Bắc Kạn: Trợ sức cho phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Kinh tế - Hội nhập Thứ tư, 27/10/2021 - 10:36
Năm 2021, lần thứ 4 sản phẩm miến dong Nhất Thiện Ba Bể của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện (xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia. Để có được kết quả này, hộ kinh doanh đã được sự đồng hành bền bỉ của Chương trình khuyến công tỉnh Bắc Kạn trong nhiều năm qua.
Chỉ riêng năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện, kinh phí hỗ trợ 60 triệu đồng. Phòng trưng bày được đầu tư trang thiết bị phù hợp, tạo không gian hiện đại, tiện ích phục vụ được nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, giúp hộ kinh doanh truyền tải được đầy đủ nhất thông tin về cơ sở sản xuất cũng như sản phẩm tới khách hàng đến tham quan, tìm hiểu và giao dịch mua hàng.
Trước đó, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện cũng đã được hỗ trợ thực hiện đề án khuyến công “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất miến dong”, kinh phí 350 triệu đồng cho đầu tư máy sấy dẻo MSD 750. Thiết bị này cùng với dây chuyền máy móc mới đầu tư giúp phần lớn các công đoạn sản xuất chính được cơ giới hóa. Năng lực sản xuất theo đó tăng đáng kể, không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và giảm chi phí nhân công lao động. Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh ổn định, sản lượng miến dong trung bình đạt 550 tấn/năm, tạo việc làm cho 55 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Bắc Kạn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu |
Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện với sản phẩm miến dong Nhất Thiện Ba Bể là một trong số nhiều cơ sở, sản phẩm CNNT tiêu biểu được Sở Công Thương Bắc Kạn hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Công ty CP Nông sản Bắc Kạn cũng đã được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng thông minh. Áp dụng phần mềm này, doanh nghiệp đã giảm được 30% thời gian thao tác và quản lý dữ liệu hàng hoá; giúp chủ cửa hàng giảm từ 1-3 giờ trở lên phải có mặt ở cửa hàng; giảm từ 30% lượng hàng hoá thất thoát; tiết kiệm chi phí vận hành cửa hàng, trong đó có chi phí thuê nhân viên. Trang bị phần mềm quản lý bán hàng cũng giúp hiện đại hoá công cụ bán hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh doanh bán lẻ.
Ngoài ra, Sở Công Thương Bắc Kạn cũng đã hỗ trợ các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia của tỉnh tham gia, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ triển lãm trong nước. Từ đó, giúp các cơ sở CNNT tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, ký kết hợp đồng với các nhà phân phối, đồng thời thông qua các hội chợ triển lãm, hàng hoá của các doanh nghiệp các sản phẩm địa phương được người tiêu dùng trong cả nước và nước ngoài biết đến nhiều hơn.
Sở Công Thương tỉnh cũng đã hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu được chứng nhận quảng bá sản phẩm từ nguồn vốn xúc tiến thương mại, hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, hội nghị về nâng cao năng lực quản lý, qua đó trang bị những kiến thức cần thiết trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích thị trường, quản trị và xây dựng thương hiệu giúp các cơ sở CNNT nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Có thể thấy, việc hỗ trợ các sản phẩm CNNT tiêu biểu của Bắc Kạn những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên có một thực tế, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, sản xuất vẫn mang nặng thủ công, theo lối mòn do vậy việc tạo ra sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chí sản phẩm CNNT tiêu biểu chưa nhiều, chưa đa dạng. Điều này cũng khiến số lượng sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, khu vực của tỉnh còn khiêm tốn và chưa có nhiều sản phẩm mới.
Để gia tăng số lượng sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận, đồng thời tạo lực lượng sản phẩm “đinh” để tăng sức lan toả, uy tín của sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh, Sở Công Thương Bắc Kạn lấy các sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được công nhận làm trung tâm hỗ trợ xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt nhằm tạo điển hình tăng khả năng lan tỏa. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm CNNT.
Sở Công Thương Bắc Kạn cũng đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, xem xét, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.