Xòe Thái trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại
Dân tộc - Văn hóa Thứ tư, 15/12/2021 - 19:25
Như vậy, nghệ thuật Xòe Thái hiện là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, bao gồm: Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa tại Điều 2 của Công ước 2003; Việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; Các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; Xòe Thái đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của Quốc gia thành viên đề cử di sản, như được quy định tại Điều 11 và 12 của Công ước 2003.
Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam |
Xòe Thái là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống, và công việc. Đây là loại hình nghệ thuật được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Xòe Thái cũng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Loại hình này cũng đã trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Việc ghi danh hồ sơ Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Sự kiện này cũng chính là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.