Khai thác hiệu quả hơn tiềm năng kinh tế biển, đảo
Kinh tế - Hội nhập Thứ ba, 09/02/2021 - 20:35
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tại Đại hội XIII của Đảng, đánh giá: Trong nhiệm kỳ 2016-2020, nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã được nâng lên, đã chú trọng và tập trung đầu tư vào việc khai thác các tiềm năng to lớn của biển đảo, cảng biển, phát triển dịch vụ du lịch biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản... Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế, xã hội trên biển, đảo cải thiện rõ rệt, nhất là các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển và hải đảo ngày càng được cải thiện...
Tuy nhiên, báo cáo cũng đã chỉ ra hạn chế trong phát triển kinh tế biển, đó là vẫn chưa có sự gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; chưa xây dựng được thương cảng quốc tế và tập đoàn kinh tế biển mạnh tầm cỡ khu vực...
Tiềm năng kinh tế biển đảo còn rất lớn cần khai thác hiệu quả. Ảnh minh họa |
Đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy, tuy kinh tế biển và ven biển đến nay đã có bước phát triển tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức về phát triển bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển vẫn diễn ra ở nhiều nơi; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; khai thác tài nguyên biển quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; liên kết giữa các vùng biển, ven biển với các vùng nội địa, địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả...
Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong định hướng cơ cấu lại một số ngành kinh tế giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã yêu cầu: Phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Huy động nguồn lực, khuyến khích phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh. Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Ngăn ngừa, kiểm soát và làm giảm ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực giảm thiểu chất thải nhựa đại dương...
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng, để tận dụng và phát huy tối đa lợi thế sẵn có của biển, cần sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vấn đề biển đảo; quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo. Lấy khoa học công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao làm yếu tố đột phá cho quá trình vươn ra biển và làm chủ biển. Đồng thời, coi phát triển bền vững, phù hợp với quy luật tự nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái là phương châm hành động thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo.
Trong các ngành hiện nay, có thể xem đánh bắt thủy hải sản, dầu khí, du lịch và đóng tàu... là thế mạnh kinh tế biển Việt Nam. Cần xây dựng, phát triển một số cảng biển ngang tầm khu vực và thế giới. Phát triển mạnh hệ thống cảng biển quốc gia, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế đối với các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng nhanh năng lực bốc xếp hàng hóa, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh hội nhập quốc tế.