Đắk Lắk: Phát triển toàn diện, bền vững đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Cơ chế - Chính sách Thứ năm, 14/07/2022 - 18:15
Đắk Lắk: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ thông tin Đắk Nông: Từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số |
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục đích nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đã đề ra, nhằm phát triển toàn diện, nhanh, bền vững các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh và của cả nước.
Bên cạnh đó, kế hoạch còn phát huy vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc. Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của hệ thống chính trị.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, các nhiệm vụ chính của kế hoạch bao gồm: Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Xác định và phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc; đổi mới tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo hướng tinh gọn, đồng bộ, thống nhất, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đa dạng các hình thức phát triển kinh tế |
Trong đó, về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh; có thể sử dụng lao động tại chỗ; chú trọng cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (quốc gia, cấp tỉnh, đặc sản địa phương) gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Về lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: tỉnh Đắk Lắk sẽ rà soát, quy hoạch hợp lý các ngành công nghiệp, lựa chọn một số ngành, lĩnh vực chủ yếu, có tiềm năng, thế mạnh để ưu tiên phát triển gắn liền với tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng; xây dựng phương án phát triển các Đoàn kinh tế - quốc phòng, Khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng dưỡng dụng, liên kết với công nghiệp dân sinh.
Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ổn định dân cư tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát; thiết kế, thi công các công trình phù hợp với đặc thù của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Còn đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ, du lịch: địa phương xác định chú trọng phát triển kinh tế biên mậu với nước làng giềng Campuchia; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mới ký kết để tăng cường xuất khẩu sang các nước và các thị trường mới, song song với bảo vệ sản xuất, thương hiệu các sản phẩm Việt Nam và lợi ích của người tiêu dùng. Thúc đẩy lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nội vùng, liên vùng thông qua hệ thống chợ đầu mối và các hội chợ xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển các kênh phân phối và thương mại điện tử; phát triển các mô hình sản xuất kinh 8 doanh mới, kinh tế chia sẻ phù hợp đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; du lịch lịch sử - văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, du lịch “trải nghiệm”, du lịch “nông nghiệp”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương từng vùng.
Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo và y tế; đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp, trong đó đặc biệt ưu tiên xóa mù chữ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và khả năng bố trí việc làm tại địa phương.
Tỉnh Đắk Lắk chú trọng nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số |
Bên cạnh đó sẽ rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dạy song hành tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp và thực hiện hiệu quả các chính sách giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ và trẻ em; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng. Tiếp tục truyền thông về bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Có cơ chế để phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và các dịch vụ tư vấn về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Thí điểm các mô hình, tiến tới nhân rộng các cơ sở y tế kết hợp quân - dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc cũng được quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm tạo ra sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số; giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp thông qua ngôn ngữ, chữ viết, các ngày lễ, hội, buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.