Dấu ấn phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
Kinh tế - Hội nhập Thứ bảy, 04/11/2023 - 07:00
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam đã sớm có tư duy hướng biển. Các hoạt động giao thương quốc tế gắn liền với bảo vệ chủ quyền cũng xuất hiện từ lịch sử hàng nghìn năm trước và ngày càng phát triển cho đến tận hôm nay.
Niềm tự hào về các thương cảng
Trong tâm thức bất cứ người Việt nào vẫn luôn in đậm câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu cơ với truyền thuyết “Con Rồng-Cháu Tiên” và câu 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển. Hay các điển tích về quả dưa hấu mà chàng trai Mai An Tiêm sống trên đảo hoang giữa biển đã làm ra. Đó là những khởi đầu cho thấy từ rất sớm người Việt đã có tư duy hướng biển, phát triển kinh tế biển.
Trên thực tế, những chứng tích, nguồn sử liệu, kết quả nghiên cứu, khảo cổ của các nhà khoa học cho thấy, từ rất sớm, người Việt đã có tư duy hướng biển, quan tâm khai thác kinh tế biển, phát triển hải thương, giao lưu quốc tế.
Về mặt khảo cổ, các nghiên cứu đã chứng minh vào thời Hùng Vương, bên cạnh phát triển kinh tế trong nước, chúng ta đã có hoạt động trao đổi hàng hóa, sản phẩm, nguyên liệu với thương nhân nước ngoài. Việc phân bố trống đồng từ thời Văn Lang và sau này của Việt Nam ở Đông Nam Á đã cho thấy rõ điều đó. Ngoài trống đồng còn có sự trao đổi các sản phẩm khác nữa như vũ khí, hương liệu…
Thương cảng Vân Đồn (Ảnh tư liệu) |
Thời kỳ cổ trung đại, chúng ta thường được nghe tới Thương cảng Vân Đồn, được mệnh danh là huyền thoại “thương cảng đệ nhất Đông Nam Á” được thành lập từ năm 1149 bởi vua Lý Anh Tông. Tuy nhiên, phải đến thời Trần, Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt.
Theo ghi chép của lịch sử, Vân Đồn nổi danh là thương cảng sầm uất, thịnh vượng bậc nhất khu vực Đông Nam Á trong chiều dài suốt 7 thế kỷ (từ thế kỷ XII đến XVIII), với sự tham gia của các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan...
Những ghi ghép của lịch sử cho thấy từ xa xưa, Nhà nước Đại Việt và người dân bản địa đã biết khai thác, phát huy được thế mạnh của vùng biển Vân Đồn, mở ra thời kỳ phát triển kinh tế bằng đường biển cực kỳ tiềm năng. Các hoạt động giao lưu hàng hóa trong nước, quốc tế đã biến vùng biển đảo này thành khu dân cư đông đúc, trù phú, tạo đà cho kinh tế đất nước phát triển và góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của cư dân nước Việt.
Một thương cảng khác cũng rất nổi tiếng vào thế kỷ 17-18 đó là Phố Hiến (Hưng Yên) bên bờ tả ngan sông Hồng. Ngoài kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ là thủ đô phồn vinh nhất nước, Phố Hiến đã là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai. Dân gian có câu: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".
Sử liệu cho thấy, không chỉ là đô thị phồn vinh, sự kết nối giao thương các tuyến đường sông với tuyến giao thương ven biển đã nối liền Phố Hiến với các thị trường xa hơn. Từ thời nhà Trần, các thương nhân người Hoa ở Xích Đằng đã có những mối liên hệ với các cảng Hội Triều (Thanh Hoá), Càn Hải và Hội Thống (Nghệ An). Thế kỷ 17-18, các quan hệ thương mại giữa Phố Hiến và vùng Sơn Nam với các phố cảng Đàng Trong thông qua các khách buôn nước ngoài càng được tăng cường, như các bến đò Phục Lễ, Phù Thạch, Thanh Hà, Hội An. Qua hai hệ thống sông Đàng Ngoài và sông Đáy, Phố Hiến còn bắt nhịp với các tuyến giao thương quốc tế ở biển Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á nhiều quốc gia phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…
Trong thế kỷ 17, có hai thương điếm phương Tây đã được dựng lên ở Phố Hiến đó là thương điếm Hà Lan (1637-1700) và thương điếm Anh (1672-1683). Đây là văn phòng đại diện kiêm nhà kho của các Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh.
