Bạc Liêu thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo
Cơ chế - Chính sách Thứ ba, 27/09/2022 - 20:49
Bạc Liêu có khoảng 91.000 người dân tộc thiểu số, chiếm gần 10% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Khmer là dân tộc có khó khăn đặc thù. Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, Nhờ thực hiện kịp thời, đầy đủ những chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer tại Bạc Liêu ngày càng được nâng cao.
Mới đây, Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp với Phòng Dân tộc và Tôn giáo thành phố Bạc Liêu đã tổ chức bàn giao 02 căn nhà tỉnh thương cho 02 hộ nghèo trên địa bàn thành phố Bạc Liêu gồm: hộ bà Thạch Thị Hiệu, xã Vĩnh Trạch và hộ ông Dương Chanh, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Tham dự buổi buổi bàn giao có đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh; đại diện lãnh đạo phòng Dân tộc và Tôn giáo thành phố Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân 2 xã cùng tham dự.
Được biết, đây là 2 trong tổng số 16 căn nhà do Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ xây dựng trong năm 2022. Mỗi căn nhà được hỗ trợ 40-50 triệu đồng, góp phần giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó khăn về nhà ở có được căn nhà xây dựng kiên cố để ổn định, an tâm lao động sản xuất và phát triển cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng ban bàn giao nhà tình thương cho hộ bà Thạch Thị Hiệu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu |
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân. Để nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi.
Bên cạnh đó, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào dân tộc, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống đồng bào như đỡ đầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ học tập, chăm lo về y tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đất ở, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất…
Theo thống kê, 5 năm qua có trên 4.000 hộ gia đình Khmer được giải ngân trên 20 tỷ đồng theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.
Cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính, đồng bào Khmer cũng được ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong 2 năm 2020, 2021, tỉnh đào tạo nghề cho hơn 3.000 lao động người Khmer; hơn 2.000 người được giải quyết việc làm. Mỗi năm, tỉnh cấp hơn 190.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, giúp bà con có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống… Từ năm 2016 đến năm 2021, trung bình mỗi năm, tỉnh có gần 3.000 hộ đồng bào Khmer được công nhận thoát nghèo. Đến tháng 12/2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%/tổng số hộ Khmer trong tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đã đưa hàng ngàn con em người dân tộc Khmer đi đào tạo theo chế độ cử tuyển; sau đó phân công, bố trí việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn.
Để thực hiện đồng bộ các chính sách về dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao trình độ dân trí, giải quyết việc làm, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng - vật nuôi cho bà con. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.