Quảng Bình: "Đánh thức" bản làng làm du lịch
Dân tộc - Văn hóa Thứ ba, 22/08/2023 - 21:23
Khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động dài nhất Châu Á Động lực phát triển cho “trái tim” du lịch Quảng Bình |
Đánh thức du lịch miền núi
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có hai dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều (với các tộc người Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong) và dân tộc Chứt (bao gồm người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng). Mỗi dân tộc và tộc người có giá trị văn hóa độc đáo riêng và có quá trình giao lưu, đan xen văn hóa nên tạo ra đa sắc màu văn hóa ở mỗi địa phương. Những giá trị văn hóa này cùng với tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Ông Nguyễn Ngọc Quý- Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình - cho biết, tháng 6 năm 2022, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa- lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.
![]() |
Khách du lịch quốc tế cắm trại và vui chơi tại bản Còi Đá, xã Ngân Thuỷ |
Triển khai thực hiện nghị quyết này, thời gian qua, Sở Du lịch Quảng Bình tổ chức chương trình khảo sát các sản phẩm du lịch ở các bản, làng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi cư trú của các tộc người thiểu số còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Từ đó, ngành du lịch Quảng Bình có kế hoạch, giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu vực miền núi.
Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch để lôi cuốn du khách khi đến với Quảng Bình. Đồng thời, đây còn là hoạt động giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập.
Bà con làm quen với du lịch
Dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, ở nơi đại ngàn, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng với nét văn hoá bản địa độc đáo.
Xã miền núi Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) là một xã nghèo với đời sống bà con còn vô vàn khó khăn. Ở đó, bản Còi Đá nằm giữa thung lũng rộng lớn, bao quanh bởi các dãy núi đá vôi với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối trong xanh.
![]() |
Du khách tìm hiểu văn hoá của người Bru- Vân Kiều |
Nơi đây có nhiều hang động với thạch nhũ kỳ vĩ, mê hoặc lòng người, đặc biệt là hệ thống hang Chà Lòi với lòng hang, măng đá và thạch nhũ còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ.
Đến với Còi Đá, du khách thích thú trải nghiệm những dòng thác, con suối mát lành hay khám phá hang động. Tối về, trên thảo nguyên trải rộng, mọi người thưởng thức những món ăn dân giã của đồng bào Bru Vân Kiều bản địa, trong đó có món xôi nếp than - sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách khi đến với bản làng này. Không những vậy bên ánh lửa nhà sàn, du khách còn được thưởng thức các nhạc cụ truyền thống, hát các làn điệu dân ca như: si nớt, o oát, chà chấp; cùng tiếng sáo pi, sáo khsui, kèn amam, đàn achung, pư kua...
Bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết, kể từ khi đón chào du khách lên với Ngân Thuỷ, cuộc sống của đồng bào Bru Vân Kiều ngày càng thay đổi. Bên nếp nhà sàn, các đồ đạc được dọn dẹp ngăn nắp, khắp các đường thôn bản được giữ vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, người Bru- Vân Kiều ở đây đã từng bước biết làm du lịch với sự niềm nở, thân thiện, mộc mạc như hương nếp than thơm nồng, lôi cuốn du khách gần xa.
Theo đường Hồ Chí Minh rồi đường 12A huyền thoại, chúng tôi đến với bản Dộ-Tà Vờng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Ở trên những ngọn đồi bát úp, dưới chân dãy Giăng Màn, bản Dộ- Tà Vờng đẹp như bức tranh sơn thủy và ẩn chứa những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày (dân tộc Chứt). Từ trên cao nhìn xuống, giữa màu xanh thẫm của rừng già, xanh non của lúa rẫy, những ngôi nhà sàn của đồng bào người Mày trông thật bình yên.
Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, huyện Minh Hóa đã chọn Dộ-Tà Vờng để xây dựng thành bản nông thôn mới kết hợp du lịch cộng đồng. Ở bản bây giờ, nhà này nối nhà kia theo từng cụm, lối đi trong bản là những vườn cây, hoa trái với sắc xanh dịu mát. Từ sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, người dân bản Dộ-Tà Vờng đã trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, mở ra hướng sản xuất mới. Đây không chỉ giúp bảo đảm nguồn lương thực nhờ tận dụng được những thửa đất hoang ven suối, mùa vàng trên ruộng bậc thang mà còn tạo ra cảnh quan đẹp cho bản làng giữa màu xanh điệp trùng của núi rừng Trường Sơn.
Hy vọng với những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng, cùng với sự chân tình, cởi mở của người dân bản địa, trong tương lai không xa, bản Dộ - Tà Vờng sẽ là điểm đến đặc sắc, níu chân du khách khi đến với huyện Minh Hóa.
![]() |
Cùng bà con dân tộc Bru- Vân Kiều đốt lửa trại, giao lưu văn hoá |
Trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn...
Các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình. Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như lễ hội đập trống của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch; lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; hò thuốc cá huyện Minh Hóa đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và khách du lịch.
Có thể nói, những sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình đã bước đầu mang lại hiệu quả trong việc đánh thức, khai thác tiềm năng của vùng đất nơi đại ngàn Trường Sơn.
Tin mới nhất

Thanh Hóa: “Ghi điểm” với nhiều giải cao tại Ngày hội trình diễn cây Nêu

Thanh Hóa: Xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông

Đại đoàn kết toàn dân - Động lực làm nên sức mạnh Việt Nam

Tăng cường cơ chế hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Thanh Hóa: Độc đáo Phiên chợ và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” của đồng bào dân tộc thiểu số
Tin cùng chuyên mục

Văn hóa các dân tộc ít người đang mai một theo thời gian

Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc ở Khánh Hòa

Ninh Thuận: Độc đáo lễ hội Katê của người Chăm

Tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của tôn giáo trong dòng chảy văn hoá Việt Nam

Mang “Hương sắc’’ Tây Ninh ra Hà Nội

Longform | Áo dài Việt Nam: Từ biểu tượng văn hoá đến giá trị kinh tế du lịch

Khánh Hòa tổ chức cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh

Gia Lai: Cuộc sống mới của làng “chạy lũ” Kon Bông

Thanh Hóa: Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Lai: Niềm vui tại làng Pốt – Làng nông thôn mới

Chương trình nghệ thuật chủ đề quê hương, đất nước giúp học sinh hun đúc tình yêu văn hóa truyền thống

Khánh Hòa đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 5 - năm 2026

Khai mạc ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4

Những người lạc lõng trước bức tranh máu và hoa

Mặc trang phục dân tộc trong ngày khai giảng: Lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống

Cộng đồng người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại Slovakia

Lan toả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Thêm nguồn lực để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer

78 năm Cách mạng Tháng Tám: Tự hào về quá khứ và trách nhiệm với tương lai của đất nước
