lo làm kinh tế, xây dựng sản phẩm OCOP ở Bắc Hà

Hội phụ nữ huyện Bắc Hà, Lào Cai đã phát động nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ trong toàn huyện.
Siu Sek - Người Đảng viên gương mẫu, người thợ điện của buôn làng

Siu Sek - Người Đảng viên gương mẫu, người thợ điện của buôn làng

14 năm trong màu áo cam, luôn có mặt khi người dân cần, anh thợ điện Siu Sek (công nhân Điện lực Phú Thiện) được gọi trìu mến “người thợ điện của buôn làng”.

Tin cùng chuyên mục

Trưởng thôn Ải Nam làm tốt công tác tuyên truyền chính sách dân tộc

Trưởng thôn Ải Nam làm tốt công tác tuyên truyền chính sách dân tộc

Không chỉ là gương sáng về làm kinh tế giỏi, với vai trò là Trưởng thôn Ải Nam, anh Cư Seo Mười người dân tộc Mông đã phát huy tốt vai trò người uy tín.
Chuyện về người có uy tín giúp đồng bào dân tộc thiếu số ở bản Chong “đuổi đói nghèo”

Chuyện về người có uy tín giúp đồng bào dân tộc thiếu số ở bản Chong “đuổi đói nghèo”

Bác Hà Văn Tú ở Bản Chong, xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa là người có uy tín, làm kinh tế giỏi và giúp đồng bào dân tộc thiểu số “đuổi đói nghèo”.
Huyện Bắc Hà, Lào Cai: Trưởng thôn gương mẫu giúp dân thoát nghèo

Huyện Bắc Hà, Lào Cai: Trưởng thôn gương mẫu giúp dân thoát nghèo

Nếu về thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly, khi hỏi về Trưởng thôn Bàn Văn Thanh ai cũng biết. Anh là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giúp dân thoát nghèo.
Người dân tộc Bru - Vân Kiều hiến đất, hiến vườn để mở đường cho bản

Người dân tộc Bru - Vân Kiều hiến đất, hiến vườn để mở đường cho bản

Dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, những người dân tộc Bru- Vân Kiều ở Quảng Bình mang họ Hồ vẫn hiến đất, hiến vườn vì lợi ích chung của bản làng.
Bắc Kạn: Người có uy tín, trưởng thôn là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân

Bắc Kạn: Người có uy tín, trưởng thôn là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân

Tỉnh Bắc Kạn có 1.291 trưởng thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 507 người có uy tín; đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Người phụ nữ Tày tiên phong làm du lịch cộng đồng ở vùng cao Bắc Hà

Người phụ nữ Tày tiên phong làm du lịch cộng đồng ở vùng cao Bắc Hà

Những năm gần đây, một số gia đình ở vùng cao huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã nỗ lực đưa ngôi nhà du lịch cộng đồng của mình trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Nguyên nêu gương sáng đời thường

Cựu chiến binh Hoàng Văn Nguyên nêu gương sáng đời thường

Ở xã Cốc Mỳ huyện Bát Xát, nhắc đến cựu chiến binh, người cao tuổi Hoàng Văn Nguyên, hội viên cựu chiến binh mà người dân trong xã đều tin yêu, kính trọng.
Trà Vinh: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trà Vinh: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh đã phát huy vai trò trong các hoạt động xã hội, thúc đẩy sự phát triển ở địa phương
Hiến đất vì lợi ích cộng đồng

Hiến đất vì lợi ích cộng đồng

Đó là lời tâm sự của anh Bồng Đức Thành, sinh năm 1981, dân tộc Dao, thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Lào Cai: Gương sáng gia đình người Mông trở thành triệu phú từ trồng quế

Lào Cai: Gương sáng gia đình người Mông trở thành triệu phú từ trồng quế

Bản Cái là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, người dân sống dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp.
Đảng viên trẻ Lò Láo Lở học tập và làm theo Bác

Đảng viên trẻ Lò Láo Lở học tập và làm theo Bác

Trải qua môi trường quân ngũ, được giác ngộ, nhận thức về Đảng, được rèn luyện tính kỷ luật đã hun đúc, làm nên bản lĩnh kiên cường của Đảng viên trẻ Lò Láo Lở.
Tinh thần yêu hàng Việt của các doanh nhân gốc Việt tại Mỹ

Tinh thần yêu hàng Việt của các doanh nhân gốc Việt tại Mỹ

Chi nhánh TV Việt Nam tại Houston có buổi gặp và phỏng vấn doanh nhân Chinh Nguyễn - CEO Tập đoàn L&V Food Supply và 1 số DN tại TP. Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Từ định hướng của Đảng đến những tấm gương sáng trong đời sống

Từ định hướng của Đảng đến những tấm gương sáng trong đời sống

Nhận thức rõ vai trò của người có uy tín trong nhân dân, đặc biệt là người có uy tín trong đồng bào DTTS, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đối tượng này.
Kỹ sư Hà Trọng Dũng: Lan toả tinh thần Việt trong các sáng chế

Kỹ sư Hà Trọng Dũng: Lan toả tinh thần Việt trong các sáng chế

Kỹ sư Hà Trọng Dũng là một trong những người đầu tiên mang ý tưởng sản xuất đồ chơi trẻ em về Việt Nam để hạn chế phụ thuộc đồ nhập khẩu.
Hà Giang: Phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, bảo vệ vùng biên

Hà Giang: Phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, bảo vệ vùng biên

Nhờ phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, bảo vệ vùng biên, đời sống đồng bào dân tộc huyện Đồng Văn (Hà Giang) từng bước được nâng lên.
Cải thiện sinh kế, bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cải thiện sinh kế, bảo tồn văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số

Khôi phục nghề truyền thống gắn với cải thiện sinh kế là phương thức tốt bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Kon Tum: Những thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ để làm giàu

Kon Tum: Những thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ để làm giàu

Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum không ngại khó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sáng tạo trong phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.
Đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu ở Đồng Nai

Đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu ở Đồng Nai

Giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, có cuộc sống tốt đẹp hơn được hi nhận nhiều gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đồng Nai.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Minh chứng sống cho bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Minh chứng sống cho bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam

Nguyễn Thị Bình là một cái tên vô cùng gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam. Có thể nói, với nhiều người, bà chính là một huyền thoại sống.
Những bông hồng xanh tỏa hương sắc trên vùng đất Abyei

Những bông hồng xanh tỏa hương sắc trên vùng đất Abyei

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc tại Phái bộ UNISFA khu vực Abyei, 21 nữ chiến sĩ công binh Việt Nam, họ là những bông hồng xanh tỏa hương sắc
Xem thêm

Đọc nhiều

Mobile VerionPhiên bản di động