Cồng chiêng: Nét văn hóa độc đáo của người Mường
Dân tộc - Văn hóa Thứ sáu, 17/06/2022 - 22:11
Độc đáo nét văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Với người Mường, cồng chiêng không chỉ là vật thiêng, là công cụ giao tiếp giữa con người và thần linh mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình, bản làng.
Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của người Mường |
Từ xa xưa, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng, sáng tác ra những điệu nhạc mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình và được tạo dựng hoàn thiện trên nền văn minh nương rẫy cộng với văn minh lúa nước, lấy núi đá, hang động và âm thanh từ những thanh thạch nhũ là điểm khởi nguyên. Và khi cồng chiêng có mặt trong đời sống cộng đồng thì nó là nhạc khí, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của tầng lớp bình dân, được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Nhà nghiên cứu văn học dân gian Mường, ông Bùi Thanh Bình cho biết, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa của người Mường. Tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường.
Cồng chiêng khi làm hiệu lệnh thì sử dụng đơn chiếc, khi giữ vai trò nhạc cụ thì cấu thành một dàn chiêng. Một dàn chiêng ít nhất có từ 4 đến 6 hoặc 8 chiếc, đủ bộ là 12 chiếc. Đồng bào Mường cho rằng đó là biểu thị 12 tháng trong năm, giao hòa cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Tên gọi của cồng chiêng được gọi theo thứ tự. Chiêng một nhỏ nhất có âm cao nhất, tiếp đến là chiêng hai cho đến chiêng 12 thuộc loại lớn nhất có âm trầm nhất, còn kích thước của nó thì ngược lại. Một dàn chiêng có 3 loại: 4 chiêng dàn, 4 chiêng bồng, 4 chiêng tlé.
Người Mường tôn thờ chiêng, cho rằng cồng chiêng cũng có phần hồn nên khi cất chiêng phải cẩn thận đặt ngửa lên, bởi nếu úp xuống thì chiêng sẽ bị mất tiếng. Khi mang cồng chiêng đi bất cứ đâu cũng phải làm lễ thỉnh chiêng, tức là đánh vài nhịp trước khi đi để xin phép hồn chiêng.
Cồng chiêng tham gia vào tất cả những sinh hoạt văn hóa, xã hội của người Mường như hát: Sắc Bùa, lễ cưới, đi săn, kéo gỗ, dựng nhà, tang lễ, tết cơm mới, khi bản làng gặp thú dữ… bản Mường đều rộn rã tiếng cồng chiêng đầy quyền uy và sự thúc giục. Hội mùa xuân có sức hút kỳ lạ đối với tất cả cộng đồng người Mường. Bản Mường thường tổ chức thành những phường cồng chiêng đi chúc Tết các gia đình gọi là Sắc Bùa. Mỗi phường thường có 15 đến 30 người mang cồng chiêng cùng với các tặng phẩm như gạo tẻ, gạo nếp, bánh trái, trầu cau… đi chúc phúc cho từng nhà. Khi bắt đầu đi, phường tấu bài “Đi đường”, đến nhà nào thì tấu bài “Chúc phúc”. Cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới, giúp điểm nhịp, cổ vũ các giọng hát khi giao lưu tạo nên không khí vui nhộn, phấn khích.
Trong việc tang lễ, khi gia đình có người qua đời, họ đổ liền ba hồi chiêng để báo hiệu, bản Mường náo động hẳn lên, nhận được tín hiệu chẳng lành, mọi người kéo đến gia chủ có chuyện bất an để chuẩn bị tang lễ. Đêm cử hành tang lễ, chiêng mo liên tục hòa nhịp với diễn xướng “Đẻ đất”, “Đẻ nước”, “Mo cuổi lìa” (từ biệt người quá cố). Dàn cồng chiêng còn đưa người chết ra tận nghĩa địa rồi tấu bài “Giã biệt” cho tới khi hạ huyệt.
Khi có thú dữ kéo đến phá bản làng hoặc khi đi săn trong rừng, người Mường thường sử dụng những chiếc cồng chiêng có kích thước nhỏ nhất trong dàn. Tín hiệu báo có thú dữ đến thì đánh một tiếng kéo dài (Chiêng số 1) rồi một hồi ba tiếng (Chiêng số 2). Khi đi săn thú thì đánh một tiếng một kéo dài kết hợp với tiếng hú. Khi săn được thú thì gõ cồng chiêng để loan tin: Thú nhỏ thì gõ ba tiếng, hươu nai thì gõ sáu tiếng, bắt được hổ, gấu thì gõ chín tiếng… Khi đưa thú về bản thì đánh cồng chiêng theo tiết tấu “Đi đường”.
Âm nhạc cồng chiêng của người Mường là sự hội tụ đầy đủ của tự nhiên và cuộc sống, tiết tấu nhịp nhàng, có lúc êm đềm, sâu lắng, có lúc rộn ràng, sôi động... Đặc biệt vào những ngày lễ hội, tiếng cồng chiêng vang lên trầm bổng cùng những tiếng cười vui rộn rã của mọi người đi trẩy hội. Tiếng cồng chiêng lễ hội vang lên xua tan hết mệt mỏi, buồn phiền của con người. Với người Mường, tiếng chiêng của lễ hội là tiếng chiêng của may mắn, của những ước nguyện ấm no, hạnh phúc. Chính những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm ấy đã làm nên những giá trị độc đáo mà chỉ văn hóa cồng chiêng Mường mới có được.
Chính những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm hòa quyện cùng tiếng suối, tiếng gió, tiếng lòng người đã làm nên những giá trị độc đáo mà chỉ văn hóa cồng chiêng Mường mới có được. Văn hóa cồng chiêng là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đoàn kết và là di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc của dân tộc Mường. Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường.
Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng
Trong những năm qua xã hội có nhiều thay đổi với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ truyền thông và tin học cùng với sự đô thị hóa ngày càng mạnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến những sinh hoạt văn hóa truyền thống cộng đồng người Mường trong đó có âm nhạc cồng chiêng. Chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cả cộng đồng người Mường.
Đứng trước nhiều thách thức của sự xâm lấn của các hình thức giải trí mới, sự suy giảm số lượng những nghệ nhân, sự mai một, biến tấu của những bài cồng chiêng cổ. Trước thực trạng đó, việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng, chiêng Mường trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để bảo tồn cồng, chiêng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa cồng chiêng Mường để mỗi người dân có ý thức gìn giữ và phát huy. Đồng thời, tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, sưu tầm các làn điệu cồng, chiêng cổ một cách có chọn lọc, kế thừa; tích cực tổ chức các lễ hội cổ truyền để âm nhạc cồng chiêng Mường có “đất” sống...
Bên cạnh đó, sức sống của cồng chiêng người Mường là sức sống của cộng đồng, tồn tại và không tách rời khỏi đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cồng chiêng chính là cộng đồng, họ là chủ thể, là người quyết định sự tồn tại của loại hình văn hóa này. Việc tham gia tích cực của cộng đồng là yếu tố then chốt để bảo tồn và phát huy cồng chiêng. Sự vào cuộc của chính quyền các cấp và của cả cộng đồng chắc chắn tiếng cồng chiêng được ngân vang, ngân xa và được lưu truyền mãi trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc.