Gỡ điểm yếu về xúc tiến thương mại cho các địa phương khu vực biên giới
Kinh tế - Hội nhập Thứ tư, 25/08/2021 - 09:52
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, năng lực thị trường và năng lực xúc tiến thương mại (XTTM) là điểm yếu của nông dân, doanh nghiệp tại khu vực biên giới. Điều này đã hạn chế khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông lâm thủy sản của các địa phương khu vực biên giới.
Điểm yếu trên được thể hiện rõ nhất trong thương mại biên giới với thị trường Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc siết chặt thực thi các chính sách thương mại biên giới theo hướng ngày càng đi vào chính quy, nền nếp trên cơ sở các quy định, chính sách đã ban hành trước đây; tăng cường công tác thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền, thông qua các biện pháp như tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặc dù Bộ Công Thương đã liên tục thông tin, tuyên truyền về những thay đổi trên nhưng đến nay, một số cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nắm bắt thông tin, chưa nhận thức đầy đủ. Thậm chí vẫn duy trì cách thức sản xuất, làm ăn manh mún, tiếp tục sử dụng phương thức xuất khẩu tiểu ngạch, dẫn đến ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả.
![]() |
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá cho bà con các khu vực biên giới |
Về phía các địa phương, tại Hội nghị phát triển kinh tế các khu vực biên giới, do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, đại diện nhiều tỉnh đã nêu khó khăn và kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ cho triển khai các hoạt động XTTM, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, nhất là nông sản cho bà con vùng biên. Trong đó, Lai Châu, Đắk Lăk, Kiên Giang đề nghị hỗ trợ thông tin, tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản; Quảng Ninh đề nghị hỗ trợ thực hiện các chương trình phát triển thương mại điện tử nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh vào các thị trường trong nước và xuất khẩu; Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Tĩnh, ThừaThiên Huế, Kon Tum, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp địa phương có cơ hội quảng bá, XTTM, đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh các thị trường truyền thống (Campuchia, Lào, Trung Quốc) và thị trường mới…
Với các đề xuất trên, trong chức năng nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã nỗ lực hỗ trợ, tạo tối đa thuận lợi cho các địa phương triển khai các hoạt động XTTM tiêu thụ hàng hoá, gia tăng xuất khẩu cho khu vực biên giới. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế cả về nguồn ngân sách và điều kiện thực tế tại địa phương, để nâng cao năng lực XTTM tại khu vực biên giới, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tăng cường phối hợp với các tỉnh biên giới trong hoạt động XTTM nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp khu vực biên giới tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương quan tâm, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực của khu vực biên giới; quan tâm quảng bá, truyền thông thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của khu vực biên giới có hiệu quả, trọng tâm và định hướng theo thị trường.
Cùng đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa Bộ Công Thương và các Sở Công Thương các tỉnh biên giới về nhu cầu, dung lượng, thị hiếu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu… để kịp thời khuyến cáo các doanh nghiệp khu vực biên giới thích ứng và thay đổi phương thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các tỉnh biên giới khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tại khu vực biên giới thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn, quy hoạch các vùng trồng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản lượng hàng hóa ổn định.
Tin mới nhất

Bộ Công Thương: Những nỗ lực nâng cao và lan toả tinh thần dân tộc

Thúc đẩy ngành Halal Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, toàn diện

Longform | Những “sứ giả kinh tế” làm rạng danh hàng hoá, thương hiệu Việt trên thế giới

Thành tựu kinh tế song hành phát triển quyền con người ở Việt Nam: Dấu ấn tự hào sau gần 40 năm

Dấu ấn phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
Tin cùng chuyên mục

Kết nối tăng tín dụng trên miền đất bazan

Kiên Giang: Đồng bào Khmer đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế

Bộ Công Thương: Nhiều giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương

Cần có giải pháp mang tính đột phá về văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong bối cảnh mới

Longform | Tự hào những thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới

Chuyên gia kinh tế: Xây dựng chợ miền núi gắn với du lịch và lan toả văn hoá vùng miền

Tỉnh Yên Bái nỗ lực đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc, miền núi

Gia Lai: Kết nối cung cầu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc Mông ở Sà Phìn (Hà Giang) phát triển kinh tế nhờ chính sách dân tộc

Cao Bằng: Điểm đến, kết nối và phát triển

Giải pháp nào khai thác giá trị văn hoá trong tiêu thụ sản phẩm của bà con dân tộc?

Phú Thọ phát huy hiệu quả các nguồn lực và bản sắc văn hóa địa phương

Quảng Ngãi: Đưa sản phẩm miền núi đến với người tiêu dùng

Đưa văn hoá vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng dân tộc: Cần tổng hoà nhiều giải pháp

Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Longform | Chè Suối Giàng và ước mơ thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế

Thương cảng Hội An: Từ thương cảng xưa để nhìn về phát triển kinh tế biển ngày nay

Nâng cao năng lực nội sinh, tự lực, tự cường của nền kinh tế Việt Nam
