Vùng đồng bào dân tộc thiểu số “thay da đổi thịt” nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Dân tộc - Văn hóa Thứ hai, 28/06/2021 - 16:25
Vài năm trở lại đây, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã "thay da đổi thịt". Tiêu biểu, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác với NHCSXH… hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện A Lưới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới đã luôn chú trọng, tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống.
Là một trong những hộ thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của xã Quảng Nhâm, năm 2012, gia đình chị Lê Thị Phước (trú tại thôn Pất Đuh, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được bình xét cho vay 5 triệu đồng từ Chương trình cho vay Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Với số tiền đó, chị đã mua 1 con bò mẹ. Sau một năm chịu khó chăm sóc bò mẹ đã sinh ra một bê con. Sau đó, chị tiếp tục đăng ký vay thêm 30 triệu đồng tư nguồn vốn hộ nghèo để tiếp tục mua thêm 3 bò mẹ. Sau 3 năm chăm sóc đàn bò chị đã có 9 con. Năm 2015, chị trả hết nợ vay từ NHCSXH.
Từ một hộ thuộc diện khó khăn, gia đình chị Lê Thị Phước đã vươn lên thoát nghèo nhờ chính sách hỗ trợ tín dụng của địa phương |
Năm 2016, chị Phước tiếp tục đăng ký vay vốn từ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; với số tiền vay 50 triệu đồng, chị tiếp tục đầu tư chuồng trại nuôi bò. Đến nay, đàn bò của gia đình chị lên đến 12 con; kinh tế gia đình ổn định và chị đã xin thoát khỏi hộ nghèo của xã.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác tại xã Quảng Nhâm, năm 2018, gia đình ông Nguyễn Hải Teo (trú tại thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm) đã được vay vốn từ chương trình vay hộ sản xuất kinh doanh với số tiền vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này, ông Teo đầu tư trồng chuối già lùn và nuôi bò sinh sản.
“Năm 2020 tôi đã thu hoạch đợt 1 bán với số tiền hơn 25 triệu đồng. Dự kiến thu hoạch đợt 2 trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 khoảng 300 buồng. Thời gian tới tôi tiếp tục mở rộng quy mô trồng chuối và xây dựng mô hình nuôi heo theo hướng sinh học và nuôi bò sinh sản” - ông Teo cho biết thêm.
Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh TT- Huế, cho hay, thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, hàng năm trên địa bàn xã có trên 295 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; trong đó trên 290 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn (chiếm 98% số lượt hộ vay) để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 33,39% vào năm 2018 xuống còn 22,31% cuối năm 2020. Đến nay dư nợ toàn xã đạt 37.037 triệu đồng với 906 hộ, không có nợ quá hạn.
Gia đình ông Nguyễn Hải Teo cũng "thay da đổi thịt" nhờ được nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ |
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến được các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã được vay vốn để góp phần giúp cho các hộ dân định canh định cư, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống…, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được hội đồng nhân dân xã thông qua hàng năm. Ngoài ra, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn xã.
Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến ngày 31/12/2020, tổng dư nợ đạt 355.116 triệu đồng, tăng 20.302 triệu đồng so cuối năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng 6,0%. Nợ quá hạn là 214 triệu đồng, giảm 6 triệu đồng so cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh là 0,06%. Số xã không có nợ quá hạn là 11 xã, chiếm 61,11% tổng số xã trên địa bàn, tăng 2 xã so với cuối năm 2019. Số tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn là 207 tổ, chiếm 94,95% tổng số tổ trên địa bàn.
Ông Lê Quang Thắng - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới - thông tin, toàn huyện A Lưới hiện có 18 điểm giao dịch tại 18 xã, thị trấn. Để nâng cao hiệu quả điểm giao dịch xã, đơn vị đã chỉ đạo cán bộ nghiệp vụ phối hợp hội đoàn thể họp giao ban định kỳ, phân thời gian giao dịch đối với từng hội, đôn đốc tổ đến giao dịch, kiểm tra, giám sát các tổ trong quá trình giao dịch như tỷ lệ thu lãi, thu tiết kiệm, đôn đốc nợ đến hạn.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cơn bão số 5, 9, 13 trên địa bàn huyện đã ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch xã tại đơn vị. Tuy nhiên đơn vị đã chủ động báo cáo Trưởng ban đại diện đồng thời phối hợp UBND cấp xã, hội đoàn thể nhận ủy thác đã tổ chức các phiên giao dịch bù đảm bảo an toàn.