Về sinh hoạt và tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam
Tôn giáo - Tín ngưỡng Thứ tư, 08/11/2023 - 16:26
Những chuyển biến lớn trong pháp luật để đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam Ðổi mới công tác truyền thông về dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới |
Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam rất đa dạng và phong phú, gắn liền với nhiều lĩnh vực của đời sống con người từ những biểu hiện chung đến những biểu hiện riêng của cộng đồng và cá nhân.
Trải qua một quá trình dài hình thành và phát triển, tín ngưỡng và tôn giáo cùng với những biểu hiện sinh hoạt của nó ở Việt Nam đã tạo ra những nét đặc sắc và riêng khác trong cả cách bộc lộ tự do cũng như có được sự bảo đảm qua pháp luật của nhà nước.
Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Ảnh minh họa |
Đặc tính sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam
Khi nói tới tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam thì bất cứ một người Việt Nam nào cũng sẽ hình dung ra một bức tranh vô cùng sống động và phong phú các biểu hiện và hoạt động của nó. Vì thế, nhiều công trình nghiên cứu của các học giả cũng như của các trung tâm nghiên cứu viết về những đặc điểm của tôn giáo tín ngưỡng, và sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam đã chỉ ra nhiều đặc điểm với những khía cạnh hết sức đa dạng và phong phú.
Việt Nam nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, nơi tiếp nhận các luồng văn hóa của nhiều tộc người với nhiều luồng văn minh đa dạng, đây cũng là nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với thiên nhiên khá phong phú và phân biệt. Trong lịch sử phát triển của mình, người Việt dựa nhiều vào điều kiện của tự nhiên nên nhiều vị thần đã dần hình thành trong tâm thức của họ. Chính vì thế, đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của người Việt mang tính hỗn dung. Cùng với sự sự du nhập của các tôn giáo trên thế giới, người Việt đã chủ động tiếp nhận và cải biến chúng cho gần gũi với tư tưởng, tôn giáo bản địa. Do vậy, song hành với sự phát triển của tôn giáo, các tín ngưỡng truyền thống vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của người dân. Phần lớn họ đều có nhu cầu đối với tôn giáo song cũng phần đông họ không phải là chỉ riêng của một tôn giáo cụ thể nào. Một người vừa có thể đến chùa, vừa có thể đến phủ. Đây chính là đặc điểm nổi bật đầy ấn tượng về lòng khoan dung tôn giáo ở Việt Nam.
Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2017 của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chỉ ra rằng, “Việt Nam chưa từng ghi nhận tình trạng xung đột giáo phái vì lý do tôn giáo… Ít khi xảy ra bạo lực tôn giáo do người dân gây ra.” Điều này được thể hiện qua các hoạt động giao tiếp tôn giáo diễn ra hàng ngày ở Việt Nam như giữa các Phật tử với các giáo sĩ Công giáo tại những vùng có văn hóa đa dạng như: Thái Bình, Vũng Tàu, An Giang; giữa Phật giáo và Hồi giáo ở Đồng Nai, An Giang; giữa Công giáo, Tin lành và người Thượng (người dân tộc thiểu số) theo tín ngưỡng truyền thống ở Tây Nguyên; người Tày, Mường sống hài hòa với người Phật giáo và Công giáo ở vùng Tây Bắc; người Chăm Bà La Môn và Chăm Bani có quan hệ tốt đẹp với người không cùng đạo; Phật giáo Nam tông và Bắc tông cũng gắn kết ở miền Nam Việt Nam.
Sự đa dạng, hỗn dung và khoan dung trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện rất rõ qua các số liệu thống kê. 26,4% dân số được xếp vào các tín đồ tôn giáo: 14,91% là tín đồ đạo Phật, 7,35% là tín đồ Công giáo La Mã, 1,09% là tín đồ đạo Tin lành, 1,16% là tín đồ đạo Cao Đài, và 1,47% là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Trong cộng đồng tín đồ Phật giáo, Phật giáo Bắc Tông là tôn giáo chính của dân tộc đa số, người Kinh (Việt), còn khoảng 1,2% dân số, hầu hết là nhóm dân tộc thiểu số Khmer, thực hành Phật giáo Nam Tông. Các nhóm tôn giáo nhỏ hơn cộng lại chỉ chiếm dưới 0.16% dân số, trong đó có khoảng 70.000 người dân tộc Chăm thực hành dòng đạo Hinđu riêng biệt ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ; khoảng 80.000 tín đồ Hồi giáo sống rải rác trên cả nước (trong đó khoảng 40% theo dòng Sunni; 60% còn lại theo dòng Bani Islam); khoảng 3.000 người theo đạo Baha’i; và xấp xỉ 1.000 người là tín đồ thuộc Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ki tô (thuộc Giáo hội Chúa Giê su Ki tô). Các nhóm tôn giáo bản địa (đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) chiếm tổng cộng 0,34%. Một nhóm nhỏ, phần lớn là người nước ngoài, theo đạo Do Thái cư trú ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các công dân khác tự nhận mình không theo tôn giáo nào, hoặc theo các tín ngưỡng thờ linh vật, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, các vị thánh bảo hộ, các anh hùng dân tộc, hoặc những người được kính trọng ở địa phương. Nhiều cá nhân kết hợp giữa các hình thức thờ cúng truyền thống và giáo lý tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Việt Nam có 42 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, 29.977 tổng số cơ sở thờ tự, 55.839 tổng số chức sắc.