Tại khu vực miền Trung, Hội An cũng là thương cảng nổi tiếng – nơi giao thương buôn bán với quốc tế từ trước thế kỷ IX. Các thương gia từ Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc kéo đến nơi đây để buôn bán và trao đổi vật phẩm.
Từ giữa thế kỷ XVI, chúa Nguyễn tập trung phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài, Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó thu hút các thuyền buôn của Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Các thương nhân người Nhật khi đó tới bán những đồ đồng, tiền đồng, sắt, đồ gia dụng… và mua lại đường, tơ lụa, trầm hương…
Lúc bấy giờ, Ấn Độ và Trung Quốc là hai vựa nguyên liệu lớn nhất thế giới và cũng là hai đầu mối quan trọng của con đường tơ lụa, gốm sứ nổi tiếng trên thế giới, và Hội An lại nằm ở trung tâm của con đường di chuyển giữa hai đầu mối quan trọng này. Cùng với những chính sách mở rộng giao thương của triều Nguyễn, thương cảng Hội An đã thu hút nhiều thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Xiêm…tập nấp đến giao thương.
Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).
Hội An ngày nay (Ảnh Khoa Artist) |
Hội An khi đó được xem là trung tâm điều phối cho các thương cảng miền Trung như Thanh Hà (Huế), Thị Nại (Bình Định) và cùng với các cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên… trở thành những thương cảng trọng yếu ở Đàng Trong. Không những thế, với vai trò là trung tâm liên vùng, Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayuthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Lyzon (Philippin)…nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc) tạo nên một hệ thống thương mại hoàn chỉnh của châu Á.
Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc
Không chỉ phát triển kinh tế, giao thương quốc tế, cha ông ta từ rất sớm đã cử người ra các đảo xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa…vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa phát triển kinh tế biển.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1467, các vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh điều tra hình thế sông núi thuộc địa phương để vẽ thành bản đồ. và Bộ Hồng Đức Bản Đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có các vùng biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã ghi lại khá toàn diện hình ảnh của quốc gia Đại Việt ở cuối thế kỷ XV.
Sự hiện diện của Hoàng Sa và Trường Sa trong Hồng Đức Bản Đồ cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh đã hết sức quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo.
Các thời vua chúa sau đó đã tiếp tục khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt thời chúa Nguyễn đã thành lập các đội “Hoàng Sa” và “Bắc Hải”.
Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời vua Minh Mạng triều Nguyễn |
Theo các tài liệu, sách cổ, như: Dư Địa Chí; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên; Đại Nam Nhất Thống Chí…, nhiệm vụ của đội “Hoàng Sa”, “Bắc Hải” rất nặng nề, không thuần túy về mặt kinh tế, khai thác tài nguyên, mà còn đảm trách việc xem xét, đo đạc thủy trình và do thám, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đứng đầu đội “Hoàng Sa” là một “cai đội” cùng những thành viên được gọi là “dân binh”.
Trong Hải Ngoại Kỷ Sự (của Trung Quốc viết năm 1696) chép rằng: thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa”. Còn Phủ Biên Tạp Lục (viết năm 1776); Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (năm 1821); Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686) đều đề cập đến các hoạt động của đội “Hoàng Sa”.
Tiếp nối thời các chúa Nguyễn, dưới thời Tây Sơn, việc bảo vệ và khai thác các vùng đảo, quần đảo xa bờ vẫn được tiến hành thường xuyên.
Sau 4 năm dựng cờ khởi nghĩa (1771) kiểm soát từ Quảng Ngãi tới Bình Thuận (trên danh nghĩa vẫn thuộc triều Lê), chính quyền Tây Sơn đã khôi phục đội Hoàng Sa để khai thác nguồn tài nguyên phong phú và làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Phủ Biên Tạp Lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép rõ rằng: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy…”.
Triều Tây Sơn còn tăng cường sức mạnh thực thi chủ quyền bằng việc đóng những chiến hạm lớn, hỏa lực mạnh với những kỹ thuật tiên tiến nhất thời đó. Trong sách Thánh Vũ ký, Ngụy Nguyên (1794-1857) mô tả: Thuyền của Tây Sơn cao, to hơn thuyền của nhà Thanh, trên đặt nhiều súng, hoành hành lâu năm trên mặt biển và nếu quân Thanh gặp thì cũng khó có thể địch được.
Dưới thời Gia Long, đội Hoàng Sa còn đảm trách thêm một nhiệm vụ đặc biệt là xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa và do thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về bọn cướp biển...
