Nghệ An: Về làng nghề mây tre xuất ngoại
Kinh tế - Hội nhập Thứ hai, 28/02/2022 - 08:55
Mây tre đan ra nước ngoài
Bản Diềm xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, khu vực biên giới Việt - Lào. Nơi đây có hơn 153 hộ đồng bào dân tộc Thái và người Đan Lai sinh sống. Theo lời người dân trong bản, tận dụng nguồn nguyên liệu từ rừng với các loại cây mây, tre, bà con bản Diềm đã tạo ra những vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như rổ, rá, thúng, mủng...và mang bán khắp nơi. Tuy nhiên, có thời điểm làm ra không bán được, vì thế nhiều người trong bản đã phải đổi nghề để mưu sinh.
Bà Hoa (áo xanh) - được xem là người tiên phong đưa sản phẩm bản Diềm ra nước ngoài |
Bàn tay khéo léo của bà con đã dần giúp những sản phẩm ngày một nức tiếng và vang danh ra tận thị trường các nước Đức, Pháp, Nhật…"Tuy nhiên, được thành tựu đó, các sản phẩm của bà con cũng trải qua thăng trầm khắc nghiệt" – bà Lang Thị Hoa (59 tuổi) – Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) mây tre đan bản Diềm chia sẻ thời khó của nghề làm mây tre đan. Những cánh rừng tre rộng bạt ngàn bị thu hẹp dần, nguyên liệu dần khó khăn.
Nguồn nguyên liệu khan hiếm, sản phẩm làm ra không bán được. Nhiều người dân bỏ nghề. Và để duy trì nghề sống, bà Hoa tự mày mò đến khắp mọi nơi từ tìm nguyên liệu, học thêm cách làm mới. Bà Hoa tâm sự: "cả đời gắn bó với nghề, bỏ thì tiếc. Nên cũng phải mày mò khắp nơi để quyết tâm giữ nghề. Chỉ lo sau này lớp trẻ không nối nghề".
Vừa tranh thủ hoàn thiện chiếc khay đựng trái cây, bà Lang Thị Hoa chia sẻ: “Ngày trước, ở bản Diềm già, trẻ, gái trai hầu như ai cũng biết đan. Sống giữa núi rừng, nguyên liệu đan rất sẵn, từ cây luồng, cây giang đến sợi mây chỉ cần bước ra sau núi. Các vật dụng trong nhà chủ yếu do mọi người tự đan lát, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa an toàn khi sử dụng”.
Mãi đến năm 2016, thực hiện việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, HTX mây tre đan bản Diềm được thành lập với 17 thành viên ban đầu. Đây chính là bước đánh dấu sự phục hồi và đi lên mạnh mẽ của làng nghề.
Không chỉ du khách nước ngoài, sản phẩm làng nghề còn được ưa chuộng trong nước. |
Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề bản Diềm dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Theo lời bà Lang Thị Hoa, các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề bản Diềm dần có mặt tại các Hội chợ Thương mại lớn, buổi triển lãm từ trong tỉnh đến ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn… và được nhiều người biết đến.
Hằng năm, ngoài thị trường trong nước, bản Diềm còn xuất ngoại vài đợt hàng với số lượng lên đến hàng trăm sản phẩm. Qua đôi bàn tay khéo léo của bà con trong bản lành nghề, từ cây tre, cây luồng, cây mét…. kết hợp đã trở thành chiếc bàn, chiếc khay, chiếc ghế… chắc đẹp và đa dạng mẫu mã. Sức sống mới bừng lên ở làng nghề đan lát bản Diềm...
"Bà con giờ đan lát quanh năm. Mỗi sản phẩm với giá từ 30.000 đến cả triệu đồng tùy mẫu mã. Tính hết chi phí vận chuyển và nhập nguyên liệu, bà con cũng đủ trang trải cuộc sống. Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3-4 lần so với các đơn hàng khác. Ví như cái mâm ở trong nước có thể bán được 3 triệu đồng nhưng nếu xuất khẩu có thể bán lên được 6-7 triệu đồng. Có tiền ai cũng thích làm, cả gia đình tôi cũng vậy thôi. Nhưng giữ được nghề và tạo việc làm ăn cho bà con nghèo địa phương mới là điều quan trọng nhất với tôi" – bà Hoa hào hứng.