Tính khoan dung khiến người Việt dễ dàng chấp nhận, dung hợp mọi tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo, tín ngưỡng ấy mặc dù rất khác nhau nhưng lại có thể cùng tồn tại, cùng đồng tôn, không xung đột, không chiến tranh, chỉ cổ xuý cho sự hoà đồng là chính. Khoan hoà trong đời sống tâm linh cũng là một triết lý sống của người dân Việt. Điều này thể hiện trong cách tiếp nhận các tôn giáo ngoại lai: Họ không quá cuồng tín, không chuộng lối tu khổ hạnh, giữ mức thăng bằng để đời sống được an vui, tự tại. Nhìn chung, người dân Việt xưa theo đạo Khổng nhưng không mấy ai thuộc hàng ngũ Nho thâm; theo đạo Phật nhưng không phải là những phật tử thuần thành; theo đạo Lão nhưng không quá mê đền phủ, sống tách khỏi nhân sinh. Người ta có thể vừa theo Nho giáo trong nếp sống gia đình, xã hội; theo Phật giáo trong nỗ lực diệt tham-sân-si, ý thức được luật nhân quả, nghiệp báo, luân hồi; và vừa theo Lão giáo trong cách sống an nhiên tự tại, không vướng bận bụi trần. Cái thế dung hợp này còn trở thành khuôn mẫu cho sự ra đời các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hoà Hảo sau này. Chúng ta thấy trong các tôn giáo đó nhiều giáo thuyết rất khác nhau được tổng hợp thành một tôn giáo rất cá biệt, không mâu thuẫn, không phân kháng.
Cùng với các tôn giáo, ở Việt Nam có một hệ thống tín ngưỡng dân gian đậm đặc và phong phú. Tín ngưỡng ở Việt Nam cũng có đầy đủ các thể loại như: Shaman giáo, Tôtem giáo, Linh hồn giáo,… Trong đó có một số loại tín ngưỡng tiêu biểu là: Tín ngưỡng thờ Tổ tiên, thờ Thành hoàng làng và Thờ Tam phủ - Tứ phủ. Các loại tín ngưỡng hài hòa với tôn giáo mang đậm dấu ấn bản địa, góp phần vào quá trình kiến tạo và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống đặc biệt đa dạng và khoan dung ở Việt Nam.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm bằng pháp luật
Ngay khi nước Việt Nam bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, tôn giáo tham gia là bệ đỡ tinh thần cho sự phát triển của nhà nước.
Quan niệm cho rằng giữa chính quyền với các tôn giáo có quan hệ với nhau nhưng không phải quan hệ nội tại, thể hiện trong Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng vấn đề Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của tôn giáo. Chính quyền không can thiệp đến” và “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn luôn tôn trọng”. Sắc lệnh 234-SL năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tại Điều 1: “Chính phủ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Bằng nhận thức đó, chính quyền do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã xây dựng được khối đại đoàn kết tất cả những người theo và không theo tôn giáo vào cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những nhận thức mới. Thay vì coi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, Đảng lúc này nhận thức tôn giáo là một “thực tại xã hội”. Nghị quyết 24-NQ/TW của Đảng (10/1990) đưa ra đột phá về nhận thức: “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Sau nghị quyết 24 là nghị quyết 25-NQ/TW (3/2013) Về công tác tôn giáo đã có bước chuyển biến khẳng định những tư tưởng đổi mới về thực tại xã hội của tôn giáo một cách cụ thể hơn và rõ ràng hơn: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.”
Nhận thức trong nghị quyết 25 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở đường định hướng cho việc xây dựng Hiến pháp năm 2013 và Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 làm cơ sở cho việc sinh hoạt tôn giáo có sự đảm bảo của nhà nước Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới (tính từ năm 1990) đã có hơn 100 văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành mà điển hình như: Nghị định 69/HĐBT (năm 1991) về các hoạt động tôn giáo; Nghị định 26/NĐ-CP (1999) về các hoạt động tôn giáo (cùng các thông tư hướng dẫn thi hành); Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định 92/2012/NĐ-CP (năm 2012) Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg (năm 2008) của Thủ tướng Chính phủ Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo;... Ngoài ra còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật có điều khoản điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai,...
Đặc biệt, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 lần đầu tiên đã xác định không phải chỉ công dân mới có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà là quyền tự thân, vốn có của mọi người và được Nhà nước bảo hộ. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Sau Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã được ra đời năm 2016 và có hiệu lực từ năm 2018 đã kế thừa những quy định pháp luật đã có, đồng thời bổ sung các quy định mới nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong luật Tín ngưỡng tôn giáo đã bổ sung một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhờ thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các tôn giáo chung sống gắn bó, hòa hợp, đoàn kết nhau cùng tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của những giá trị lịch sử mang đậm tính truyền thống và bị tác động bởi yếu tố địa chính trị rõ rệt. Sinh hoạt tôn giáo biểu hiện khá tập trung và đậm nét qua sự đa dạng và khoan dung đi cùng với sự phát triển sớm của nhà nước và đặc biệt được khẳng định rõ ràng trong hệ thống luật định của nước Việt Nam thời kỳ đổi mới. Mọi biểu hiện của sinh hoạt tôn giáo có liên quan chặt chẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hài hòa của giá trị tinh thần tôn giáo ở Việt Nam. |