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn |
Khi vua Minh Mạng trị vì đất nước, đã cho lực lượng thủy quân của mình tiếp tục quản lý, khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng trên các hải đảo, nhất là tại các khu Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung và phổ biến trước đây về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa). Việc đầu tư cải tiến kỹ thuật đóng thuyền cho cư dân đi biển đã được tiến hành sâu rộng, tăng cả số lượng, chủng loại tàu thuyền. Đặc biệt, vua Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng và tàu hơi nước theo mẫu của người Pháp. Bên cạnh việc khai thác, tuần phòng trên biển, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm Qúy Tị (1833), Ất Mùi (1835), Bính Thân (1836)…
Ở thời đại Hồ Chí Minh, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo tiếp tục được duy trì mạnh mẽ bằng các biện pháp ngoại giao, hoà bình. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn ngày đêm giữ chắc tay súng trên các chuyến hải trình, tại các đảo để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, vừa giúp ngư dân bám biển, khai thác nguồn tài nguyên của biển, phát triển kinh tế; các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, nghiên cứu biển được phát triển mạnh mẽ. Tại các đảo, hoạt động đầu tư hạ tầng và phát triển dịch vụ nghề cá tiếp tục được quan tâm. Một đất nước thu nhỏ tại các đảo với đầy đủ hạ tầng giao thông, điện, nước, trường học, bệnh xá, chùa chiền, cơ quan công sở phục vụ công tác và sinh hoạt của quân và dân trên đảo.
Tiếp tục phát triển kinh tế biển và giao thương quốc tế
Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36 – NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển của thế giới (Ảnh Tạp chí Kinh tế Việt Nam) |
Theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, các Bộ ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc và đã đạt được nhiều thành tựu.
Trong đó đã hình thành hàng chục khu công nghiệp – kinh tế ven biển, phát triển hệ thống cảng biển quy mô lớn; tăng cường các dịch vụ hàng hải, vận chuyển, phát triển công nghiệp đóng tàu… Việt Nam hiện đã hình thành được một hệ thống cảng biển hoàn chỉnh từ Bắc vào Nam với 286 bến cảng.
Hệ thống cảng biển hiện nay được quy hoạch đồng bộ gắn liền với các trung tâm, vùng kinh tế lớn của cả nước. Đặc biệt, các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất – nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng đã hình thành rõ nét và đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế như: Cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cụm Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) – Bà Rịa – Vũng Tàu và Cảng container Quốc tế Tân Cảng (HICT) – Hải Phòng được xếp vào những cảng container nước sâu đón được tàu siêu trường, siêu trọng trên hải trình thế giới.
Về tuyến vận tải, Việt Nam hiện nay đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa, trong đó ngoài các tuyến châu Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ, phía Nam đã hình thành được 16 tuyến đi Bắc Mỹ và châu Âu; đứng vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Nhờ các hoạt đông hội nhập kinh tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), xuất nhập khẩu hàng hoá luôn có tăng trưởng 2 con số. Trong lĩnh vực vận tải biển hiện đảm nhiệm tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần hàng hóa tới các vùng miền; Dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và logisitcs tăng trưởng cao với mức bình quân trên 16%/năm trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay. Giai đoạn 2016-2020, khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển tăng 61,8%, bình quân mỗi năm tăng khoảng 10%.góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong năm 2020, Việt Nam xếp thứ 40/160 về mức độ phát triển dịch vụ logistics, tăng vượt bậc so với vị trí 53/160 ghi nhận năm 2010, và đứng thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 của hãng logistics hàng đầu thế giới Agility đánh giá chỉ số logistics của Việt Nam là 5.67/10, đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong số các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
Hay trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu, tính đến nay, cả nước có gần 100 nhà máy đóng tàu có trọng tải từ 1.000 DWT trở lên và có 68 nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Tổng công suất thiết kế của nhà máy đóng mới là 2,6 triệu DWT/năm. Các cơ sở đóng tàu thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp địa phương, tư nhân, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Dàn khoan khai thác dầu khí tại biển Đông |
Trong lĩnh vực dầu khí, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế - đối ngoại, ngân sách quốc gia, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế; đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Theo thống kê, đến nay Petrovietnam đã khai thác cả trong và ngoài nước được 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ mét khối khí, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate. Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam chiếm bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay.
Có thể nói, những thành tựu của kinh tế Việt Nam rất đáng tự hào bởi lẽ ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, tinh thần dân tộc, ý chí và khát vọng của người Việt luôn được khẳng định. Đó là nền móng vững chắc để các thế hệ người Việt tiếp tục vươn lên trong tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.