Độc đáo Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh
Dân tộc - Văn hóa Thứ ba, 28/02/2023 - 14:54
Thanh Hóa: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống giúp đồng bào dân tộc Thái xã Lũng Niêm thoát nghèo bền vững Lễ hội Mường Xia, nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa |
Từ bao đời nay, Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy là nghi lễ dân gian của đồng bào dân tộc Thái ở thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy nhằm tế lễ các vị mường trời, thần núi, thần sông, thần đất để cầu may, cầu mát cho dân làng mạnh khoẻ, cuộc sống thanh bình.
Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy là nghi lễ dân gian, nhằm tế lễ các vị mường trời, thần núi, thần sông, thần đất để cầu may, cầu mát cho dân làng mạnh khoẻ, thanh bình |
Theo ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Như Thanh, lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy bắt nguồn từ các ông mo, bà tày ở trong bản mường chuyên lo việc chữa bệnh cứu người cho dân bằng lá cây, hoa cỏ ở trong vườn nhà hoặc ở rừng và cầu cúng thần linh nhằm xua đuổi ma rừng, ma núi để chúng không đến quấy nhiễu bản làng. Mong ước cuộc sống bình yên, khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc và biết ơn các đấng thần linh đã phù hộ, chở che cho người dân bản làng trong năm.
Các hình thức, tín ngưỡng trong lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy phản ánh nhiều mặt đời sống người Thái như: Văn hóa sản xuất, phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử; các mối quan hệ về tự nhiên, xã hội, con người. Ra đời tồn tại cùng sự vận hành của thiết chế bản làng.
Đồng bào dân tộc Thái với nghi lễ dân gian của nhiều loại hình nghệ thuật Hát, múa |
Trong thời gian dài phát triển, gắn bó cùng lịch sử dân tộc Thái, đến nay Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn. Nghi lễ dân gian có sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp: Hát, múa, trình diễn nhạc cụ...
Thời gian tổ chức Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy được đồng bào Thái chọn tổ chức vào dịp tháng giêng, tháng hai âm lịch hằng năm, chu kỳ tổ chức 5 năm làm lễ lớn, một năm làm lễ nhỏ. Trong ngày lễ, cộng đồng người Thái trên địa bàn sẽ mời cả đồng bào các dân tộc khác sống trên địa bàn như Mường, Kinh… tới dự hội và ăn cơm mới.
Để tiến hành lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy, đồng bào Thái làm lễ “Tem phạ”. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, mọi nhà phải treo các dải chỉ xanh, đỏ để tang Trời 3 ngày. Trong lễ ông mo hoặc bà tày có vai trò chủ trì, dẫn dắt điều hành buổi lễ, việc tổ chức lễ nhỏ thường diễn ra ở phạm vi mỗi gia đình, còn lễ lớn được tổ chức tại nơi thờ Thành hoàng có sự tham gia rộng rãi của cả cộng đồng.
Trò chơi dân gian tại Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy được đồng bào dân tộc Thái thôn Rộc Răm tổ chức vào tháng 2/2023 vừa qua |
Các vật phẩm lễ không thể thiếu cây bông - tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, trù phú của bản làng. Các cây bông được đồng bào dựng cao tới 9 tầng với hàng ngàn bông hoa đồng tiền dày khoảng 40 cánh, thân cây thường được làm bằng cây chục bục, cây dâu hay cây sắn, có màu sắc rực rỡ, trang trí các hình chim thú hay các công cụ lao động.
Hình thức, nghi lễ, có vai diễn dưới hình tượng “thần”, vai “mường Trời”, mượn cái uy, cái linh thiêng của “thần” để răn dạy người đời làm những điều hay, ý đẹp, sống chan hòa, yêu thương nhau. Những bài cúng thần linh, những lời dặn cây bông, cây thuốc hay các trò chơi, trò diễn thể hiện tư tưởng nhân văn, tăng cường tinh thần đoàn kết, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng.
Các vật phẩm sử dụng trong Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy phản ánh nghệ thuật ẩm thực của người Thái với nhiều loại sản vật từ nền nông nghiệp trồng trọt đến chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Đặc biệt có các loại cây rừng, lá rừng, củ rừng trong cây bông liên quan tới việc hái thuốc chữa trị bệnh dân gian để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, làm phong phú thêm nền y học cổ truyền dân tộc Thái.
Nhiều trò chơi dân gian được đồng bào dân tộc Thái tái hiện tại Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã được công nhận từ năm 2018. Cứ 5 năm là bà con tổ chức lễ đại với qui mô lớn hơn, thường niên hàng năm sẽ tổ chức lễ hội bình thường qui mô nhỏ. Ngoài lễ Kin Chiêng Boọc Mạy, thôn Rộc Răm còn có đền Cấm gắn liền với vết tích thờ vị tướng Trần Công Bác, hiện bà con bản địa muốn sẽ xã hội hóa để khôi phục lại đền. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai liên quan đến quỹ đất. Để đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn, xã rồi huyện đã đưa vào quy hoạch để xin UBND tỉnh và đang chờ phê duyệt diện tích đất xây dựng đền Cấm; phụng dựng văn hóa bảo tồn làng theo nguyện vọng của nhân dân bản địa.”