Sinh kế cho người nghèo
Ở bản Diềm, chúng tôi dễ dàng cảm nhận được nhịp sống của người dân nơi đây đang rất nhộn nhịp. Trong đó, chỉ riêng cơ sở làm chổi tại nhà bà Hoa hàng chục lao động đang miệt mài làm việc để kịp giao chuyến hàng sắp tới để dự thi và qua Đức.
Đôi tay vừa thoăn thoắt đan, bà Hoa vừa kể chuyện từ khi mới lên 8 lên 10 đã biết phụ gia đình đan lát. Sau này lớn lên sống với nghề, có những thời điểm, “làng nghề gặp khó, tôi đã bỏ cả việc nhà để đi khắp nơi xin mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lát cho bà con, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nơi nào tổ chức hội chợ hàng thủ công nghiệp, tôi đều gồng gánh tìm đến để trưng bày các mặt hàng của tổ mình với hy vọng khách hàng biết đến. Tôi đã từng có mặt tại Hà Nội và Đà Nẵng thậm chí vào tận Sài Gòn để giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra còn lên tận các bản làng ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn tìm gặp các nghệ nhân đan lát để học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm về truyền lại cho bà con…” Bà Hoa nói.
Sản phẩm từ cây tre, cây mét đã giúp bà con bản Diềm từng bước thoát nghèo |
Hiện tại làng nghề mây tre đan bản Diềm có 52 hộ với 54 người chủ yếu là người già trong bản. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập cũng giảm, mỗi người có thể kiếm được 3-3,5 triệu đồng/tháng. Theo bà Lang Thị Hoa, trước đây mỗi tháng làng nghề xuất khẩu khoảng 500 sản phẩm, tuy nhiên do dịch Covid-19, sản phẩm xuất khẩu giảm đi một nửa. Mỗi tháng hợp tác xã cũng thu về cho bà con từ 250-300 triệu đồng. Gia đình bà Hoa và một người con cũng tham gia làm nghề mây tre đan, thời điểm chưa có Covid-19 thì mỗi tháng gia đình thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng. Nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng không xuất được nên chủ yếu bán nội địa vì thế thu nhập của gia đình còn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.
Bà Vy Thị Nội (73 tuổi)- một trong những người theo nghề đan từ ngày còn bé, vẫn đôi tay thoăn thoát xâu những sợi mây rất điêu luyện để tạo nên những sản phẩm khá tinh tế. Theo bà Nội, nếu ngày nào làm cật lực thì khoảng 2-3 ngày có thể xong được một sản phẩm bán được từ 2 đến 3 trăm ngàn đồng.
Cũng theo bà Nội – sản phẩm của bà con làm ra đều là đan lát thông thường, nên khó tiếp cận thị trường. Nghĩ là làm – bà cùng bà Hoa đã từng bước đưa hoa văn, họa tiết của các mặt hàng thổ cẩm trên khăn, váy áo của người Thái sang đan lát. Bà còn tận dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở trong rừng về giã và nấu lên, nhuộm nan thành các màu sắc khác nhau để làm thành họa tiết nhiều màu sắc, rồi phối màu lên bề mặt sản phẩm. Những chiếc mâm, rổ rá và các vật dụng khác có hoa văn, họa tiết thực sự nổi bật và bắt mắt, không hề có hoá chất khiến khách hàng và du khách rất thích. Từ đó sáng kiến được toàn tổ triển khai và số lượng sản phẩm bán ra tăng lên rõ rệt. Những chiếc đĩa đựng hoa quả, mâm cơm, bàn trà…với đủ hình dạng, hoa văn lần lượt ra đời.
Từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tạo cơ hội cho Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm. Năm 2018, những đơn đặt hàng từ nước ngoài như Đức, Pháp, Nhật…bắt đầu đến với bà con bản Diềm. Thời điểm đó, mỗi tháng có 3-5 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm đã đem lại thu nhập đáng kể, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
Trao đổi về kế sinh nhai ở địa phương, ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông- cho biết: " HTX mây tre đan bản Diềm đang trên đường xuất ngoại bắt đầu mang về lợi nhuận kinh tế cho bà con. Tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ".
Hướng tới tương lai làng nghề, ông Quý chia sẻ thêm: "Con Cuông có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, để gìn giữ, phát huy làng nghề mây tre đan này, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ và vừa vay vốn; đồng hành cùng bà con mang sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, chúng tôi kết hợp đào tạo nghề nhằm nhân rộng ra cho bà con, để họ làm được những sản phẩm đẹp mang tính cạnh tranh, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống".