Thạp đồng văn hóa Đông Sơn: Vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt xưa
Dân tộc - Văn hóa Thứ tư, 22/03/2023 - 13:55
Khai mạc triển lãm văn hóa Đông Sơn Tôn vinh "Văn hóa Đông Sơn" - di sản lịch sử của văn hóa Việt Nam |
Giá trị của Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn
Với những giá trị độc đáo, mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, Thạp đồng văn hóa Đông Sơn là một trong ba bảo vật quốc gia của tỉnh Bắc Ninh đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định công nhận.
![]() |
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn là một trong ba bảo vật quốc gia của Bắc Ninh đã được công nhận |
Ông Nguyễn Văn Đáp - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, người trực tiếp hoàn thiện hồ sơ bảo vật - chia sẻ: Thạp đồng văn hóa Đông Sơn cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng. Toàn bộ thạp phủ lớp patin hơi xanh gỉ đồng ngả vàng, có dáng gần hình trụ tròn (hình quả nhót), phần miệng hơi thu lại, phần thân trên phình ra và thon dần xuống đáy. Đáy nhỏ hơn miệng. Miệng thạp có gờ ở mép để đậy nắp. Trên thân có gắn đôi quai kép nằm đối xứng nhau qua thân. Quai được gắn vào sau, không đúc liền với thân thạp. Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác, đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm.
Theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thạp được công nhận bảo vật quốc gia vì là hiện vật gốc, độc bản, hoa văn sắc nét, độc đáo, được bố cục cân đối, hài hòa mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.
Đánh giá của giới chuyên gia, sự độc đáo trước hết của chiếc thạp này chính là băng hoa văn ở giữa thân, trang trí 14 con thú trong tư thế đuổi nhau, ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài. Cho đến nay, đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn duy nhất hiện biết ở Việt Nam có trang trí băng hoa văn này.
Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá, đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động. Điều này tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động. Đó là nghệ thuật thể hiện động trong tĩnh, được nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn vận dụng hiệu quả.
Chia sẻ niềm vui về việc được công nhận là bảo vật quốc gia của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh - cho hay, Thạp đồng văn hóa Đông Sơn là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, phân bố chủ yếu tại vùng núi trung du và đồng bằng của các con sông lớn ở miền Bắc Việt Nam. Việc công nhận Thạp đồng đóng góp một hiện vật đặc sắc, làm tăng thêm giá trị của kho tàng Thạp đồng văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam; đồng thời đóng góp tư liệu mới, xác thực cho việc tìm hiểu và nhận thức lịch sử - văn hóa thời dựng và giữ nước đầu tiên của dân tộc.
Người lưu giữ giá trị lịch sử
Thạp này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP. Từ Sơn (Bắc Ninh), được ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng nhận chuyển nhượng lại từ nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Trần Quốc Bình ngày 30/12/2021.
Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng được thành lập theo Quyết định số 2019/QĐ của UBND tỉnh Bắc Ninh, có địa chỉ tại phường Đình Bảng TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và thế giới; tổ chức trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập, tài liệu có giá trị tiêu biểu trong và ngoài nước phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của nhân dân.
![]() |
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng |
Cùng với Thạp đồng văn hóa Đông Sơn - một trong những tác phẩm đẹp hoàn hảo, hoa văn trên thạp sắc nét, độc đáo, được bố cục cân đối, hài hòa mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn thì Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang sở hữu, lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.
Các hiện vật được chia thành 6 bộ sưu tập gồm: Bộ sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; bộ sưu tập gốm Việt Nam qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn...; bộ sưu tập đồ sứ (bát, đĩa, ấm chén, khay đựng đồ, chum, thống)...; bộ sưu tập đồ dùng của các gia đình vua chúa, quan lại, địa chủ thời phong kiến của Việt Nam; bộ sưu tập được chế tác từ ngà voi; bộ sưu tập đồng hồ được sản xuất từ thế kỷ XIX, XX có xuất xứ từ Pháp, Đức…
Chia sẻ về cơ duyên đến với bảo tàng này, ông Nguyễn Thế Hồng cho hay: “Ngoài yếu tố mấu chốt về tài chính, niềm đam mê cháy bỏng thì người chơi cổ vật rất cần có "duyên với đồ". Mỗi đồ vật đều có linh hồn, thẩm thấu, kết tinh những tinh hoa văn hóa nhân loại. Người chơi, sưu tầm cổ vật là giữ gìn di sản văn hóa. Đam mê theo đuổi săn tìm cổ vật, tôi luôn tin vào những yếu tố tâm linh, khi mình kính vật, thì vật mới đến với mình. Mình muốn sở hữu các quý vật thì phải luôn hành xử như một quý nhân, bằng cách không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa, am tường lịch sử, địa lý...”
Dù đã mở cửa trở lại khá lâu nhưng Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đến giờ vẫn có rất đông du khách đến chiêm ngưỡng bảo vật hàng ngày. Nguyễn Khánh Hòa - sinh viên năm thứ 3 khoa lịch sử, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết: “Em đã đến bảo tàng này nhiều lần. Thông qua các tài liệu, bảo vật được trưng bày tại bảo tàng đã giúp ích cho chúng em rất nhiều trong việc học tập. Khi tận mắt chiêm ngưỡng chiếc thạp đồng tại Bảo tàng Nam Hồng em thật cảm phục về trình độ văn hóa tinh xảo của người Việt xưa.”
Thống kê của các nhà nghiên cứu, hiện nay ở nước ta phát hiện được hơn 235 chiếc thạp đồng. Khác với trống đồng, thạp đồng có kiểu dáng đơn giản hơn nhiều. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra, rất có thể, chúng còn để đựng hạt giống cho mùa màng, mà tín ngưỡng phồn thực nảy nở sinh sôi còn đọng hằn khá rõ trên các hình tượng hoa văn, khi mà đời sống của người Việt cổ thời Đông Sơn có nhiều nghi lễ liên quan tới mùa màng. |
Tin mới nhất

Hủ tục của bản và nỗi đau của người mẹ đang khoác áo học trò

Quảng Bình: Bà con đồng bào Rục vào vụ mùa gặt

Sóc Trăng: Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết Chôl Chnăm Thmây 2024

Bộ sưu tập đàn đá nghìn năm tuổi được công nhận bảo vật quốc gia

Độc đáo Lễ mở cửa kho lúa, tôn vinh những hạt lúa dân tộc Rơ Măm
Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: “Ghi điểm” với nhiều giải cao tại Ngày hội trình diễn cây Nêu

Thanh Hóa: Xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông

Đại đoàn kết toàn dân - Động lực làm nên sức mạnh Việt Nam

Tăng cường cơ chế hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Thanh Hóa: Độc đáo Phiên chợ và Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” của đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hóa các dân tộc ít người đang mai một theo thời gian

Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc ở Khánh Hòa

Ninh Thuận: Độc đáo lễ hội Katê của người Chăm

Tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của tôn giáo trong dòng chảy văn hoá Việt Nam

Mang “Hương sắc’’ Tây Ninh ra Hà Nội

Longform | Áo dài Việt Nam: Từ biểu tượng văn hoá đến giá trị kinh tế du lịch

Khánh Hòa tổ chức cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh

Gia Lai: Cuộc sống mới của làng “chạy lũ” Kon Bông

Thanh Hóa: Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Lai: Niềm vui tại làng Pốt – Làng nông thôn mới

Chương trình nghệ thuật chủ đề quê hương, đất nước giúp học sinh hun đúc tình yêu văn hóa truyền thống

Khánh Hòa đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 5 - năm 2026

Khai mạc ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4

Những người lạc lõng trước bức tranh máu và hoa
