Tỉnh Sơn La trải thảm đỏ thu hút dự án chế biến nông sản
Kinh tế - Hội nhập Thứ hai, 23/05/2022 - 17:01
Đó là một phần nội dung trao đổi của ông Nguyễn Thành Công- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với phóng viên Báo Công Thương.
Thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản là định hướng được tỉnh Sơn La tập trung thực hiện trong những năm gần đây, xin ông chia sẻ một vài điểm nổi bật về nội dung này?
Có lợi thế lớn về diện tích và sản lượng nông sản, bao gồm cả cây công nghiệp và cây ăn quả, tỉnh Sơn La quyết tâm trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả vùng Trung du miền núi phía Bắc. Do đó, tỉnh rất chú trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến.
Địa phương hiện có 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó 17 nhà máy có quy mô lớn. Cụ thể, chế biến cây công nghiệp, tiêu biểu là sắn tỉnh có Nhà máy chế biến sắn BHL Sơn La của Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Sơn La và Nhà máy tinh bột sắn Sơn La trực thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Phú Yên; cây cà phê có Nhà máy chế biến cà phê Minh Tiến, Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Phúc Sinh.
Ông Nguyễn Thành Công- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La |
Trong lĩnh vực chế biến rau, quả, địa phương cũng thu hút nhiều dự án lớn, bao gồm cả dự án của doanh nghiệp FDI như Nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc và nhiều dự án của nhà đầu tư trong nước: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH, riêng Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2022.
Sản phẩm sau chế biến rất đa dạng và phong phú như nước: Xoài ép, dứa ép, nước chanh có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều thị trường xuất khẩu.
Thực tế, việc thu hút dự án chế biến nông sản giai đoạn vừa qua đã góp phần rất quan trọng trong việc gia tăng giá trị sản phẩm và giải quyết được bài toán mùa vụ, Sơn La tiếp tục triển khai định hướng này trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, tỉnh tích hợp Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND Ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La và các chính sách khác của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương để ra được cơ chế chính sách đủ mạnh thu hút và mời gọi đầu tư vào chế biến nông sản. Ví dụ, tỉnh hỗ trợ một số hạ tầng cơ bản như điện, đường giúp nhà đầu tư thuận lợi xây dựng và vận hành các công trình.
Một trong những nỗi lo của các dự án chế biến nông sản là thiếu và chất lượng nguồn nguyên liệu không ổn định, vậy Sơn La có giải pháp gì để giải toả nỗi lo này cho nhà đầu tư, thưa ông?
Dự báo được yếu tố này, từ nhiều năm nay Sơn La đã nỗ lực liên kết vùng trồng để khi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến có vùng nguyên liệu chất lượng tốt và chạy hết công suất.
Tỉnh Sơn La tích hợp nhiều chính sách nhằm thu hút các dự án đầu tư chế biến nông sản |
Mặt khác, như đã nói, Sơn La có diện tích nông sản khá lớn, trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm. Sản phẩm trái cây của Sơn La đa dạng, phong phú, như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn,… Hiện có 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Tỉnh cũng mới được công nhận thêm 3 mã số vùng trồng nữa.
Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương đạt 5.041 ha; diện tích cà phê áp dụng 4C, UTZ 16.542,9 ha cho 14.148 hộ gia đình…
Sơn La đang quyết tâm đến năm 2025 giữ vững ổn định và phát triển khoảng 100.000ha cây ăn quả. Sau đó tiếp tục phát triển chiều sâu với từng loại cây trồng, hướng tới mục tiêu thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị, tăng thu nhập trên 1 ha diện tích. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiêu thụ cây công nghiệp, nông nghiệp, cây ăn quả với tổng sản lượng trên 2 triệu tấn/năm. Với diện tích cây trồng, sản lượng và việc thâm canh, tăng năng suất như vậy Sơn La không lo thiếu nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các dự án chế biến nông sản, chế biến sau thu hoạch.
Được biết niên vụ năm 2022, Sơn La đã chủ động triển khai các hoạt động tiêu thụ nông sản cho bà con, trong đó phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, xin ông cho biết cụ thể về các hoạt động này?
Để xúc tiến tiêu thụ nông sản, trong thời gian qua Sơn La đã thực hiện nhiệm vụ này hết sức bài bản, chi tiết. Năm nay, được sự đồng ý của Bộ Công Thương, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ngay từ đầu năm. Riêng với Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022 đã được thực hiện rất tâm huyết, tỉ mỉ. Bên cạnh việc mời các nhà phân phối lớn trong nước, sàn thương mại điện tử, sự kiện còn được tổ chức trực tuyến với nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Tại sự kiện, đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường ngoài nước đã phân tích nhu cầu thị trường, đưa ra các góp ý giúp nông sản Sơn La tiếp cận thị trường thuận lợi hơn.
Năm nay, Sơn La đưa vào vận hành Sàn giao dịch và truy suất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh. Nội dung này rất quan trọng, bởi lẽ sản phẩm được đưa lên sàn giao dịch có truy suất nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Từ sàn giao dịch này, nông sản Sơn La có thể toả đi khắp thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng là công cụ hiệu quả để quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho bà con trên địa bàn tỉnh.