Thái Nguyên: Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc
Cơ chế - Chính sách Thứ năm, 19/10/2023 - 16:43
Đưa hàng Việt về miền núi Thái Nguyên: Lan toả hàng Việt về vùng khó khăn Thái Nguyên: Đưa hàng Việt về miền núi xã Phú Lương |
Đổi thay tích cực
Ngay sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, bộ máy giúp việc để thực hiện, các cấp thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện.
Thái Nguyên triển khai hiệu quả chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Thainguyen.gov.vn |
Tỉnh xác định rõ, chương trình hướng đến những người yếu thế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nên cần huy động, sử dụng các nguồn lực thật hiệu quả, coi chương trình là cơ hội, động lực phát triển khu vực này.
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, những năm qua, Thái Nguyên đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng chương trình Mục tiêu quốc gia, đề án, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua đó phát huy được hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng, từng bước làm thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN.
Số liệu của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho 214 hộ, giải ngân tổng kinh phí 8.540 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ, với kinh phí 406,8 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí 12.283 triệu đồng; đầu tư khởi công mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại 13 xã khu vực III, xã có xóm đặc biệt khó khăn, xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chưa hoàn thành Chương trình 135; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước trên địa bàn 13 xã.
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch…
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, ông Phan Đức Cường: Quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thật sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì nơi đó có sự chuyển biến rõ nét. Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân; công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, phối hợp và phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì theo lĩnh vực được phân công.
Cùng với cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào vùng DTTS&MN của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó vươn lên. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng DTTS&MN toàn quốc…
Văn hóa truyền thống của đồng bào từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được nâng lên.
Ghi nhận tại huyện Đồng Hỷ - huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên có trên 50% dân số là đồng bào các DTTS, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu: Những năm qua, từ các chính sách của Trung ương và của tỉnh, hệ thống hạ tầng cơ sở ở các bản, làng của huyện ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế của người dân.
Đồng Hỷ luôn coi nhiệm vụ phát triển nâng cao đời sống vùng DTTS&MN có tầm quan trọng đặc biệt Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Đồng Hỷ |
Đồng Hỷ luôn coi nhiệm vụ phát triển nâng cao đời sống vùng DTTS&MN có tầm quan trọng đặc biệt. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở huyện Đồng Hỷ đang triển khai 10 dự án, với 11 tiểu dự án, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS trên 35 tỷ đồng.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu giai đoạn mới
Giai đoạn 2023 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân vùng DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; 100% trường, lớp học, trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Để hoàn thành mục tiêu, tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai 10 dự án và các tiểu dự án trong năm 2023 nhằm đảm bảo hoàn thành các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Các dự án bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn...
Đường giao thông tại thôn bản cơ bản được bê tông hóa |
Thông qua việc triển các dự án sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp, góp phần giảm nghèo bền vững; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Nguồn vốn thực hiện chương trình năm 2023 dự kiến trên 476 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 414 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 62 tỷ đồng.
Ngoài các công việc nêu trên, thời gian tới, tỉnh cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính hiệu quả.
Chắc chắn, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chung sức đồng lòng quyết tâm của toàn thể nhân dân, công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đem lại hiệu quả, đời sống vật chất tinh thần đồng bào DTTS &MN được nâng cao.